Tượng đồng Nữ thần Durga có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa đã được tiếp nhận, hồi hương và được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia lưu giữ.
Ngày 28-8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam đã tổ chức Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga.
Cổ vật thuộc loại quý hiếm
Trước đó, vào tháng 8-2023, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh thông tin cho Bộ VH-TT&DL về việc Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa Mỹ phối hợp với Cảnh sát Đô thành Luân Đôn, Vương quốc Anh tịch thu tượng đồng Nữ thần Durga, có nguồn gốc Việt Nam từ một vụ điều tra buôn bán cổ vật bất hợp pháp và đề xuất khả năng trao trả cổ vật này về Việt Nam.
Lễ công bố kết quả tiếp nhận, hồi hương tượng đồng Nữ thần Durga. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ VH-TT&DL đã chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, đối sánh tư liệu và xác định tượng đồng Nữ thần Durga và đề xuất phương án tiếp nhận, hồi hương pho tượng này.
Ngày 13-9-2023, đại diện Bộ An ninh Nội địa Mỹ, Cảnh sát đô thành Luân Đôn đã phối hợp với các cơ quan chức năng bàn giao tượng đồng Nữ thần Durga cho Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Anh.
Lễ bàn giao được diễn ra tại Công ty Constantine, Luân Đôn, vương quốc Anh, nơi pho tượng đang được lưu giữ sau khi bị tịch thu và đưa đến Công ty Constantine từ ngày 17-7-2023.
Tháng 1-2024, Bộ VH-TT&DL đã cử đoàn công tác sang. Sau khi hoàn tất các thủ tục xin cấp phép xuất khẩu, thủ tục hải quan, ngày 21-2-2024, tượng được vận chuyển từ Vương quốc Anh về đến sân bay Nội Bài (Hà Nội, Việt Nam).
Ngày 24-6-2024, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã thành lập Hội đồng thẩm định, mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, văn hóa, nghệ thuật và cổ vật để xem xét, đánh giá hiện trạng, xác định tính chất, niên đại, nguồn gốc và giá trị của Tượng, đồng thời, lấy mẫu phân tích thành phần hợp kim.
Về đánh giá, thẩm định chuyên gia, Hội đồng xác định: Đây là tượng Nữ thần Durga 4 tay, có thể khối lớn (cao toàn bộ 191cm, trong đó, tượng cao 157cm, nặng 101kg), niên đại vào thế kỷ VII với hiện trạng còn tương đối nguyên vẹn.
Đông đảo công chúng chiêm ngưỡng bức tượng. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Tượng có nguồn gốc Việt Nam, thuộc phong cách nghệ thuật văn hóa Champa. Tuy nhiên, thông tin về nguồn gốc xuất xứ, địa điểm cụ thể phát hiện tượng Nữ thần Durga như đã nêu trong hồ sơ cần được tiếp tục nghiên cứu thêm.
Đây là pho tượng đồng lớn nhất, đại diện tiêu biểu, đặc sắc của nghệ thuật văn hóa Champa được phát hiện cho đến nay, là cổ vật thuộc loại quý hiếm, có giá trị rất lớn về văn hóa cũng như mỹ thuật Việt Nam qua các giai đoạn lịch sử.
Với những giá trị đặc biệt, quý hiếm, tượng đồng Nữ thần Durga đang được Bảo tàng lưu giữ trong kho đảm bảo an ninh, an toàn cũng như điều kiện, tiêu chuẩn, môi trường bảo quản đặc biệt.
Sau khi công bố, tượng đồng Nữ thần Durga sẽ được hoàn thiện hồ sơ pháp lý, bảo quản và tiếp tục nghiên cứu để trưng bày, giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Trưng bày chuyên đề: Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian
Cũng trong ngày 28-8, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam và Nhà sưu tập Đào Danh Đức tổ chức trưng bày chuyên đề: Báu vật Champa - Dấu ấn thời gian.
Champa là quốc gia cổ đại từng tồn tại từ năm 192 đến năm 1832 ở khu vực miền Trung Việt Nam ngày nay. Văn hoá Champa chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ và Java cùng với những sáng tạo riêng đã tạo nên những đỉnh cao nghệ thuật như phong cách Mỹ Sơn, Đồng Dương, Tháp Mẫm...
Nhiều di tích đền tháp và các công trình điêu khắc còn tồn tại đến ngày nay cho thấy Ấn Độ giáo và Phật giáo là hai tôn giáo chính của vương quốc Champa xưa.
Hiện vật được trưng bày tại triển lãm. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Bảo tàng đã cùng các đơn vị phối hợp nghiên cứu và lựa chọn hơn 60 hiện vật tiêu biểu bằng chất liệu vàng, bạc thuộc giai đoạn lịch sử này (thế kỷ 17 -18) để giới thiệu tới công chúng, trong đó hầu hết các hiện vật lần đầu tiên được đưa ra trưng bày.
Tượng bò thần Nandin trưng bày tại triển lãm. Ảnh: VIẾT THỊNH.
Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn công chúng trong và ngoài nước có cơ hội thưởng lãm các cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc và hiểu biết sâu sắc hơn về một giai đoạn của lịch sử văn hóa của Champa dường như còn ít được biết tới, từ đó, biết trân trọng, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Bên cạnh đó, trưng bày còn góp phần tiếp tục thực hiện đẩy mạnh vai trò của Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng như các bảo tàng công lập trong việc phối hợp, hỗ trợ để các bảo tàng, sưu tập tư nhân có điều kiện phát huy giá trị di sản tới rộng rãi công chúng. Trưng bày diễn ra từ ngày 28-8-2024 đến tháng 10-2024.
Viết Thịnh / Theo Plo