Số trẻ em tị nạn “tăng gấp đôi trong vòng hai năm qua”

Theo một báo cáo gần đây, tính đến tháng Ba vừa rồi, chỉ trong vòng hai năm, số trẻ em tị nạn không có người bảo hộ được chăm sóc bởi các hội đồng ở Anh đã tăng lên gấp đôi.

 92244637 036039218 1

Việc đóng cửa trại tị nạn Jungle ở Calais khiến cho số trẻ em tị nạn tới Anh đột ngột tăng mạnh

Hiệp hội các chuyên gia chăm sóc trẻ em (ADCS) cho biết, số trẻ em tị nạn đã đạt tới con số 4.210 trẻ và hiện vẫn đang trên đà tăng mạnh sau khi Pháp đóng của trại tị nạn Jungle ở Calais.

Tổ chức này cũng cho biết thêm, vào tuần cuối cùng của tháng Mười vừa qua, đã có khoảng gần 300 trẻ tị nạn không có người bảo trợ đặt chân tới Anh.

Theo báo cáo của tổ chức này, hiện tại các hội đồng thành phố đang thực sự gặp khó khăn trong việc cung cấp các dịch vụ cho trẻ tị nạn do tình trạng khan hiếm người nhận nuôi chăm sóc cho trẻ.

Theo thông tin được cung cấp từ hơn 100 hội đồng địa phương, có đến hơn một phần ba số trẻ tị nạn tại Anh bị mắc các triệu chứng về tâm lý như rối loạn sau chấn thương, ám ảnh và trầm cảm.

Rất nhiều trẻ gặp các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và không có một trẻ nào được tiêm chủng trước đó.

“Cạn kiệt ngân sách”

Theo báo cáo của ADCS, chi phí mà mỗi hội đồng địa phương phải bỏ ra để chăm sóc cho 100 trẻ tị nạn không có người bảo hộ là khoảng £ 6.75 triệu một năm. Trong khi đó, Bộ Nội vụ chỉ cung cấp cho các hội đồng khoảng £3.35 triệu. Do vậy, các hội đồng phải chi £ 3,4 triệu trong ngân quỹ của mình để bù vào phần còn thiếu đó.

Bên cạnh đó, có tới 76% các Hội đồng địa phương phải thừa nhận rằng họ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm nơi nhận nuôi và chăm sóc các em.

Theo thống kê của mạng lưới dịch vụ chăm sóc vào đầu năm nay thì hiện tại ở Anh đang thiếu khoảng 7.600 người nhận nuôi trẻ. Chủ tịch của ADCS, ông Dave Hill lo ngại rằng sự thiếu hụt người chăm sóc bảo hộ này có thể sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

"Con số này vượt quá những gì mà chúng tôi đã dự đoán và chuẩn bị trước khi trẻ tị nạn đặt chân tới Anh. Thậm chí trong vài tuần tới, chúng ta sẽ  còn nhận thêm nhiều thiếu niên tị nạn nữa."

Ông Hill phát biểu: "Trước cuộc khủng hoảng này, việc thành lập các cơ sở nhận nuôi và chăm sóc trẻ độc lập và ngừng việc thâm hụt vào ngân sách của các hội đồng địa phương là việc làm vô cùng cần thiết."

Bản báo cáo cũng cho biết thêm, hiện nay thị trường người nhận nuôi và chăm sóc trẻ em tại Anh đang “nóng” hơn bao giờ hết do các chính quyền địa phương phải tranh giành nhau khi tìm nguồn chăm sóc trẻ tị nạn.

Tác giả của bản báo cáo nhận định rằng: "Ngay lúc này đây, điều mà chúng ta cần nhất đó là sự phối hợp hành động nghiêm túc giữa chính quyền trung ương và địa phương nhằm gia tăng số lượng các cá nhân, tổ chức nhận nuôi và chăm sóc trẻ tị nạn dài hạn với mức phí hợp lý.”

