Nạn nhân nô lệ hiện đại tại Anh và xứ Wales tăng 300%

Mới đây, Đội quân Cứu tế - Salvation Army, một tổ chức xã hội của nhà thờ với các hoạt động từ thiện được tổ chức giống mô hình quân đội, đã công bố những con số mà họ thống kê cho thấy số lượng nam giới người Việt làm việc trong các trang trại cần sa đang ngày càng tăng.

Nạn_nhân_nô_lệ_hiện_đại_tại_Anh_và_xứ_Wales_tăng_300.jpg

Số lượng người Việt Nam được tìm thấy đang làm việc trong các trang trại cần sa tăng nhanh một cách đáng báo động

Các số liệu thống kê mới được công bố gần đây cho thấy số lượng nạn nhân nô lệ hiện đại được hỗ trợ tại Anh quốc đã tăng vọt lên tới hơn 300%. Trong khi đó, theo ghi nhận của các tổ chức xã hội thì ở thời điểm hiện tại, vẫn còn có hàng ngàn người đang hàng ngày bị ép làm lao động khổ sai, gái mại dâm và làm nô lệ trên khắp nước Anh. Ngoài ra, vừa qua, người ta còn phát hiện ra trường hợp một người đàn ông nằm trong danh sách các nạn nhân nô lệ hiện đại của Chính phủ đã bị buôn bán sang Anh một cách bất hợp pháp chỉ để lấy nội tạng. Bên cạnh đó, nhiều số liệu cũng cho thấy trong năm vừa rồi, số lượng người Việt Nam được tìm thấy đang làm việc trong các trang trại cần sa cũng tăng nhanh một cách đáng báo động.

Đội quân Cứu tế - Salvation Army (một tổ chức xã hội có hoạt động hỗ trợ tất cả các nạn nhân là người trưởng thành của chế độ nô lệ hiện đại được xác định qua Cơ quan Tham chiếu Anh quốc) cho biết họ nhận thấy nhu cầu được hỗ trợ của các nạn nhân đã tăng lên từ năm 2011. Chỉ tính trong năm qua, đã có hơn 1,500 người được đưa vào danh sách nạn nhân nô lệ hiện đại của Chính phủ Anh, gần một nửa trong số nạn nhân đó bị bóc lột tình dục, 39% bị ép làm lao động khổ sai và 13% bị bắt làm nô lệ trong gia đình. Các nạn nhân này được xác định là đến từ 95 quốc gia khác nhau trên thế giới, gần hai phần ba trong số đó là nữ giới, một phần ba còn lại là nam và có ba nạn nhân là người chuyển giới.

Đội quân Cứu tế - Salvation Army cũng cho biết thêm rằng họ không nhận thấy bất kỳ một dấu hiệu nào về sự suy giảm số lượng nạn nhân nô lệ hiện đại tại Anh quốc. Mặc dù hầu hết các vụ việc có liên quan tới chế độ nô lệ hiện đại đều bị phát hiện ở London nhưng những nạn nhân được đưa vào danh sách của Chính phủ lại tới từ rất nhiều địa điểm khác trên khắp nước Anh. Điều này chứng tỏ “mức độ phổ biến của tình trạng này trên khắp nước Anh và bất kỳ một cá nhân nào cũng cần phải cảnh giác trước những dấu hiệu của nô lệ hiện đại tại cộng đồng nơi mình đang sinh sống.” Họ cho biết thêm rằng quốc gia có số lượng nạn nhân nữ lớn nhất mà tổ chức nhận hỗ trợ là Albanian, tiếp theo là Nigeria. Tuy nhiên, nói về số lượng nạn nhân nam lớn nhất thì phải kể tới các nạn nhân mang quốc tịch Việt Nam. Vào năm ngoái, có tổng cộng 183 người Việt Nam được đưa vào danh sách nạn nhân nô lệ hiện đại của chính phủ Anh, trong đó các nạn nhân nam chủ yếu bị đưa vào lao động khổ sai tại các trang trại cần sa và nạn nhân nữ thì bị đưa vào làm việc tại các tiệm nail và phục vụ cho ngành công nghiệp tình dục.

