Người Việt đón 'song Tết' ở xứ sở hoa tulip

Năm nay Tết cổ truyền của người Việt trùng với ngày lễ Carnaval nổi tiếng của vùng miền Nam Hà Lan, nên người Việt ở đây được đón hai Tết cùng một lúc. (Lan Phương, Helmond, Hà Lan)

image
Bàn thờ ngày Tết với mâm ngũ quả, bánh chưng và hoa tulip của gia đình tôi. Ảnh do tác giả cung cấp.

Từ cả tháng trước Tết, siêu thị Việt Nam ở thành phố Helmond đã tràn ngập các mặt hàng phục vụ Tết: bánh chưng, bánh tét, giò lụa, giò thủ, mứt và các loại trái cây từ Việt Nam. Năm nay, vì gia đình sắp có thêm một thành viên mới, vợ chồng tôi đón Tết tại Hà Lan mà không phải tại Hà Nội.

Năm ngoái, chồng tôi, một kỹ sư phần mềm người Hà Lan, lần đầu tiên được đón Tết cổ truyền của Việt Nam khi chúng tôi về Hà Nội tổ chức đám cưới. Lúc đầu, anh thận trọng quan sát mọi hoạt động trong gia đình tôi, sau đó hăng hái tham gia dọn dẹp rồi cùng chuẩn bị cỗ giao thừa với cả nhà.

Dù đã nhiều lần sang Việt Nam du lịch, nhưng chưa bao giờ anh được đón một cái Tết thực sự trong gia đình của người Việt. Biết vậy nên bố mẹ tôi “nhân tiện” giới thiệu luôn văn hóa truyền thống cho anh con rể tương lai bằng cách đưa anh vào mọi hoạt động của gia đình từ mua sắm chuẩn bị cỗ đến đi thăm họ hàng. Sau khi được thưởng thức không khí đón Tết thực thụ của gia đình tôi, năm nay anh biết cách giúp tôi chuẩn bị cái Tết đầu tiên của hai vợ chồng ở Hà Lan.

Ngày ở Việt Nam, tôi chỉ là “phụ tá” của mẹ trong mọi việc chuẩn bị Tết. Năm nay, tôi “lên chức trưởng bếp”, nên tự mình phải đứng ra lo toan. Nhờ học được cách làm giò lụa và giò thủ của mẹ, nên tôi quyết định tự tay làm lấy.

Chồng tôi lên tận Eindhoven để tìm mua bằng được lá chuối về cho vợ gói giò. Anh thích tôi gói cả bánh chưng nữa, nhưng vì chỉ có hai vợ chồng, nên tôi chạy ra siêu thị Việt mua về một chiếc bánh chưng, một chiếc bánh tét về đặt lên bàn thờ. Tôi dặn anh chạy ra chợ của nông dân ngày thứ 7 hàng tuần gần nhà để sắm mâm ngũ quả cho tôi. Xong xuôi thì vợ bắt đầu làm cỗ giao thừa, còn chồng thì tất bật dọn nhà, lau bàn ghế và sắp mâm cúng giao thừa.

Tuy ở xa nhà nhưng chúng tôi cũng có đủ loại trái cây và món ăn truyền thống Việt Nam cho ngày Tết, chỉ thiếu mỗi hoa đào. Mùa này ở Hà Lan tuyết vẫn còn phủ trắng khắp nơi, nên chúng tôi chỉ mua được hoa tulip. Thôi thì Tết Việt ở Hà Lan, với mâm cỗ Việt còn hoa tulip thì cũng được.

Sau khi cúng giao thừa, hai vợ chồng bắt đầu thưởng thức các món ăn Việt Nam. Tôi thật may mắn là chồng tôi rất thích các món ăn Việt. Không dặn anh phải để giành cho ngày mai, thì anh sẽ “chén” hết ngay.

Ngày mồng một Tết, chúng tôi cũng xuất hành du xuân, nhưng không phải là đi chúc Tết họ hàng, mà đi thăm một triển lãm mới mở ở Amsterdam. Thăm bảo tàng, triển lãm với chúng tôi cũng là một cách học thêm kiến thức về văn hóa các nơi.

