Bộ Nội vụ không có cơ sở pháp lý để thu thập DNA của người xin tị nạn

Những người xin tị nạn được yêu cầu thử DNA để chứng minh nguồn gốc có thể được phép khởi kiện chính phủ sau khi Bộ Nội vụ thú nhận rằng cơ sở pháp lý cho việc thu thập DNA này khá “mơ hồ”.
 
2809
 
Lời tuyên bố này được đưa ra sau những tranh cãi pháp lý liên quan đến vụ việc một cậu bé xin tị nạn bị bị giữ lại Pháp dù rất muốn được đoàn tụ với anh trai mình, một người tị nạn ở Anh.
 
Cậu bé này muốn sử dụng kết quả thử DNA độc lập để chứng minh cậu và anh trai có quan hệ máu mủ. Danh tính của hai anh em không được tiết lộ vì lý do luật pháp.
 
Tòa án tối cao chịu trách nhiệm các vụ việc liên quan đến nhập cư và tị nạn đã phát hiện ra rằng Bộ Nội vụ không hoàn thành nhiệm vụ của họ sau khi có yêu cầu từ chính phủ Pháp, đề nghị xác minh xem cậu bé trên, hiện đã 17 tuổi, có phải là em trai của một người đàn ông được chấp nhận tị nạn ở Anh hay không.
 
Vì tin rằng hai nam giới này không có quan hệ ruột thịt, Bộ Nội vụ đã từ chối yêu cầu đoàn tụ gia đình của cậu bé theo một quy định được biết đến với cái tên Dublin III.
 
Các quan tòa xác nhận rằng hai người là anh em và lẽ ra Bộ Nội vụ phải xem xét kết quả DNA của cậu bé tại Pháp hoặc cân nhắc việc cho cậu bé đến Anh để thực hiện xét nghiệm DNA tự nguyện.
 
Phía cậu bé cho rằng vì Bộ Nội vụ đã từng thu thập DNA của người xin tị nạn trong một chương trình thử nghiệm hồi năm 2009, lẽ ra cậu cũng phải được cho phép kiểm tra DNA tại các khu vực tuân theo quy định nhập cư của Anh ở Pháp là Calais và Dunkirk. Bộ Nội vụ phản bác rằng họ không có quyền về mặt pháp lý để thu thập mẫu DNA và rằng cơ sở pháp lý của chương trình thử nghiệm năm 2009 là rất mơ hồ. Tuy nhiên, chương trình này vẫn được tiến hành đến tận năm 2011.
 
Phán quyết được đưa ra hôm thứ Năm (19/7) nêu: “Tuy nhiên, sau khi xin hướng dẫn, ông Lewis (đại diện pháp lý của Bộ Nội vụ) cho chúng tôi biết rằng cơ sở pháp lý của chương trình thử nghiệm là rất mơ hồ và rằng họ không thể xác định quyền hạn pháp lý nào cho phép các nhân viên di trú được thu thập mẫu DNA.”
 
Dựa trên thông tin này từ Bộ Nội vụ, luật sư của cậu bé, Jane Ryan, yêu cầu một cuộc điều tra đối với việc thu thập DNA trái phép của Bộ Nội vụ. “Bộ Nội vụ cần minh bạch về chương trình này và điều tra cẩn thận hành vi lạm quyền của họ,” bà nói.
 
Bà cũng cho biết thêm một cuộc điều tra cần xác định Bộ Nội vụ đã biết về tính chất vi phạm pháp của hành vi trên được bao lâu, có bao nhiêu người đã bị ảnh hưởng và những người này cần được cho biết họ có quyền khởi kiện Bộ.
 
Bà Ryan nói việc xét nghiệm DNA người xin tị nạn để làm bằng chứng chứng minh quan hệ gia đình là không có gì sai trái, nhưng nó cần được thực hiện một cách hợp lý, độc lập và chuyên nghiệp bởi các bác sĩ chứ không phải nhân viên Bộ Nội vụ.
 
Phiên tòa cũng xác định rằng không chỉ Bộ Nội vụ mà tòa án cũng có quyền quyết định xem liệu những đứa trẻ có đang nói thật về việc có thân nhân ở Anh hay không.
 
Phát ngôn viên Bộ Nội vụ nói: “Chúng tôi ghi nhận phán quyết này và đang xem xét hành động.”
 
 
VietHome (Theo Guardian)