Cậu bé Babylift ở Anh khắc khoải tìm lại gia đình Việt Nam

Vance McElhinney, người được đưa tới Bắc Ireland cách đây hơn 40 năm sau chiến tranh Việt Nam, không có gì hơn ngoài một tấm ảnh thuở nhỏ làm manh mối.

956d8fe5c5b61f.img
Vance trong lần đầu về Việt Nam năm ngoái. Ảnh: Belfast Telegraph

"Tôi 41 hoặc 42 tuổi gì đó", tờ Belfast Telegraph dẫn lại lời McElhinney cho biết. Anh không biết chính xác tuổi của mình vì không có giấy khai sinh.

Vance là cái tên do bố mẹ nuôi anh, Cyril và Liz McElhinney, đặt cho. Ông bà McElhinney hồi năm 1975 đã "mở rộng cánh cửa và trái tim" đưa Vance về khi thấy anh ở trại mồ côi. Trong ngôi nhà ở Lurgna, hạt Armagh, Vance được nuôi lớn cùng hai con trai của họ là David và Stephen, những người đến giờ vẫn rất thân thiết với "người anh sẵn có". 

Là một trong số 99 trẻ trong chiến dịch không vận sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam năm 1975, Vance đã được đưa sang Bắc Ireland. Sau này, nhiều đứa trẻ đó đã trở về Việt Nam, mang theo những tài liệu để tìm lại những mảnh ghép còn thiếu trong cuộc đời bị chia tách của họ. Nhưng Vance vẫn chưa làm được điều như vậy.

Kỷ vật quá khứ duy nhất của anh là một bức ảnh chụp một cậu bé với một chữ M lớn ở phía sau. Trên đó còn có nét viết nguệch ngoạc ghi "Van Tan Nguyen", cái tên mà Vance tin rằng mẹ mình đã đặt cho khi anh mới sinh ra.

Mang theo tấm ảnh quý giá này, Vance năm ngoái đã quyết định vượt chặng đường xa hàng nghìn cây số để đến Việt Nam với mong muốn tìm thấy bố mẹ đẻ và nguồn gốc của mình.

"Tôi biết đó là một hành trình nghẹt thở, nhưng tôi thấy mình phải thử. Tôi cảm thấy không hoàn toàn là mình khi ở đây", Vance nói.

van3 6060 1457058723

Tài sản duy nhất của Vance liên hệ với quá khứ của anh là tấm ảnh chụp khi còn nhỏ. Ảnh: Belfast Telegraph

Theo Vance, anh cần quay về để biết "là người Việt thì như thế nào", anh cũng muốn tìm kiếm sự kết nối với mảnh đất chôn rau cắt rốn.

Nỗi khắc khoải của Vance dồn nén từ những năm anh lớn lên ở Lurgan, khi bị một số kẻ phân biệt chủng tộc bắt nạt và lăng mạ, bởi trông anh không giống bất kỳ người nào ở khu vực đó. Vance đã có một khoảng thời gian khó khăn, khi vuột mất cơ hội nghề nghiệp đầy hứa hẹn về công tác xã hội, vật lộn để thoát khỏi thói quen bài bạc và hai cuộc hôn nhân tan vỡ. Những lúc đó, ký ức về gia đình ở Việt Nam vẫn luôn ám ảnh anh. 

Đồng hành với Vance trong hành trình này có đội ngũ của hãng Below The Radar đặt trụ sở tại Belfast, Bắc Ireland. Họ thực hiện bộ phim tài liệu dành cho chương trình Nơi để gọi là nhà (A Place To Call Home), nằm trong series True North của BBC khu vực Bắc Ireland. 

Tuy nhiên, khi gặp gỡ những người hỗ trợ tìm kiếm ở Việt Nam, Vance phải đối diện với một thực tế khắc nghiệt, đó là việc thiếu giấy tờ khiến hy vọng tái hợp gia đình của anh là không thể. Không chỉ vậy, một người hỗ trợ nói rằng có thể cái tên "Van Tan Nguyen" trên tấm ảnh của anh là do một nhân viên trong trại mồ côi đặt cho, chứ không phải tên anh khi sinh ra.

Vance đã tới làng trẻ Quy Nhơn ở Bình Định, địa điểm được cho là nơi anh được bố mẹ đưa tới khi còn nhỏ. Sau khi hỏi thăm, một nhân viên lớn tuổi cho biết bà không nhớ anh và không thể giúp được gì.

"Điều đó khiến tôi choáng váng, thực tế bóp nghẹt trái tim tôi", Vance nói.

Dù vậy, trước khi rời trại mồ côi, anh vẫn dành thời gian nói lời cảm ơn các nhân viên đã chăm sóc mình khi còn nhỏ.

Trở về Lurgan, ưu tiên hàng đầu của anh hiện giờ là chăm sóc sức khỏe cho người mẹ nuôi bị bệnh neuron vận động, người đã cùng chồng ủng hộ nhiệt thành mong muốn của Vance tìm về Việt Nam, với hy vọng anh tìm được một người họ hàng nào đó. Anh không muốn khao khát tìm hiểu về nguồn gốc của mình ở Việt Nam ảnh hưởng tới quan hệ giữa anh với ông bà, những người anh đã hỏi rất nhiều câu để "thử lòng".

Hiện Vance đang làm việc tại một cửa hiệu ở Lurgan và viết cuốn sách về cuộc sống của mình. Chuyến đi về quê hương cũng khiến Vance nảy ra nhiều ý tưởng mới. Anh lên kế hoạch học tiếng Việt, vì trong lần đầu tiên trở về, anh chỉ hiểu các câu chuyện qua tiếng Anh và tiếng Pháp. Anh mong sẽ trở lại Việt Nam một lần nữa vào cuối năm nay và có thể ổn định cuộc sống ở quê hương với dự án kinh doanh về đường ống nước. Tuy nhiên Vance vẫn chưa quyết định về việc đó.

Nhìn bức ảnh cũ quăn góc chụp một cậu bé, là Vance khi còn rất nhỏ đang mỉm cười, anh tin rằng mình hẳn có một niềm vui nào đó. 

"Bức ảnh có thể ví như chiếc đồng hồ Rolex trị giá đến 20.000 bảng, vì nó rất quan trọng với tôi", anh nói.

Theo xã luận