Người phụ nữ Việt bị đe dọa trục xuất dù đã có chồng và con 6 tháng tuổi

Tòa án liên bang Úc vừa có phán quyết từ chối đơn xin tị nạn của cô Huyền Trần, 29 tuổi, một người tầm trú đến Úc bằng thuyền năm 2011. Dù đã nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía cộng đồng, nhưng theo quyết định của Tòa, Huyền Trần sẽ bị trục xuất về Việt Nam thậm chí khi cô đã có chồng và con gái 6 tháng tuổi đang sống tại Úc.
 
Một phiên tòa không hề được báo trước và không có cơ hội giải trình
 
Sáng ngày 12/10/2018, Tòa án Liên bang Úc đã có quyết định về trường hợp của cô Huyền Trần, một phụ nữ đến Úc năm 2011 và đang phải sống trong trung tâm giam giữ cùng con gái mới 6 tháng tuổi suốt một năm nay.
 
Mục đích của phiên tòa nhằm để xác định liệu Bộ di trú có sai phạm pháp lý trong việc xét đơn xin visa trong trường hợp của Huyền hay không. Kết quả cuối cùng Tòa đã bác hồ sơ của Huyền, và cô phải nộp án phí hơn $8,000 đô la Úc.
 viethome huyen tran 3

Huyền và con gái nhỏ.

Bà Hương Trương, Thượng nghị sĩ đảng Xanh, là người đã ủng hộ Huyền trong suốt thời gian qua, người đã lên tiếng kêu gọi Tổng trưởng Di trú can thiệp để cứu xét trường hợp của Huyền, và bà cũng đã có mặt tại phiên Tòa Liên bang.
 
Bà Hương Trương kể lại cho SBS Vietnamese diễn biến của phiên tòa, rằng cô Huyền Trần chỉ được thông báo về phiên Tòa 2 tiếng trước khi phiên tòa diễn ra. Cô đã hoàn toàn bất ngờ và lúc đó cô nghĩ rằng cô sắp sửa bị trục xuất. “Phiên tòa chỉ diễn ra vỏn vẹn trong vài phút và Huyền không hề có cơ hội để nói lời nào tự bào chữa. Ngay khi tòa hỏi cô có muốn nói gì không, cô chỉ có thể nói ‘Tôi không hiểu, tôi không hiểu vì sao tôi lại phải trả tiền’. Cô ấy rất lo sợ, chỉ có thể nói được là ‘Xin đừng trục xuất tôi, tôi không hiểu’.”
 
Dựa trên phán quyết của Tòa, bà Hương Trương cho biết Huyền có thể bị trục xuất bất cứ lúc nào, mặc cho cô đã có chồng và con gái cô mới 6 tháng đang sống ở Úc. Dân biểu Hương Trương cảm thấy rất phẫn nộ về phán quyết trên. Bà nói tất cả mọi người tị nạn đều nên có một cơ hội: “Câu chuyện của Huyền thu hút sự quan tâm của tôi, vì tôi thấy trường hợp của Huyền cũng giống như câu chuyện của mẹ tôi. Nhiều năm trước mẹ tôi cũng là người tị nạn và sinh tôi ra trong khu định cư của người tị nạn. Và rồi tôi được như ngày hôm nay. Cho nên tôi nghĩ Bộ Di trú nên cho Huyền một cơ hội, cô chỉ muốn sống yên bình với con, cô ấy không làm hại ai, và cũng không phải là nguy cơ đối với nước Úc.”
 viethome huyen tran 1

viethome huyen tran 4Những người ủng hộ Huyền Trần. 

Phải sống trong trung tâm giam giữ ngay cả khi con nhỏ mới 6 tháng tuổi
 
Cô Huyền Trần đến Úc năm 2011 bằng thuyền. Thời gian đầu, Huyền bị bắt đưa vào trạm tạm giam một thời gian. Thời gian sau, Huyền gặp Paul Lee, hiện là chồng cô, một người gốc Trung Quốc sang Úc làm việc với visa 457 – visa dành cho người làm việc tại Úc được chủ nhân bảo lãnh.
 
