'Người rừng VN' mang con trai 2 tuổi chạy vào rừng tránh chiến tranh, 40 năm sau người ta mới tìm ra họ

Thật sự có người rừng tồn tại không? Cách đây vài năm, nhiều báo chí quốc tế đăng tải một bộ phim về người đàn ông Việt Nam sống trong ngôi nhà trên cây, lấy vỏ cây làm quần áo suốt 40 năm. Người ta vẫn gọi anh với cái tên "Người rừng Việt Nam".

Người đàn ông có tên Hồ Văn Lang 44 tuổi đã dành phần lớn cuộc đời mình trong những cánh rừng hẻo lánh nhất Việt Nam, ở huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi, sau khi cha anh là ông Hồ Văn Thanh, 85 tuổi, rời bỏ xã hội văn minh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ vào năm 1972.

nguoi rung viet nam 1

Hoảng sợ sau một trận bom dội xuống làng, người cha đã đưa anh vào rừng sống từ khi 2 tuổi để tránh chiến tranh và họ đã ở đó suốt 40 năm. Hai cha con sống nương tựa vào nhau và ăn trái cây rừng hay thịt chuột, khỉ, dơi v.v để duy trì sự sống.

Mãi đến năm 2013, một trong những người con trai khác của ông Thanh vẫn sống sót sau vụ đánh bom. Anh Hồ Văn Trí đã tìm kiếm cha và anh trai trong nhiều năm trong rừng. Cuối cùng, anh Trí đã liên lạc và bắt đầu làm thân với Lang, đến thăm anh thường xuyên và cố gắng thuyết phục họ trở về nhà.

nguoi rung viet nam 1
Anh Lang khi được đưa ra khỏi rừng.

Vì cách biệt với thế giới bên ngoài nên anh Lang dù đã hơn 40 tuổi nhưng suy nghĩ chỉ như một đứa trẻ. Nhìn nhận về thời gian cũng chỉ dựa vào Mặt Trời mọc và lặn để phân biệt ngày và đêm. Anh không biết nói nhiều từ và số cũng biết rất ít.

nguoi rung viet nam 1

nguoi rung viet nam 1

nguoi rung viet nam 1

Tháng 11/2015, Alvaro Cerezo, giám đốc một công ty du lịch chuyên khám phá những vùng đất mới lạ, hoang dã đã đến tìm gặp Lang để học hỏi cách kỹ năng sinh tồn trong thiên nhiên của anh. Dù anh Lang chỉ có khả năng trí tuệ hạn chế, Cerezo cho biết anh Lang là một trong số những người hiền hòa nhất mà anh từng gặp. Vì vậy thay vì "đi học" Cerezo đã có một trải nghiệm đáng nhớ sinh tồn trong rừng 5 ngày cùng "người rừng".

nguoi rung viet nam 1

Khi Lang và cha được đưa từ rừng về "bản", anh đã rất ngạc nhiên với cuộc sống hiện đại. Sự tách biệt của anh Lang với thế giới đã khiến anh gặp vô số khó khăn khi cố gắng hòa nhập với xã hội hiện đại; anh không hiểu tiếng Việt, không có khái niệm nào về thời gian ngoại trừ mặt trời, và vẫn rất bối rối trước khái niệm về điện. Anh nói rằng có cả ánh đèn vào ban đêm quả là điều tuyệt diệu. Anh ấy cũng được nghe kể về chiếc TV khi còn nhỏ nhưng không ngờ nó sống động đến vậy.

nguoi rung viet nam 1

Trước đó, anh Lang thậm chí không biết tới sự tồn tại của giới nữ, bởi cha anh chưa từng nói với anh.

Điều càng ngạc nhiên hơn là ngày nay, dù đã có thể phân biệt được nam và nữ, anh ấy vẫn không hiểu được sự khác biệt cơ bản giữa họ,” Cerezo cho biết.

nguoi rung viet nam 1

Một điều khác cũng khiến người giám đốc nước ngoài ấn tượng, đó là trong toàn bộ thời gian sống trong rừng, cả hai cha còn đều không gặp phải một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Họ bị cảm cúm 1 năm một lần và thỉnh thoảng bị đau bụng. Nhưng khi trở về với văn minh, họ đều bị nhiễm vi khuẩn và virus, những loại vi khuẩn người dân trong làng vốn đã có khả năng miễn dịch.

Nỗi buồn mất cha

Sau khi được đưa về sống cùng gia đình em trai, "người rừng" Hồ Văn Lang và cha dần hòa nhập với cuộc sống bình thường. Trở về từ rừng sâu nên cái gì đối với Hồ Văn Lang cũng lạ, cũng hấp dẫn. Đi đâu, gặp ai Hồ Văn Lang đều nở nụ cười vô tư. Những tưởng anh Lang không bao giờ biết buồn.

Được sự giúp đỡ của em trai Hồ Văn Tri, Hồ Văn Lang dần thay đổi được cách sống "hồn nhiên" trong rừng. Thế nhưng, có một điều không thay đổi là Hồ Văn Lang luôn quấn quýt bên cha như những ngày chỉ có 2 cha con trong rừng sâu.

nguoi rung viet nam 1
Anh Hồ Văn Lang bên cạnh cha vào thời điểm cuối năm 2013.

