Bản hiếu học ở cuối trời Tây Bắc

(Dân Việt) - Những đứa trẻ mang gạo, măng và muối về trung tâm xã dựng lều theo học. Những chiếc lều ngày một nhiều, hàng chục, hàng trăm, thành khu, người dân gọi khu lều ấy là “bản hiếu học”.

Từ những năm 1960, vùng đất cuối trời Tây Bắc Ka Lăng – Thu Lũm (huyện Mường Tè, Lai Châu) đã nổi tiếng với truyền thống hiếu học. Ngày ấy, đã có những ông bố, bà mẹ quanh năm suốt tháng ăn sắn, củ mài, củ nâu để nhường gạo cho con theo sông Đà về xuôi đi học.

Sau những lớp người mở đầu là những đứa trẻ mang gạo, măng và muối về trung tâm xã dựng lều theo học. Những chiếc lều ngày một nhiều, hàng chục, hàng trăm, thành khu, người dân gọi khu lều ấy là “bản hiếu học”.

Những dãy lều của bản hiếu học nay không còn, hơn 500 em học sinh các cấp ở bản xa về trung tâm xã học đã được ở trong khu nhà nội trú, bán trú kiên cố. Bữa cơm với măng, muối đã thay bằng bữa cơm tập thể ổn định, đủ chất hơn. Nhà nước, các cơ quan hữu quan, thầy cô giáo xúm vào lo cho chặng đường “lều chõng” của các em bớt đi gian khó. Để các em mồ côi, thật nghèo vẫn có thể theo đuổi con đường học rất dài nhưng cũng là con đường ngắn nhất để xóa đói, giảm nghèo và vươn lên cao hơn trong cuộc sống.

Học sinh bán trú Trường THCS Thu Lũm chuẩn bị cho giờ học đầu tiên của năm học 2012-2013.
Giờ học tại nhà của các em học sinh bán trú Trường Tiểu học Ka Lăng 1.
Ba chị em Lỳ Gió Nu (lớp 8), Lỳ Lò Pư (lớp 7), Lỳ Nó Du (lớp 6), củaTrường THCS Ka Lăng ôn bài buổi tối tại nhà bán trú.
Giờ ăn của các em học sinh bán trú Trường Tiểu học Thu Lũm.
Chơi môn “bóng rổ” của học sinh bán trú Trường Tiểu học Thu Lũm.
Hai anh em Lỳ Khừ De (lớp 8), Lỳ Phì Dá (lớp 6) Trường THCS Ka Lăng tranh thủ ngày nghỉ về giúp bố mẹ gùi lúa từ nương về nhà.
Anh Bùi Văn Ả - nhân viên y tế học đường kiêm “bếp trưởng” cho gần 130 học sinh bán trú Trường THCS Ka Lăng.
 

Xuân Trường