24 giờ khách Việt bị lính Taliban giữ ở Afghanistan

Khi liều lĩnh chạy ra khỏi trạm kiểm soát ở Afghanistan, Lê Khả Giáp bị 5-6 lính Taliban kéo lại, tay chảy máu.

"Những giây phút đáng sợ nhất cuộc đời", Lê Khả Giáp, 28 tuổi, người Hải Dương, nói về sự cố bị quân Taliban giữ 24 tiếng khi đang đi bộ từ thành phố miền đông Jalalabad đến thủ đô Kabul cách đó gần 140 km, hôm 8/2.

Afghanistan là quốc gia thứ ba sau Ấn Độ, Pakistan trong hành trình đi bộ khám phá Nam và Trung Á của Giáp từ tháng 5/2022. Giáp nhập cảnh vào Afghanistan ngày 4/2 bằng đường bộ sau khi xin visa ở thủ đô Islamabad, Pakistan.

Khi còn cách Kabul gần 60 km, anh gặp một nhóm lính Taliban và bị chặn lại. Giáp ban đầu nghĩ điều này bình thường do du khách ở Afghanistan không được đi lại tự do giữa các tỉnh và địa phận giáp ranh đều có chốt canh (check-point). Anh cho họ xem hộ chiếu, visa và video ngủ nhờ ở một địa điểm thuộc quân đội chính phủ trước đó để tạo uy tín.

"Tôi nghĩ thế là ổn. Nhưng khi xem xong, họ ra hiệu cho tôi đi theo", Giáp kể. Họ dẫn anh vào một tòa nhà, thu hộ chiếu, điện thoại. Giáp yêu cầu lính Taliban để anh gọi cho Ali, một lính Taliban khác anh đã quen trước đó. Giáp muốn Ali nói chuyện với họ. Đề nghị bị bỏ qua. Ba tiếng sau, họ đưa Giáp đến một trụ sở khác ở ngoại ô, có tường rào bao quanh.

nguoi viet bi taliban bat 1
Giáp chụp ảnh cùng lính Taliban. Ali ngồi ngoài cùng bên phải.

"Tôi bắt đầu thấy bất an. Họ nói tôi đợi thêm một tiếng nữa để chờ cấp trên. Đồ đạc của tôi bị lục tung", anh kể. Rồi ba tiếng nữa trôi qua, anh bày tỏ muốn được giải thích lý do bị giữ nhưng không có câu trả lời. "Họ chỉ nói đợi", Giáp kể.

Một người lính đi vào và cho anh xem video ba người đang tra tấn một người bị bịt mặt. Cảnh tượng trong video được anh đánh giá "đáng sợ" và "kinh khủng". Ngồi trước mặt anh là một người cầm kim tiêm. "Tôi cũng không hiểu họ cho tôi xem video với mục đích gì. Cũng không hiểu người cầm kim tiêm trước mặt định làm gì hay họ định tiêm thuốc mê rồi làm gì tôi. Nghĩ đến đó, tôi hoảng sợ", Giáp nói.

Anh quyết định phải rời khỏi đây. "Tôi phải đi", Giáp nói với lính Taliban. Anh cầm balo và bước nhanh xuống tầng dưới, đi ra cổng. Lúc này, chỉ có một người lính nên anh vùng thoát được.

nguoi viet bi taliban bat 1
Tay Giáp bị thương trong lúc giằng co và lên da non sau 7 ngày. Ảnh: Cắt từ video

Giáp ra ngoài thấy 5 lính gác nữa. Lúc này, suy nghĩ trong đầu là "mình đã rơi vào tay các phần tử cực đoan, và có thể hôm nay sẽ chết ở đây". "Nếu các bạn đã xem các bộ phim về khủng bố, hay bắt cóc thì sẽ dễ hình dung. Cảnh trong phim thế nào, ngoài đời y vậy. Họ giữ tôi lại, còn tôi cố gắng thoát. Giằng co dữ dội đến mức tay tôi chảy máu". Nhưng lính Taliban nói chưa thể để anh đi. Một trong số đó giơ nắm đấm lên.

Người dân vây kín. "Họ yêu cầu thả cho tôi đi và an ủi, bảo tôi bình tĩnh", Giáp nói. Lính Taliban sau đó đưa anh lên xe đến một trụ sở khác lớn hơn.