Việc chính phủ Anh lên kế hoạch đưa 3.000 trẻ em từ các vùng nguy hiểm ở Trung Đông, châu Phi cùng 20.000 gia đình tị nạn từ Syria tới Anh sẽ gây áp lực rất lớn tới các hội đồng địa phương.

 92244642 anonchildandparenthands

Các hội đồng địa phương nói rằng họ đang cạn kiệt nguồn nhân lực chăm sóc cho trẻ tị nạn

Bên cạnh đó, chúng ta không thể không kể đến số trẻ em tị nạn bất định vẫn đang hàng ngày tới Anh một cách bất hợp pháp thông qua những chiếc xe tải lớn và những cung đường bí mật.

Theo nhóm tác giả, hiện nay, một số địa phương được chính phủ giao trọng trách tiếp nhận người tị nạn đang phải chịu đựng những gánh nặng quá lớn.

Từ tháng Bảy vừa rồi, chính phủ đã bắt đầu thực hiện một số chương trình nhằm phân bổ trẻ tị nạn đến các địa phương khác, nhằm giảm bớt sức ép cho các hội đồng chính tiếp nhận người tị nạn.

ADCS ước tính rằng nếu mỗi hội đồng nhận vào số trẻ tị nạn tương đương với 0,07% số trẻ em hiện có tại địa phương đó thì sẽ có khoảng 8114 trẻ tị nạn được tiếp nhận. Tuy nhiên, ADCS cũng không chắc chắn là số trẻ em tị nạn tới Anh sẽ chỉ dừng lại ở mức đó.

“Nguồn vốn dài hạn”

Theo bản báo cáo của ADCS, phần lớn trẻ em tị nạn đến từ các vùng đang phải chịu xung đột như Afghanistan, Eritrea, Iraq và Syria; 76% trong số đó rơi vào độ tuổi 16,17 và hơn 90% là nam.

David Simmonds, Chủ tịch Hiệp hội chính quyền địa phương về người tị nạn và nhập cư, cho rằng bản báo cáo này đã "nêu rất rõ các cam kết về tài chính mà các hội đồng địa phương đã thực hiện trong việc chăm sóc trẻ em tị nạn. Trong đó, sự hỗ trợ về tài chính từ phía Bộ Nội vụ chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong số những gì mà các hội đồng phải bỏ ra".

"Vào tình thế hiện giờ, chính phủ bắt buộc phải cung cấp một nguồn vốn dài hạn dành cho các hội đồng địa phương trong việc chăm sóc trẻ tị nạn tới Anh."

Một phát ngôn viên của chính phủ cho biết: hiện chưa có một bằng chứng nào cho thấy nước Anh đang bị thiếu hụt người nhận nuôi chăm sóc trẻ một cách trầm trọng. "Tuy nhiên, chính phủ cũng luôn khuyến khích ngày càng có nhiều người dân đứng ra đảm nhận công việc trên."

Phát ngôn viên của chính phủ cũng nói thêm: nhiều người dân cảm thấy bất an lo lắng về tình trạng hiện nay do họ phải chịu sự ảnh hưởng lớn từ truyền thông gần đây khi đưa tin về cuộc khủng hoảng trẻ em tị nạn và người di cư.

 "Theo như những công bố về chiến lược bảo vệ cho trẻ em tị nạn không có người bảo hộ gần đây, chính phủ sẽ đưa ra những kế hoạch mới nhất về việc gia tăng số lượng người nhận nuôi dưỡng và chăm sóc trẻ cũng như thúc đẩy sự phát triển của các cơ sở chăm sóc trẻ em tại Anh."

"Chúng tôi đánh giá rất cao sự hợp tác hỗ trợ liên tục của các chính quyền địa phương đã chăm sóc cho trẻ em tị nạn trong thời gian qua. Ngoài ra, chính phủ cũng vừa thực hiện các chính sách nhằm tăng số tiền hỗ trợ xuống các địa phương để dùng vào việc chăm sóc trẻ tị nạn."

 

VietHome (Theo BBC News)