Bộ Nội vụ tiếp tục ủng hộ mức lương “nô lệ” đối với những người bị tạm giữ nhập cư

2613
 
Các quan chức Bộ Nội vụ đã gạt bỏ đề xuất của chính các nhân viên của bộ về việc tăng lương một bảng mỗi giờ cho những người bị tạm giữ nhập cư làm các công việc phục vụ.
 
Thông tin này được đưa ra trong cuộc chiến pháp lý chống lại Bộ Nội vụ, khởi xướng bởi những người bị tạm giữ phản đối việc bị trả mức lương như “nô lệ” cho những công việc như dọn dẹp toilet hoặc làm bếp.
 
Công việc này hoàn toàn tự nguyện và những người bị tạm giữ không cần phải trả tiền thức ăn chỗ ở trong lúc bị giam trong các trại tạm giữ, và giống như ở tù, lương của họ không được áp theo luật về lương tối thiểu.
 
Bộ Nội vụ phát biểu rằng những công việc dọn dẹp đơn giản được nhận một cách tự nguyện nhằm giúp những người bị tạm giữ cảm thấy đỡ “nhàm chán”. Tuy nhiên, nếu không có họ làm việc, Bộ Nội vụ sẽ phải trả khoản tiền lớn hơn bảy lần để thuê nhân công bên ngoài.
 
Các luật sư của những người nhập cư bị tạm giữ đã tiến hành thực hiện quy trình tố tụng ban đầu từ hồi năm ngoái, nhưng Bộ Nội vụ đã đưa ra lời hứa sẽ thẩm định nội bộ về mức lương quá thấp này. Do đó, các động thái pháp lý đã được tạm hoãn đến khi việc kiểm tra hoàn tất.
 
Dù các nhân viên Bộ Nội vụ và các đơn vị ký hợp đồng quản lý các trại tạm giữ đã bày tỏ ủng hộ việc tăng lương, các quan chức vẫn quyết định rằng mức tăng từ 1 đến 1.15 bảng là không cần thiết. Mức lương này không hề thay đổi kể từ năm 2008. Động thái pháp lý hiện đang được tái khởi động và vụ việc sẽ được đem ra trước tòa án tối cao vào tháng Mười Hai.
 
Theo các văn bản tố tụng mà tờ Guardian có được, bản thẩm định của Bộ Nội vụ bao gồm quan điểm từ rất nhiều nguồn, bao gồm cả những người bị tạm giữ và các quản lý trung tâm.
 
Một người quản lý cho biết: “Khi chúng tôi yêu cầu các trại viên cọ rửa toilet hay những vết cáu bẩn trong phòng tắm với mức giá 1 bảng mỗi giờ, họ thường đáp lại rằng các anh hãy tự làm việc của mình, đó là lý do vì sao chúng tôi thường xuyên phải thay thế những người dọn rửa.”
 
Trước đó, các nhân viên Bộ Nội vụ cho rằng 1 bảng một giờ “dường như vẫn cao”.
 
Trong một văn bản, Bộ Nội vụ tuyên bố: “Dù 1 bảng một giờ dường như vẫn cao, tôi buộc phải tuyên bố chúng tôi chấp nhận mức giá này làm mức giá cơ bản.”
 
Văn bản cũng có đoạn bày tỏ rằng giảm mức giá xuống 75p là “quá nhiều nguy cơ”. “Chúng ta có thể bị các tổ chức NGO, IMB (Ban điều hành độc lập) và HMIP (Ban thanh tra nhà tù) chỉ trích nặng nề,” họ nói.
 
Bộ Nội vụ đã đưa ra mức lương tiêu chuẩn vào năm 2008, và trước thời điểm đó các trung tâm tạm giam thường có mức giá riêng khác nhau. Vào năm 2016-17, những người bị giam giữ đã làm việc tổng cộng 887,073 giờ và được trả 887,565 bảng. Sự khác biệt -0.27% rất nhỏ là do mức lương 1.25 bảng một giờ được trả cho những công việc đặc biệt.
 
Các luật sư bảo vệ quyền người nhập cư cho rằng bộ trưởng bộ nội vụ đang hành động trái pháp luật dựa trên các quy tắc của trung tâm tạm giữ và việc thẩm định nội bộ được Bộ thực hiện là không có căn cứ và vi phạm luật bình đẳng.
 
Ông Toufique Hossain đến từ trung tâm tư vấn luật Duncan Lewis, đơn vị đứng ra tiến hành tố tụng, phát biểu: “Trong nhiều năm, Bộ Nội vụ đã lạm dụng những người nhập cư trái phép mà chính phủ tạm thời giam giữ. Người dọn dẹp, cắt tóc, phục vụ bếp, thông dịch viên, thủ thư,… chỉ là một vài công việc tối cần thiết với sự vận hành của một trung tam mà các trại viên đã đảm nhận.
 
“Bộ Nội vụ đã lạm dụng quyền lực và đặt ra mức lương tối thiểu cho những công việc đó là 1 bảng môi giờ. Sau khi chúng tôi cảnh báo sẽ đem việc này ra trước pháp luật, cuối cùng Bộ cũng chịu xem xét lại chính sách này trong nội bộ, nhưng sau đó vẫn tiếp tục chọn cách duy trì mức lương trên. Bây giờ, chúng tôi sẽ nhờ luật pháp xem xét hành động thiếu đạo đức và tàn nhẫn này.”
 
Bộ Nội vụ bày tỏ: “Việc giao các công việc có trả lương cho những người bị tạm giữ trong các trại nhập cư đã nhận được lời khen ngợi từ ban Thanh tra Nhà tù Hoàng gia vì nó giúp cho các trại viên được bận rộn trong lúc chờ đợi quy trình trục xuất.
 
“Việc quyết định có tham gia hay không hoàn toàn nằm ở họ, nhưng số lượng người tình nguyện làm các công việc được trả lương này chính là bằng chứng cho thấy chúng được đồng thuận ra sao. Và việc này hoàn toàn không phải sự thay thế
 cho vai trò của các nhân viên chuyên nghiệp.”
 
 
VietHome (Theo Guardian)