Thủ tướng Anh đối mặt với thử thách đầu tiên

Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với làn sóng chỉ trích từ các chính trị gia Anh và Liên minh châu Âu (EU) sau khi tờ The Guardian công bố đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs về tiến trình Anh rời EU (còn gọi là Brexit).

Nội dung đoạn ghi âm cuộc nói chuyện với đại diện giới tài chính cho thấy, quan điểm về Brexit trái ngược với những gì bà thể hiện trước dân chúng Anh. Trong cuộc họp riêng kéo dài một giờ tại trụ sở Goldman Sachs hồi tháng 4, bà May thừa nhận, các công ty đồng ý đầu tư ở Anh vì nước này là một phần của EU nên không thể tránh khỏi các hệ quả kinh tế tiêu cực từ tiến trình Brexit. Các phát ngôn của nữ Thủ tướng Anh sắc sảo và cụ thể hơn quan điểm mà bà vẫn thể hiện rất nhiều, cây bút bình luận kỳ cựu Anne Perkins của tờ The Guaradian nhận định.

Bà Theresa May

Bà Theresa May đang bị đặt dưới nghi vấn về khả năng lãnh đạo và lòng tin với cử tri.

Trong đoạn ghi âm, bà May cho rằng, các quy tắc di chuyển tự do sẽ khiến việc kiểm soát dòng người di cư giữa các nước châu Âu khó khăn hơn nhưng không có nghĩa là không thể. Tuy nhiên, trong các phát biểu hồi đầu tháng này, bà May không hề đề cập đến số phận các công dân EU hậu Brexit như là một phần nội dung cần đàm phán. Kể từ khi nắm quyền đến nay, nữ Thủ tướng Anh vẫn giữ thái độ kiên quyết về Brexit. Bà từng tuyên bố “Brexit là Brexit” với hàm ý sẽ không đảo ngược kết quả trưng cầu dân ý và từ chối cung cấp thông tin cụ thể về tiến trình này.

Các phát ngôn “tiền hậu bất nhất” đã khiến nữ Thủ tướng Anh phải hứng chịu một loạt các chỉ trích nặng nề. Ông Jeremy Corbyn - lãnh đạo đảng Lao động chỉ trích bà May vì đã không đề ra các kịch bản rõ ràng cho Brexit với người dân Anh như khi trao đổi với giới ngân hàng. “Thủ tướng đã bộc lộ quan điểm cá nhân về Brexit với giới tài phiệt, nhưng từ chối cung cấp cho người dân một kế hoạch rõ ràng về việc đàm phán” - ông Jeremy bức xúc cho biết.

Việc phát ngôn thay đổi trước và sau khi giữ chức Thủ tướng, theo cây bút kỳ cựu của tờ The Guardian, không phải là điều bất bình thường. “Thủ tướng chỉ đang thuyết phục 52% người Anh ủng hộ tách EU rằng, bà đang về phe họ nhằm có được sự ủng hộ”. Đây có thể coi là thử thách lớn đầu tiên đối với bản lĩnh của bà May kể từ khi giữ vị trí Thủ tướng. Sự cố này cho thấy, với tư cách người đứng đầu quốc gia, bà chưa phát huy được vai trò lãnh đạo của mình mà mới chỉ “chạy theo” số đông cử tri. Quan trọng hơn, bà May khó có thể lấy lại được lòng tin của những người đã ủng hộ sau các phát ngôn bị rò rỉ.

Trong khi đó, ông Tim Farron - lãnh đạo đảng Dân chủ công bằng thì cáo buộc bà May "thiếu can đảm chính trị” để cảnh báo công chúng về rủi ro của Brexit. Còn ông Ed Miliband - cựu lãnh đạo đảng Lao động thúc giục bà May công khai các phân tích nội bộ của chính phủ về sự nguy hiểm cho nền kinh tế của quá trình Brexit. "Chính phủ không được phép “giấu” các phân tích quan trọng về các tác động đến nền kinh tế. Công việc này đang thực hiện trong chính phủ và phải được công bố ngay bây giờ” - ông Ed Miliband nói.

Ở thời điểm hiện tại, khi nước Anh chuẩn bị bước vào cuộc “ly hôn” mạo hiểm, các nhà bình luận khuyến cáo, tính xác tín của người lãnh đạo là phẩm chất quan trọng nhất đối với cử tri. Trước cơn sóng lớn đầu tiên kể từ khi lên nắm quyền lãnh đạo chính phủ, bà May nên có sự điều chỉnh thông điệp về Brexit và phản ánh mối quan tâm thực sự của bà trên cương vị người lãnh đạo quốc gia và cảnh báo người dân tất cả những hậu quả mà bà đã dự tính.

 

VietHome(Theo Kinh Tế Đô Thị)