Người rừng ở rú Chá

(Dân Việt) - Hơn 15 năm qua, vợ chồng ông Đáp vẫn lặng lẽ giữ rừng. Vợ chồng ông đã gắn bó quá đỗi với rú Chá, đã quen với những bữa ăn chỉ có rau dại, rong biển cùng mớ tép...

Trận bão kinh hoàng năm 1986 quật đổ mấy chục nóc nhà của thôn Thuận Hòa, xã Hương Phong, thị xã (khi ấy là huyện) Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế. Rồi cái đói tràn khắp thôn. Người già nhớ lại lời dặn của cha ông: “Rú tàn làng mạt”.

Rú Chá như chiếc áo che chở cho thôn nghèo Thuận Hòa bao đời không bị trần trụi trước gió bão biển khơi, mấy năm trước đó vì dân thiếu củi mà chặt trụi cây rừng. Để “vá lại cái áo”, làng chi 300kg thóc/năm cho ai xung phong ra giữ rú. Vợ chồng ông Nguyễn Ngọc Đáp (sinh năm 1946) nhận với làng...

10 năm vợ chồng ông Đáp ở rú, rừng mọc lại dày, ngành lâm nghiệp công nhận rú Chá thành rừng phòng hộ, hệ sinh thái... đặc biệt quý. Rồi rừng được chuyển về Nhà nước quản lý, cũng từ đó vợ chồng người giữ rừng không còn được trả công.

Hơn 15 năm qua, vợ chồng ông Đáp vẫn lặng lẽ giữ rừng. Vợ chồng ông đã gắn bó quá đỗi với khu rừng, đã quen với những bữa ăn chỉ có rau dại, rong biển cùng mớ tép. Quen, yêu cuộc sống không có bất kỳ tiện nghi nào nhưng bình lặng và khỏe. Quan trọng hơn bỏ rú mà đi, “cái áo” ấy sẽ rách ngay, làng Thuận Hòa quê ông có nguy cơ lại “mạt”.

Người rừng Nguyễn Ngọc Đáp và khu đại bản doanh tại rú Chá.
Quá nửa cuộc đời vợ chồng ông Đáp dành để tái sinh rừng cây.
Mỗi sáng, ông bà đi đổ nò tôm kiếm chút tiền mua gạo.
Mẻ tôm được 2 lạng, bán được 26.000 đồng. Chừng đó với vợ chồng ông Đáp là đủ cho chi tiêu trong ngày.
Mò thêm con trìa (ngao) bán kiếm tiền để dành, lo cho 3 người con chưa thành gia thất.
Rau rừng, rong câu, tép... đủ cho vợ chồng ông sống khỏe.
Bữa cơm tối của vợ chồng ông Đáp.

Xuân Trường - An Sơn