Thợ nail người Việt: 'Nô lệ thời hiện đại' ở Anh

Hàng nghìn nhân viên trong các tiệm làm móng có thể là nạn nhân của mạng lưới buôn người được đưa từ những địa phương nghèo ở Việt Nam đến xứ sở sương mù.

Theo một bài báo điều tra được đăng tải trên tờ Sunday Times hồi năm 2013, nạn nhân phần lớn là phụ nữ, bị kiểm soát bởi các tay buôn người sau khi được đưa đến Anh. Nhiều người trong số đó bị ép hành nghề mại dâm.

'Kiếm 150 bảng chỉ với vài giờ làm việc'

Tại Tòa án tối cao Northampton cách đây 3 năm, anh Mi Duc Li (tên đã được thay đổi), một nạn nhân của hoạt động buôn người, cho biết anh bị buộc làm việc cho một tiệm làm móng (tiệm nail) sau khi đến Anh để có thể trả khoản phí 23.000 bảng Anh mà bọn buôn người yêu cầu.

Li ra tòa với tư cách là nhân chứng của bên khởi tố trong vụ xét xử Hanh Van Vu, một chủ sử dụng và bóc lột lao động nhập cư trái phép. Li kể về việc anh đã bỏ trốn sau 7 năm bị ông Hanh kiểm soát và rồi được cảnh sát giúp đỡ.

Cảnh sát kiểm tra một tiệm nail ở ReadingAnh

Cảnh sát kiểm tra một tiệm nail ở Reading, Anh, hồi tháng 3. Ảnh: Thames Valley Police Twitter.

Li cho biết anh đồng ý đến Anh sau khi được hứa hẹn về thu nhập cao. Sau khi sử dụng giấy tờ giả để rời Việt Nam, anh đã hủy chúng trên máy bay. Khi đến sân bay Heathrow ở London, anh nói rằng mình là một người tị nạn.

Bằng tên giả, Li tiếp tục nói dối theo cách những tay buôn người đã dạy rằng anh bị đối xử tệ khi ở Việt Nam. Khi các nhân viên Hải quan Anh không còn cách nào để xác thực câu chuyện này, Li được cho nhập cảnh.

Sau đó, anh được bọn tội phạm đưa đến làm việc trong một tiệm nail ở Bletchley, Buckinghamshire. "Hiếm khi tôi nhận được lương. Và mỗi lần được nhận, ông Hanh đều lấy hết, gọi là trả chi phí đưa tôi sang đây", Li nói. Anh kể 2 tháng anh mới được nghỉ một ngày. 

Cuối cùng, ông Hanh bị tuyên 11 năm tù với các tội danh liên quan đến hành vi buôn người.

Mặc dù Li đã thoát khỏi bọn tội phạm, anh cho rằng nhiều người trẻ sẽ bị đưa vào thế chỗ anh. Tại Hải Phòng, quê của Li, các cơ sở đào tạo nghề làm móng mở các khóa học 6 tháng với chi phí 150 bảng Anh (khoảng 184 USD hay 4,1 triệu đồng Việt Nam). Họ nói với các học viên như Li rằng anh có thể kiếm được số tiền này chỉ với vài giờ làm việc ở Anh.

Nô lệ thời hiện đại

Theo cơ quan điều tra Anh, mỗi nạn nhân phải nộp cho các băng nhóm tội phạm khoảng 20.000 bảng (khoảng 24.500 USD)  để được đưa lậu sang Anh. Nếu không trả được số tiền này ngay, họ có thể bị đánh đập và bị ép làm việc với đồng lương rẻ mạt cho đến khi hết "nợ".

Sự bóc lột mà các cơ quan chức năng Anh gọi là "chế độ nô lệ thời hiện đại" này có thể kéo dài trong nhiều năm do sự chênh lệch giữa khoản "nợ" và số tiền mà nạn nhân đã trả được ngày càng lớn.

Tính đến năm 2013, toàn nước Anh có khoảng 30.000 cơ sở làm móng. Trong 5 năm, cảnh sát Anh đã tiến hành khám xét khoảng 100 cơ sở. Tổng cộng, các chủ tiệm nail bị phạt hành chính khoảng 700.000 bảng Anh (860.000 USD) với 150 lao động nhập cư trái phép bị phát hiện.

London, Manchester, Portsmouth là những nơi tập trung nhiều tiệm nail nhất. Cảnh sát Anh thừa nhận họ không nắm rõ số lượng nhân viên tiệm nail là nạn nhân của hoạt động buôn người, nhưng ước tính rằng số lượng nhiều hơn nhiều so với con số 150.

Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), các tay buôn người kiếm được khoảng 21 tỷ bảng Anh (25,7 tỷ USD) từ hoạt động phạm pháp. Đồng thời, khoảng 21 triệu người bị ép làm công việc trái nguyện vọng trên toàn thế giới.

Sunday Times dẫn số liệu từ 2 trong số những nơi cung cấp sản phẩm làm móng lớn nhất Anh cho biết khoảng 100.000 người Việt làm việc trong các tiệm móng ở nước này. Trong khi đó, số liệu điều tra dân số Anh lại cho thấy chỉ khoảng 29.000 người gốc Việt có giấy tờ cư trú hợp pháp.

Hiệp hội Liệu pháp và Công nghệ Làm đẹp Anh đã khuyến cáo khách hàng của các tiệm nail đóng vai trò tích cực hơn trong cuộc chiến chống nạn bóc lột lao động. Khách hàng được khuyên hỏi về tay nghề, bảo hiểm cũng như các chứng chỉ của nhân viên làm móng trước khi sử dụng dịch vụ.

VietHome(Theo NewsZing.vn)