Sau khi tới trụ sở mới, Giáp được đưa vào một căn phòng kín và lại được yêu cầu đợi. Họ cũng thu điện thoại, giấy tờ của anh nhưng cho anh ăn tối gồm sốt đậu, bánh mỳ và trà. Giáp ăn hết sau khi cả ngày chưa có gì vào bụng. Đêm anh cố gắng ngủ. 9h sáng hôm sau, Giáp được thả. "Cảm giác được thả thật sung sướng", anh nói. Sau đó, anh bắt taxi đến Kabul vì "không còn đủ mạnh mẽ để đi bộ".

Giáp tìm khách sạn to để ở tại trung tâm thủ đô rồi gọi điện về cho bố mẹ. Anh cũng nhắn tin cho Ali, kể lại sự cố. Ali giải thích không phải lính Taliban nào cũng có quan điểm giống nhau, nên sẽ dẫn đến các hành động khác nhau. Ali mong Giáp "bỏ qua hành động của những người lính đó" và nói sẽ kể lại trải nghiệm của Giáp với cấp cao hơn, để chuyện tương tự không xảy ra.

nguoi viet bi taliban bat 1
Giáp chụp ảnh cùng người dân địa phương ở Afghanistan. Ảnh: NVCC

Tháng 8/2021, Taliban nắm quyền kiểm soát đất nước, tuyên bố kết thúc chiến tranh. Các sân bay, cửa khẩu đường bộ đã mở đón khách du lịch. Thủ đô Kabul và các thị trấn khác dần trở nên nhộn nhịp. Cửa hàng, nhà hàng mở cửa đón khách. Tuy nhiên, chính phủ nhiều nước vẫn đưa ra cảnh báo công dân không nên đến vì mục đích du lịch vì chưa thực sự an toàn, theo CNN.

Ali cho biết trường hợp khách du lịch gặp sự cố như Giáp không nhiều. "Nếu gặp tình huống như thế, hãy làm theo họ, đừng chống cự cũng đừng cố gắng bỏ trốn", anh nói.

Võ Thùy Linh, 33 tuổi sống tại Hà Nội, đi Afghanistan trước Giáp 3 tháng, cho biết cô chọn đặt tour thay vì tự đi. Linh được phía công ty du lịch liên hệ trước với chính quyền, xin trước giấy phép thông hành để vào các tỉnh. "Có thể Giáp không có giấy phép nên gặp khó khăn", Linh nói.

Kausar Hussian, điều hành tour người Afghanistan, từng dẫn đoàn cho Linh, chia sẻ với VnExpress, khách của anh chưa từng gặp sự cố như Giáp. "Có thể do Giáp đi một mình, nên họ (chính quyền Taliban) nghi ngờ", Hussian nói.

Giáp cũng nhận thấy cách an toàn nhất để du lịch Afghanistan là theo tour, có người dẫn, di chuyển bằng ôtô. "Tôi đang xin visa để đến Uzberkistan. Khi nhận được visa, tôi sẽ đi taxi thẳng từ Kabul sang biên giới, không đi bộ nữa", Giáp nói. Du khách cũng nên lưu số điện thoại của sứ quán Việt Nam tại Pakistan (kiêm Afghanistan) để liên lạc khi cần.

Kristijan Iličić, người Croatia từng đến Afghanistan cuối năm 2022 nhận xét trên CNN rằng bất kỳ chuyến đi nào cũng có ưu nhược điểm, "nhưng Afghanistan vẫn là nơi chỉ dành cho du khách bạo dạn nhất" do "không an toàn".

Với Giáp, anh cho biết "sẽ không vì chuyện này mà ngừng các chuyến đi" nhưng "sẽ cẩn thận hơn và chuẩn bị hành trình kỹ càng hơn".

nguoi viet bi taliban bat 1
Giáp chụp ảnh cùng quân lính Taliban trên đường đến Kabul, trước khi bị giữ không lý do 24 tiếng. Ảnh: NVCC

nguoi viet bi taliban bat 1
Một em bé người địa phương e thẹn trước ống kính du khách. Ảnh: NVCC

nguoi viet bi taliban bat 1
Người dân đang nướng bánh mỳ. Ảnh: NVCC

nguoi viet bi taliban bat 1
Công việc thường ngày của người dân, chẻ củi để làm củi đốt, nấu ăn.

Theo VnExpress