Anh Hồ Văn Tri, cho biết: "Chưa bao giờ thấy anh Lang xa cha quá lâu, cứ đi đâu một tí là lại đòi về gặp cha. Sống quá lâu với cha giữa rừng sâu tách biệt nên thói quen bên cạnh cha của anh Lang không thể thay đổi. Có thời gian cha phải đi nằm viện anh Lang cũng đi theo, đến đêm anh cũng nằm bên cạnh".

Nhiều người tham gia cuộc giải cứu 2 cha con kể lại, lúc mới phát hiện ông Thanh rất yếu nên phải dùng cáng đưa ra khỏi rừng. Mọi người quyết định đưa anh Hồ Văn Lang ra trước, nhưng anh Lang nhất quyết không rời cha. Đến khi cha được khiêng đi thì anh Lang mới lẽo đẽo theo sau.

Sau 4 năm rời khỏi rừng sâu, cuối năm 2017, ông Hồ Văn Thanh qua đời. Kể từ đó, "người rừng" Hồ Văn Lang trở nên trầm lặng.

Khi chúng tôi đang trò chuyện với anh Hồ Văn Tri thì anh Hồ Văn Lang trở về sau một ngày làm rẫy. Vứt vội bó củi xuống một góc nhà, "người rừng" lặng lẽ đến bên bàn thờ thắp nhang cho cha.

nguoi rung viet nam 1
Cha mất vào cuối năm 2017, kể từ đó ngày nào anh Lang cũng thắp nhang và đứng bên bàn thờ cha rất lâu.

Rồi cũng lặng lẽ như thế, "người rừng" bắt tay vào công việc chăm sóc vài con heo, chăm đàn gà, nấu bữa cơm tối. Hồ Văn Lang không còn nở nụ cười vô tư như những lần gặp trước.

"Ngày nào cũng vậy, việc đầu tiên của anh Lang sau khi về nhà là đến thắp nhang rồi đứng bên bàn thờ cha rất lâu. Từ lúc cha mất, anh Lang không còn nói cười như trước", anh Tri nói.

nguoi rung viet nam 1
Mất cha nên anh Hồ Văn Lang trở nên trầm lặng.

Theo anh Hồ Văn Tri, lúc trước khi có khách lạ đến thăm 2 cha con, anh Lang đều nhờ người làm "thông dịch viên" để trò chuyện, cười nói vui vẻ. Còn bây giờ, anh Lang không còn muốn nói chuyện với người lạ. Phần lớn thời gian trong ngày anh đều tìm công việc để làm.

"Bình thường anh Lang đi trồng keo, hái cau thuê. Những lúc không ai thuê thì anh lên rừng hái phong lan, đốn củi về bán kiếm tiền mua gạo. Những lúc ở nhà anh thường chăm sóc heo, gà, trồng rau. Chỉ khi làm việc như thế mới thấy anh vui vẻ hơn một chút", anh Tri nói.

nguoi rung viet nam 1
Ngoài việc đi rẫy, anh Hồ Văn Lang còn biết nuôi heo, gà, trồng rau trong vườn nhà.

Trở về với cuộc sống đời thường, Hồ Văn Lang cũng muốn có vợ nhưng đâu ai chịu lấy một "người rừng" đã lớn tuổi dù em trai Hồ Văn Tri nỗ lực mai mối. Để rồi khi người cha gắn bó với mình hơn 40 năm trong rừng sâu mất đi, anh Hồ Văn Lang chỉ còn một mình trong căn nhà nhỏ.

"Nhiều đêm thấy anh Lang đi lang thang rồi đứng nhìn vào rừng rất lâu. Chắc những lúc đó anh Lang nhớ lại thời gian được sống cùng cha", anh Tri nói.

Gần 5 năm trước, khi mới được đưa về làng, anh Hồ Văn Lang bảo nhớ rừng. Hơn 1 năm sau đó, anh Lang cười tươi bảo đã hết nhớ rừng vì được sống trong nhà mới cùng cha. Bây giờ, chỉ còn một mình Hồ Văn Lang trong căn nhà nhỏ cùng bàn thờ cha nên nụ cười vô tư đã mất. "Người rừng" Hồ Văn Lang buồn vì mất cha.

Vào tháng 9/2021, sau hơn 1 năm phát hiện bị ung thư gan, ông Hồ Văn Lang qua đời lúc 7h sáng 6-9, kết thúc hành trình trần thế ở tuổi 53.

Ông Hồ Văn Tri - em trai ông Lang - cho biết, từ khi phát hiện bệnh, ông Lang trải qua những cơn đau chập chờn đến đi, sức khỏe ông đi xuống nhanh chóng. Tối hôm trước, ông vẫn ăn cơm và tắm rửa, xem tivi bình thường. Nhưng rất nhanh sau đó, "người rừng" yếu đi. Ông Tri đã kêu gọi người thân đến bên cạnh ông Lang những giây phút cuối cùng của cuộc đời.

"Anh Lang mất mà không nói bất kỳ điều gì với gia đình. Giờ anh đã về với cha, với rừng già và thôi nỗi nhớ rừng bám đời anh ấy", ông Tri nói.

nguoi rung ho van lang
Người rừng Hồ Văn Lang lúc còn khỏe mạnh.

Viethome (theo Dân Trí)