Một đời nghệ thuật trao tặng làng quê

(Dân Việt) - Nguyễn Phan Chánh đã đặt ý nghĩa của đời mình vào dòng chảy muôn đời của làng quê Việt Nam. Ông sống đời sống của người nông dân nhân hậu, rồi tặng lại cho họ những giá trị thẩm mỹ vững bền nhất.

Dẫn đầu và thành công nhất

Được sinh ra trong một làng quê nghèo thuộc huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh; Được dạy dỗ giáo lý Nho học bởi người cha vốn là một nhà nho nghèo từ chối làm quan; Khi trưởng thành tự tìm vào Huế thi vào Trường Sư phạm Đông Ba, rồi ở lại đó dạy học...

Danh họa Nguyễn Phan Chánh lúc sinh thời bên cạnh tác phẩm “Chơi ô ăn quan”.

Những tưởng cuộc đời lặng lẽ, thanh sạch đó sẽ kéo đến hết cuộc đời Nguyễn Phan Chánh giống như biết bao ông giáo khác. Nhưng mới chỉ được 2 năm, Nguyễn Phan Chánh đã trở ra Hà Nội, thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương do người Pháp mới mở, để thỏa chí mộng mơ trong thế giới hội họa, khi đó là chuyện hoàn toàn mới mẻ với người Việt Nam.

Bước ngoặt lịch sử này đã lấy đi một ông giáo học để thêm vào một nhà danh họa cho xứ sở. Và hơn thế nữa là khởi đầu cho một nền tranh lụa Việt Nam, được kéo dài cho đến ngày nay. Có thể khẳng định ông là họa sĩ dẫn đầu và thành công nhất trong dòng tranh này.

Nguyễn Phan Chánh học khóa 1 Trường Mỹ thuật Đông Dương (1925-1930) cùng Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu... Đó cũng là lần đầu tiên ông được hấp thụ và giao lưu với văn hóa phương Tây, hội họa phương Tây, với luật xa gần, với bố cục, hòa sắc, ánh sáng.

Ông đặt mình vào không gian ấm áp bình dị nơi thôn dã, cùng những đứa trẻ, những cô gái thuần nông, những cảnh sinh hoạt, đình đám. Rồi từ đó, một vẻ đẹp thuần chất không cần triết lý, không ồn ào, lặng lẽ cô đọng trên từng bức vẽ.

Hội họa hiện đại Việt Nam cũng bắt đầu từ thời điểm này. Khác với các bạn đồng khóa, ông không mặn mà gì với chất liệu sơn dầu mà chú tâm ngay vào tranh lụa. Kiến thức hội họa phương Tây được ông ứng xử khéo léo nhuần nhuyễn trên mặt lụa. Tâm chất hội họa của ông đã được hình thành rất sớm, kín đáo, nho nhã, xa lạ với quan niệm thẩm mỹ phương Tây hướng đến một nền công nghiệp mới.

Ông tìm ra vẻ đẹp thuần khiết Việt Nam, mộc mạc, tĩnh lặng. Vì thế ông đã tránh xa được hai dòng tranh lụa lớn là Nhật Bản và Trung Hoa. Nguyễn Phan Chánh chỉ vẽ những gì là thân thuộc với tâm thức và đời sống của chính ông.

Ông đặt mình vào không gian ấm áp bình dị nơi thôn dã, cùng những đứa trẻ, những cô gái thuần nông, những cảnh sinh hoạt, đình đám. Rồi từ đó, một vẻ đẹp thuần chất không cần triết lý, không ồn ào, lặng lẽ cô đọng trên từng bức vẽ. Ở đó, màu chủ đạo của ông bao giờ cũng từ gam màu nâu rồi chuyển dần sang hồng, tím... màu của làng quê Việt Nam. Ông thành công và có tên tuổi ngay từ khi ra trường.

Khám phá vẻ đẹp nông thôn

Năm 1931, Nguyễn Phan Chánh đã bày tranh tại Paris, thủ đô nước Pháp cùng với Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân. Giới phê bình và báo chí Pháp ngày đó đã hết lời ca ngợi các tác phẩm của ông như: “Lên đồng”, “Rửa rau cầu ao”, “Em bé cho chim ăn” và đặc biệt là bức “Chơi ô ăn quan”.

Có lẽ cũng là lần đầu tiên công chúng hội họa ở kinh đô nghệ thuật thế giới được chiêm ngưỡng một không gian nghệ thuật thuần phác, êm đềm, một vẻ đẹp tĩnh tại, thâm trầm của tranh lụa Việt Nam. Khác hẳn cái kiêu sa điệu đà của lụa Nhật Bản cũng như tính triết học siêu hình trong tranh lụa Trung Hoa, tranh lụa Việt Nam có chỗ đứng từ ngày đó.

Tác phẩm “Sau giờ trực chiến”.

Sau này, đề tài thu hút Nguyễn Phan Chánh hơn cả là những cô gái thuần nông, không kiêu sa trang điểm, không tư lự, u hoài. Ông nhìn ra cái đẹp của những vóc dáng khỏe khoắn mộc mạc, căng tràn sức sống trong công việc nhà nông thường nhật. Thân hình của những cô thôn nữ đó hướng đến cái đẹp phồn thực, nõn nà nhưng không hề dung tục.

Ông vẽ họ ở những trạng huống bình thường nhất, khi rửa rau ở cầu ao, khi kỳ lưng cho nhau dưới một ánh trăng nhễ nhại, lúc rửa chân, lúc cho con bú... Dường như trong tranh của ông, không chỉ là lời ngợi ca cái đẹp thân thể, ông còn ngợi ca cuộc sống bình dị với những ước mơ bé nhỏ.

Ngay cả dưới thời đạn bom chống Mỹ, tác phẩm của ông vẫn là những cô gái đó, vẫn vẻ đẹp đó, chỉ khác là ông đặt họ vào công việc mới của họ, như những bức: “Sau giờ trực chiến”, “Sau giờ lao động” rồi “Trăng lu, trăng tỏ”...

Nguyễn Phan Chánh đã đặt ý nghĩa của đời mình vào dòng chảy muôn đời của làng quê Việt Nam. Ông sống đời sống của người nông dân nhân hậu, rồi tặng lại cho họ những giá trị thẩm mỹ vững bền nhất. Và như thế, ông đã để lại cho hậu thế một định nghĩa - bất biến - về cái đẹp của sự sống.

Trịnh Tú