Rúng động những vụ ăn cắp của người Việt tại Nhật

 

Thời gian gần đây, tình trạng người Việt Nam ăn cắp đồ tại Nhật lại có xu hướng gia tăng. Điều đó khiến cho hình ảnh người Việt thêm xấu xí trong mắt các bạn nước ngoài.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật ngày 27/2 đưa tin, một thành viên phi hành đoàn của Hãng Hàng không quốc gia Vietnam Airlines bị tình nghi buôn lậu hàng mỹ phẩm, quần áo từ một đường dây ăn cắp tại các siêu thị Nhật Bản và có thể đang tìm cách buôn lậu ra khỏi nước Nhật. Cơ quan cảnh sát cho biết vụ việc được phát hiện vào ngày 26/2 khi cảnh sát mở rộng điều tra qua các cuộc thẩm vấn những kẻ ăn cắp.  

rung-dong-nhung-vu-an-cap-cua-nguoi-viet-tai-nhat-image

Đặng Xuân Hợp bị trục xuất vì ăn cắp tại Nhật


Năm 2009, một cơ phó của Vietnam Airlines từng bị trục xuất về nước cũng vì liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp từ Nhật về Việt Nam. Tòa án quận Saitama đã tuyên phạt phi công Đặng Xuân Hợp 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, với thời gian thử thách là 4 năm, đồng thời tuyên phạt phi công này 500.000 yen Nhật.

Giám đốc người Việt cũng “chôm” đồ ở Nhật

VietNamNet từng nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả thừa nhận thói ăn cắp vặt của người Việt ở nước ngoài là có thật, nhiều độc giả kể câu chuyện mà mình chứng kiến.
 
Độc giả Trọng Tuấn kể về một vị giám đốc, là chủ của mấy công ty lớn có tên tuổi ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng vẫn có thói “chôm” đồ khi ra nước ngoài. Độc giả này kể: “Có vị giám đốc vào một siêu thị bên Nhật. Thường các siêu thị bên Nhật có các kệ để ô dù phục vụ như những chiếc xe đẩy hay giỏ xách hàng như siêu thị  tại Việt Nam. Sau khi sử dụng, vị giám đốc này tiện tay “đá” luôn và mang về Việt Nam. Nếu nói “mất cơm nghi kẻ đói, mấy gói nghi kẻ nghèo” thì chưa đúng, mà cái chính là lòng tự trọng”.

Không chỉ ăn cắp, ăn trộm vặt, có độc giả còn cho biết, một số người Việt sống ở nước ngoài còn lập hẳn đường dây để “tuồn” đồ ăn cắp về Việt Nam bán. Có người đi du học ở Nhật về còn khoe thành tích “ăn cắp không bị camera phát hiện” với bạn bè như một niềm tự hào.

Ông Ngô Hùng Lâm, là chủ hai siêu thị chuyên về hoa và cây cảnh, gốm sứ và đồ làm vườn, mỗi siêu thị rộng trên 5.000m2 bên Nhật, là doanh nhân người Việt đầu tiên và là số ít trong những người nước ngoài thành công ở đất Nhật, cũng đưa ra lời cảnh báo trên facebook cá nhân.

rung-dong-nhung-vu-an-cap-cua-nguoi-viet-tai-nhat-image1

Doanh nhân Ngô Hùng Lâm đưa ra lời cảnh báo trên facebook cá nhân.

Hiện nay tình hình bên Nhật đang trong tình cảnh người Việt Nam không được tốt mấy dưới mắt người Nhật, gần đây phần đông các em Du học sinh sang không có việc làm, cho nên không có tiền trả tiền học và tiền nhà thậm chí tiền ăn cũng không có, vì vậy làm những việc như Đá tàu điện (đi tàu không trả tiền tàu, chạy trốn) ăn cắp, làm xấu xa dưới mắt người Nhật, gây mất niềm tin từ người Nhật, ảnh hưởng cho cộng đồng người Việt Nam và sự quan hệ của hai đất nước”, ông Lâm chia sẻ.

Chị Nguyễn Quyên, một trí thức sinh sống ở tỉnh Ibaraki kể: “Chuyện người Việt đi tàu trốn vé thì nhiều không kể xiết. Đặc biệt là dân du học sinh thì nhốn nháo, đủ loại người. Người Nhật xưa nay trung thực, ít ai trốn vé. Nhưng vì người nước ngoài trong đó có người Việt Nam trốn vé nhiều nên ở những ga lớn như Ueno ở Tokyo, người ta có nhân viên đứng canh cửa soát vé, nhưng dân mình vẫn đủ trò lách luật được”.