Ra khỏi nhà, chúng tôi hòa vào dòng người tấp nập từ khắp nơi của Hà Lan đổ về miền Nam trảy hội Carnaval. Người trẩy hội đi theo đoàn trong những bộ trang phục lòe loẹt, kỳ quái để tham gia diễu hành. Các tỉnh miền Nam Hà Lan là nơi đạo Thiên Chúa rất thịnh hành qua nhiều thế kỷ. Xung quanh nhà tôi đếm sơ qua cũng có tới hơn 10 nhà thờ lớn với kiến trúc lộng lẫy.

image
Lễ hội Carnaval ở Helmond, Hà Lan. Ảnh do tác giả cung cấp.

Ngày nay, tuy chỉ còn một số ít người Hà Lan vẫn duy trì thói quen đi nhà thờ vào sáng chủ nhật, tất cả mọi người không trừ một ai vẫn kỷ niệm lễ hội Carnaval. Các trường học được nghỉ cả tuần. Trẻ em rất háo hức đón chờ ngày này. Người lớn thì càng vui hơn vì đây là dịp để họ trổ tài trang trí và sáng tạo nghệ thuật. Các ban nhạc nghiệp dư từ khắp mọi miền trên cả nước đổ về đây trình diễn trên phố trong cái rét căm căm.

Hàng tháng trời trước lễ Carnaval, các phường hoặc khu phố đã bắt đầu chuẩn bị xe cổ động để tham gia diễu hành. Trên xe cổ động sẽ là các diễn viên “cây nhà lá vườn” nhảy múa, hát, hoặc tung hoa, tung kẹo cho người xem. Ví dụ một vấn đề nóng hổi trong thành phố tôi ở là an toàn phòng cháy cho các công trình công cộng vào mùa khô.

Có ít nhất tới năm xe cổ động trong vùng được trang trí theo kiểu dáng của một nhà hát vừa bị cháy tháng trước. Mỗi khi có xe cổ động đi qua, bọn trẻ con lại chen chân người lớn đứng ra phía trước với túi nilon trong tay và nhìn chằm chằm xuống đất để tranh nhặt thật nhanh những viên kẹo sô-cô-la do đoàn diễu hành tung xuống.

Ở Hà Lan, Carnaval cũng là dịp người ta uống bia rượu rất nhiều. Vì luật giao thông không cho phép người say rượu tham gia giao thông nên người trảy hội chủ yếu đi tàu, xe buýt, hoặc taxi. Nếu đi theo cả nhóm, một người trong nhóm sẽ không uống rượu để lái xe đưa cả hội về nhà. Nếu có người say rượu đi bộ trên đường mà bị cảnh sát nhìn thấy, anh này có thể mất bằng lái xe cơ giới cho dù lúc đó anh ta không lái xe. Đi xe đạp cũng vậy.

Lý do rất đơn giản: Vì anh ta không tỉnh táo khi tham gia giao thông dẫn đến đe dọa an toàn cho những người tham gia giao thông khác! Nếu luật này áp dụng ở Việt Nam, chắc hẳn hàng triệu người sẽ mất tiền vào dịp Tết này.

Hòa vào dòng người nô nức trẩy hội Carnaval, vợ chồng tôi có hai nguồn vui. Đón Tết xa nhà, tuy không được quây quần với cả nhà quanh mâm cỗ, không có lì xì, không có đền chùa để đi cầu may, nhưng tôi vẫn cảm nhận được niềm vui với cả gia đình ở Việt Nam. Tôi kết nối Internet gần như 24 giờ mỗi ngày. Mẹ tôi cứ mấy tiếng lại gọi cho tôi một lần để cho tôi biết cả nhà đang làm gì, bánh chưng đã được chuẩn bị đến đâu.

Vui hay buồn tất cả ở tự bản thân mình. Nếu bạn biết cách tạo ra niềm vui cho bản thân thì ở đâu, cái Tết cũng theo bạn.

Nguyễn Thị Lan Phương

 

Theo Vn Express