Tháng 11 năm ngoái Huyền một lần nữa bị đưa vào trại tạm giam trong lúc đang mang thai. Vào tháng 3, Huyền sinh một bé gái đặt tên là Isabelle trong trại tạm giam. Từ đó đến nay cả hai mẹ con vẫn phải ở trong trung tâm giam giữ.
 
Nhà báo người Úc Rebekah Holt của trang Crickey, là người theo đuổi trường hợp của Huyền ngay từ đầu. Bà từng gặp Huyền trong trại giam và cũng có mặt tại phiên điều trần của Huyền tại Tòa Án liên bang ở Melbourne: "Tôi rất lo lắng cho tình trạng của Huyền và con gái cô ấy. Huyền hiện đang trầm cảm và bị tiểu đường, nhưng hiện thời Huyền không nhận được bất cứ trợ giúp nào về thuốc men, chế độ ăn uống cũng như tâm lý - những thứ mà cô đề nghị. Chồng Huyền mỗi ngày được vào thăm cô hai tiếng và mỗi lần như vậy đều phải ký hàng loạt giấy tờ thủ tục, đồng thời phải đăng ký lịch gặp trước năm ngày."
 
Từ tháng 11 năm ngoái đến nay, Huyền luôn phải sống trong cảnh phập phồng lo âu có thể bị đưa lên máy bay về nước bất cứ lúc nào. Kể cả khi cô đang mang thai tháng thứ 8, cô cũng đã bị đưa lên máy bay, nhưng nhờ có sự can thiệp của một điều dưỡng viên mà cô được ở lại. Con gái của Huyền đã được bác sỹ ghi nhận là có biểu hiện lo âu. Con gái cô không có bạn chơi cùng, cũng không được chăm sóc hay nhận hỗ trợ giáo dục.
 
"Có lý do nhân đạo để được ở lại Úc"

Khi được hỏi về những kế hoạch tiếp theo để giúp Huyền, bà Hương Trương cho biết bà cần làm việc thêm với Trung tâm Hỗ trợ người Tị nạn để tìm hiểu thêm về quy trình, tuy nhiên cũng chưa biết liệu có được kháng án tiếp hay không.

Trong lúc này, bà muốn lên tiếng về câu chuyện cho cộng đồng, yêu cầu Bộ Di trú trả lời đã dựa trên cơ sở nào để có thể ra quyết định chia lìa mẹ con như vậy. “Rất khó cho cô ấy để hiểu hết mọi thứ đang diễn ra tại Tòa, để cô ấy có thể tự bào chữa cho mình. Thực sự cô ấy không có một chút quyền nào khi sống trong trại tạm giam, họ chỉ làm mọi chuyện trở nên khó khăn hơn cho cô ấy. Tất cả những gì xảy ra tại Tòa có thể nói là rất độc ác, và tôi muốn lên tiếng điều này cho cộng đồng biết để có thể bằng cách nào đó hỗ trợ cô ấy.”

viethome huyen tran 2

Thượng Nghị sĩ đảng Xanh Trương Hương.
 
Trong phiên điều trần ngày 1/10, hàng chục người ủng hộ Huyền đã biểu tình trước Tòa Án Liên Bang ở thành phố Melbourne. Bà Rachel Saravanamuthu thuộc Trung tâm hỗ trợ Người Tị nạn (ASRC), là người được Huyền ủy quyền để trả lời, trong một công văn gửi cho SBS Vietnamese đã cho biết: "Có những lý do nhân đạo để Bộ trưởng can thiệp nhằm giúp Huyền có thể ở lại Úc với chồng và em bé. Chúng tôi cũng đã đề nghị Bộ trưởng can thiệp vào vấn đề của bà Huyền, tuy nhiên cho đến bây giờ ông đã từ chối làm như vậy. Chúng tôi cho rằng Bộ trưởng nên can thiệp vào vấn đề của Huyền để đảm bảo Úc tuân thủ các nghĩa vụ của mình theo luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước về Quyền trẻ em."
Viethome (theo SBS)