Nạn_nhân_nô_lệ_hiện_đại_tại_Anh_và_xứ_Wales_tăng_300_1.jpg

Số liệu thống kê 10 nước có số lượng nạn nhân nô lệ hiện đại cao nhất của Đội quân Cứu tế - Salvation Army

Trong đó có trường hợp một thiếu niên tên T, 16 tuổi, đã bị buôn lậu khỏi Việt Nam sau khi mẹ của cậu bé bán nhà để lấy £10,000 lo cho cậu tới Anh theo bố của mình. Cậu bé sau đó đã được đưa tới làm việc ở một trang trại cần sa nằm trên tầng hai của một cửa hàng, bị ép “làm việc liên tục trong nhiều giờ dưới sức nóng khủng khiếp, không được trả lương, chỉ được cung cấp thức ăn hai ngày một lần và không được phép ra ngoài". Sau khi trang trại cần sa bị phát giác, cảnh sát đã đóng cửa trang trại và chuyển T tới một gia đình được chỉ định để chăm sóc cậu. Tuy nhiên, sau đó cậu bé đã chạy trốn với hy vọng có thể được đoàn tụ với gia đình mình. Thế nhưng thật không may, sau khi chạy trốn, cậu bé lại tiếp tục bị bắt vào làm việc cực khổ tại các trang trại cần sa rải rác tren khắp nước Anh trong nhiều năm liền. Khi khoản nợ của T vượt quá 100,000 bảng, một băng đảng đã ép cậu bé đi bán dâm để trả nợ cho chúng, thậm chí còn đánh đập và dọa sẽ giết bố mẹ cậu bé sau một lần bỏ trốn không thành. Cán bộ thuộc Đội quân Cứu tế - Salvation Army thuật lại rằng "T bị ép phải phục vụ khách từ khách sạn này sang khách sạn khác, bị ép quan hệ với cả nam lẫn nữ và chỉ được nhận về khoảng 100 bảng mỗi tháng.” Cuối cùng, cậu bé được đưa vào trung tâm chăm sóc người nhập cư sau khi bị bắt tại một trang trại cần sa. 

Một nạn nhân khác mà Đội quân Cứu tế đề cập tới là một cậu bé mồ côi tới từ Nigeria, đã từng bị bắt làm nô lệ trong gia đình khi còn đâng sống ở quê nhà. Năm 16 tuổi, cậu bé bị chính gia đình mà cậu phục vụ bán sang Anh. Tại đây, cậu bé tiếp tục bị ép làm nô lệ trong một gia đình khác, phải dọn dẹp và chăm sóc trẻ em cho họ trong vòng 6 năm liền trước khi cậu bé quá uất ức mà bỏ trốn qua cửa sổ nhà bếp.

Theo ghi nhận, hiện nay tại Anh, số lượng nạn nhân nô lệ hiện đại tới từ các nước Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan đang tăng lên. Ngoài ra, Anh cũng là một trong số 10 quốc gia nguồn có số lượng nô lệ lớn nhất tại chính nước này. Trong số các nạn nhân nô lệ được Cơ quan tham chiếu Anh quốc tiết lộ, có tới 44 người mang quốc tịch Anh.

Bà Anne Read, giám đốc phòng Nô lệ hiện đại thuộc Đội quân Cứu tế cho rằng sự gia tăng rất mạnh mẽ về số lượng các nạn nhân được phát hiện bởi Cơ quan tham chiếu Anh quốc cho thấy một sự tiến bộ đáng hoan nghênh của các biện pháp giải quyết và can thiệp. Bà nói thêm: "Chúng tôi cam kết hợp tác và tin tưởng rằng chúng ta sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa nếu chúng ta kết hợp các lực lượng lại với nhau, hợp tác và nỗ lực cùng ngăn chặn nạn buôn người và bảo vệ các nạn nhân.”

Tổ chức phi chính phủ này đã đưa ra kế hoạch hỗ trợ cho các nạn nhân, giúp đỡ họ trong quá trình hồi hương hoặc tư vấn pháp lý để ở lại Anh quốc, hỗ trợ về tài chính, tư vấn, đào tạo và giáo dục. Hiện nay, hầu hết các nạn nhân hiện được Bộ Nội vụ giới thiệu đều nhận được sự hỗ trợ của cảnh sát, các tổ chức từ thiện, cơ quan nhập cư và luật sư. Ngoài ra, theo thông tin mà chúng tôi nhận được thì vừa qua, nước Anh cũng đã tăng gấp đôi quỹ chi tiêu dành cho vấn đề nô lệ hiện đại trong mục tiêu phát triển toàn cầu lên tới 150 triệu bảng.



VietHome (Theo Independent)