Vấn nạn bắt sò ốc bừa bãi rao bán công khai trên mạng của người Việt

Dạo gần đây, nhiều thông tin báo chí ở Úc đã lên tiếng về việc bắt sò ốc quá mức quy định đến mức Bộ Ngư nghiệp đã phải mạnh tay hơn đối với những người vi phạm. Những chuyện như thế này chưa từng xảy ra trước đây, vì sao hiện tượng này lại trở nên rộn ràng như vậy?

Chuyện bắt sò ốc hay câu cá giải trí xưa nay không phải mới mẻ ở Úc. Tại Úc, mọi nơi đều có quy định về việc đánh bắt những loài hải sản, nếu như bạn có giấy phép, bạn hoàn toàn có quyền bắt hải sản trong số lượng quy định, chẳng hạn 50 con sò cho một người có giấy phép.

Thế nhưng chưa bao giờ các tin tức về nạn bắt sò ốc tràn lan trái phép lại rộ lên như dạo gần đây. Những hình ảnh, clip ghi nhận được từ những người dân địa phương ở các vùng như Shellharbour, Lake Illawara cho thấy có nhiều người châu Á đã đi cùng một nhóm hoặc cùng với gia đình thu gom hàng xô đầy sò ốc. Và mặc cho người dân địa phương cảnh báo, họ vẫn phớt lờ thậm chí phản ứng lại vì cho rằng mình làm đúng luật và đang bị kỳ thị.

Việc bắt sò ốc trái phép xảy ra nhiều đến mức Bộ Ngư nghiệp (DPI) cũng đã phải nhảy vào cuộc để can thiệp. Họ đã phát hiện nhiều trường hợp bắt sò vô tội vạ lên tới vài trăm con. Như trong tháng 12/2018, đã có hai người phải ra tòa vì bắt tổng cộng 783 con sò, và đang phải đối mặt với mức phạt lên tới $22,000 cộng thêm 6 tháng tù giam.

DPI đã theo dõi tổng cộng 886 người đi bắt sò ở Lake Illawara. Đáng nói, các nhân viên đã phát hiện 188 vi phạm, thu giữ hơn 11,000 con sò và phạt tổng cộng $21,000. Ngoài ra 123 giấy cảnh cáo cũng đã được gửi ra. Cùng thời điểm đó, các nhân viên bộ ngư nghiệp cũng đã thu giữ hơn 3,000 con sò từ những người đi bắt sò trái phép ở khắp Sydney, lập biên bản cảnh cáo 13 trường hợp và tổng số tiền phạt lên đến gần $20,000. 

Hiện mức phạt tại chỗ cho việc đánh bắt sò ốc trái phép từ $500 cho lần vi phạm đầu. Những lần vi phạm tiếp theo có thể tăng lên $44,000 hoặc/và 12 tháng tù giam.

Vì sao việc bắt sò ốc quá mức quy định lại trở nên tràn lan như vậy?

Tuần này, báo chí đã đưa tin các nhà chức trách đang điều tra 4 người và họ có nguy cơ bị phạt $110,000 nếu bị kết tội vì rao bán sò ốc trên mạng xã hội, cụ thể là một trang Facebook của du học sinh tại New South Wales.

Lướt qua một vòng các quảng cáo bán hàng trên trang Facebook VDS, không khó để tìm ra những quảng cáo bán sò tràn lan trên mạng với giá chỉ khoảng $7 – $8/kg. Những mẩu quảng cáo như vậy nhận được khá nhiều sự ủng hộ khi có rất nhiều người bình luận hỏi mua.

Và có lẽ chính vì nhu cầu ăn sò ốc trong cộng đồng ngày một nhiều nên mới xuất hiện thêm người cung cấp?

Ai cũng biết ốc là món ăn khoái khẩu của người Việt, đặc biệt là các bạn sinh viên. Nhưng đối với người Úc thì ốc lại là món ăn không mấy được ưa chuộng, chẳng thế mà các trường hợp bị nhà chức trách phát hiện bắt sò ốc quá quy định ở những vùng như Lake Illawara đa số là người châu Á, thậm chí một thành viên của nhóm bảo vệ tại đây còn tin rằng người Việt chiếm chủ yếu trong số đó.

Nhập gia phải tùy tục

Một vấn đề nữa cũng cần phải xem xét đến đó là ý thức bảo vệ môi trường. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, nước Úc có được nguồn hải sản phong phú với nhiều chủng loại tôm cá, ốc sò. Tuy nhiên số sò ốc này còn mang mục đích giữ cho môi trường sinh thái được cân bằng, và quy định mỗi người chỉ được bắt 50 con còn nhằm mục đích bảo đảm mọi người được hưởng đồng đều nguồn tài nguyên và các loài này không bị tiêu diệt.

Có thể những người đi bắt sò không hiểu hết luật ở Úc. Chẳng hạn đi câu cá, ngoài giấy phép với lệ phí cho mỗi một người (không dùng chung cho nhóm), là: $7 cho ba ngày, $14 cho một tháng, $35 cho một năm và $85 cho ba năm. Đối với sò ốc, tối đa là 50 con cho một giấy phép.

Hướng dẫn về việc Câu cá Nước ngọt/Nước mặn Giải trí tại NSW có ở website của Bộ Ngư Nghiệp (Department of Primary Industries)

Thế nhưng nhiều người lại nghĩ rằng chỉ cần một người có giấy phép là mỗi người đi cùng đều có thể bắt 50 con. Chẳng thế mà có trường hợp một người có giấy phép đi cùng với cả gia đình gần 10 người và họ cho rằng họ được bắt đến gần 500 con.

Và trong mọi trường hợp, bắt hải sản đem bán là bất hợp pháp với loại giấy phép Câu cá Giải trí.

Nhưng có lẽ khi thấy nguồn hải sản dồi dào phong phú như vậy, hoặc chỉ xuất phát vì một suy nghĩ vô tư, ngây thơ rằng ‘nhiều quá, không ai bắt thì mình bắt’ mà một số người đã quên mất ‘ý thức’ mình đang sống trong một đất nước thượng tôn pháp luật. Nhiều người bị phát hiện còn lên tiếng trách ngược lại cho rằng mình đang bị kỳ thị sắc tộc, thậm chí khi có người cảnh báo đây là việc làm không đúng, thì lại có những nhận định cho rằng mình bị ganh ghét, bị cạnh tranh, và ‘là người Việt thì không nên hại lẫn nhau’.

Có lẽ với tư duy như vậy, thì chỉ có cách phạt nặng mới mong thay đổi được nhận thức cũng như thói quen của một bộ phận người dân.

 Viethome (Theo SBS)