Độc giả có tên Hà Nguyễn, hiện đang sống ở nước ngoài cho biết, người Việt ở nước ngoài ăn trộm, ăn cắp rất nhiều. Độc giả này kể: “Một điều đáng xấu hổ là người Việt ở nước ngoài ăn trộm vặt rất nhiều. Và thái độ khinh bỉ và coi thường của người nước ngoài đối với một số người ăn cắp vặt ảnh hưởng đến đại cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Đôi khi đi ra đường tôi không muốn làm quen với người Việt vì thấy xấu hổ”.

Người Việt bị bắt vì ăn cắp tại Nhật ngày càng tăng

Tháng 12 năm ngoái, một nhóm 4 thanh niên Việt Nam khoảng 20 tuổi đã bị phát hiện ăn cắp hàng trong các siêu thị quần áo và mỹ phẩm tại Tokyo. Cảnh sát phát hiện ra rằng phần lớn hàng hóa ăn cắp của nhóm này được chuyển đến nhà của một phụ nữ Việt khoảng 30 tuổi.

Hàng ăn cắp gồm những sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như mỹ phẩm Shiseido, quần áo hiệu Uniqlo. Hàng được chuyển qua đường bưu điện đến một khách sạn gần sân bay Narita nơi các thành viên đoàn bay ở. Sau đó, người chuyển hàng nhận tiền qua chuyển khoản ngân hàng. Khi cảnh sát phát hiện, hàng ăn cắp vẫn còn nguyên nhãn của siêu thị nơi bày bán sản phẩm.

Theo cơ quan cảnh sát quốc gia của Nhật, số người Việt bị bắt vì ăn cắp đồ siêu thị ngày càng tăng cao, chiếm tới 40% những vụ người nước ngoài ăn cắp tại đây. Riêng trong tháng một đầu năm nay, quận Fukuoka đã bắt 5 nhóm trộm cắp người Việt. Cảnh sát nhấn mạnh việc khẩn cấp cần làm hiện nay là nhổ tận gốc loại hình buôn bán này.

Siêu thị Nhật “đe” người Việt ăn cắp

Trước tình trạng ăn cắp của người Việt Nam tại Nhật, nhiều siêu thị ở nước này thậm chí đã ghi biển “nhắc nhở” người Việt.

Hồi tháng 6/2013, bức ảnh chụp biển cảnh báo hành vi ăn cắp vặt được viết bằng tiếng Việt, ở dưới là dòng chữ dịch sang tiếng Nhật, đã gây xôn xao cộng đồng mạng. Những lời cảnh cáo được viết bằng tiếng Việt cụ thể là: “Ăn cắp vặt là phạm tội. Nếu ăn cắp vặt thì bị phạt tù dưới 10 năm. Ngay khi phát hiện ăn cắp vặt thì chúng tôi sẽ thông báo cho cảnh sát ngay lập tức. Camera phòng chống tội phạm đang hoạt động. Tăng cường điều tra”. Bên dưới là phần dịch sang tiếng Nhật được viết nhỏ hơn

rung-dong-nhung-vu-an-cap-cua-nguoi-viet-tai-nhat-image2

Biển “đe” người Việt ăn cắp tại siêu thị ở Nhật

Bức ảnh đã làm rộ lên tin đồn về nạn ăn cắp vặt của người Việt ở bên Nhật. Nhiều người cho rằng, người Việt đã để lại ấn tượng xấu xí trong mắt người Nhật bản khi xuất ngoại sang đất nước của họ.

Theo anh Đặng Công Trọng, du học sinh Nhật Bản, tác giả của bức ảnh này, tấm biển được dán trong một siêu thị tại thành phố Saitama, một trong những thành phố đông dân nhất tại nước này.

Đa phần cộng đồng mạng đều đồng quan điểm khi cho rằng tấm biển viết bằng tiếng Việt nên đối tượng mà nó hướng tới là người Việt.

Trong khi một số ý kiến của cư dân mạng lí giải rằng tấm biển này chỉ mang mục đích cảnh báo thì nhiều người khác lại cho rằng đây là điều đáng xấu hổ, bởi nó là bằng chứng rõ ràng về thói ăn cắp vặt của người Việt tại Nhật Bản.

Theo anh Trọng, hành vi ăn cắp vặt của người Việt tại Nhật xảy ra khá phổ biến. Lên tàu nhiều khi thấy người Việt Nam thì người Nhật còn kéo khoá túi lại rồi ôm khư khư trước bụng”.

Theo tin đa chiều