Câu chuyện về đứa trẻ sơ sinh bị bắt cóc 17 ngày ở Anh

Karen Humphries, 32 tuổi, trông có vẻ kiệt sức nhưng ánh lên niềm hạnh phúc trong bức ảnh chụp cùng con gái mới sinh ở bệnh viện Queen, thành phố Nottingham (Anh) vào ngày 29/6/1994. Em bé được đặt tên Abbie, là con thứ hai của Karen với chồng Roger, 33 tuổi. Tuy nhiên chỉ vài phút sau khi tấm hình được chụp lại, thế giới cũng hai vợ chồng tưởng chừng như sụp đổ.

giao con cho ke bat coc 1

Người bố suy sụp khi tự tay giao con cho kẻ bắt cóc

Karen đã cố gắng ra khỏi phòng sinh để tìm người thân và đi vệ sinh. Trong lúc đó, ông bố Roger đã một mình chơi đùa với con gái trong khoảng nửa tiếng. Và rồi một người phụ nữ mặc đồng phục màu xám xuất hiện, nói rằng em bé cần được đưa đi xét nghiệm thính giác. Roger nghĩ rằng đây là y tá nên đã tự tay giao con gái của mình. Tiếp đó, người phụ nữ cùng đứa bé khuất dần trên hành lang.

Khi Karen quay trở lại, cô liền hỏi con gái ở đâu. "Chồng tôi đã nói: Y tá đưa con bé đi xét nghiệm thính giác rồi" - Karen kể. "Tôi lập tức cảm thấy điều bất ổn. Lúc bấy giờ, bệnh viện không đời nào đưa đứa bé sơ sinh rời khỏi cha mẹ của nó".

Nỗi sợ càng lúc càng dâng lên trong lòng người mẹ. Và điều đó hoàn toàn có cơ sở: bệnh viện xác nhận người phụ nữ lạ mặt không phải y tá mà chính là kẻ bắt cóc cải trang. Đến lúc đó, bé gái Abbie chỉ vừa chào đời khoảng 4 giờ đồng hồ.

Người bố đau lòng cho biết: "Tôi đã giao con gái cho người lạ mà không hỏi lấy một câu nào. Chính tôi đã làm mất con. Tôi đã chạy khắp nơi như một gã điên, từ hành lang này đến hàng lang khác và lục tìm khắp bãi đỗ xe. Nhưng lúc đó, người phụ nữ đã đưa con tôi đi xa mất rồi".

Câu chuyện bất hạnh của vợ chồng Roger và Karen đã được đăng lên khắp mặt báo nước Anh và thế giới. Họ còn xuất hiện trên truyền hình với hi vọng tìm lại đứa trẻ thất lạc, đồng thời nhận được lời nhắn động viên từ Công nương Diana.

giao con cho ke bat coc 1
Hai vợ chồng đau buồn và tức giận khi đánh mất con gái sơ sinh

Trong khi đó, tại vùng ngoại ô trù phú Wollaton, cách bệnh viện Queen chỉ khoảng 3 cây số, em bé Abbie đã được Julie Kelley (22 tuổi) đưa về nhà. Người phụ nữ còn vui vẻ thông báo với hàng xóm về đứa bé mới chào đời.

Naznin Khokhar (16 tuổi), sống ở nhà bên cạnh, cảm thấy rất kỳ lạ. Rõ ràng Julie nói mình siêu âm mang thai con trai, nhưng đây lại là một bé gái. Khi cậu thiếu niên bày tỏ nghi vấn, Kelly đã khéo léo lảng tránh: "Ơn trời, vợ chồng chị chưa có mua sắm quần áo con trai nên cũng chẳng sao cả".

Gia đình Naznin cảm thấy hết mực nghi ngờ, họ cứ bàn tán về em bé Abbie. Vài ngày sau, không biết được ai báo tin mà cảnh sát đã tìm đến ngôi nhà của Julie. Thực ra đó là nhà trọ mà người phụ nữ 22 tuổi thuê với bạn trai và mẹ của anh. Một số nguồn tin khẳng định rằng cảnh sát đã nhìn thấy em bé sơ sinh, nhưng rồi bỏ đi vì nghĩ không phải là Abbie.

giao con cho ke bat coc 1
Hình ảnh phác họa chân dung kẻ đã bắt cóc em bé Abbie

Sau đó, cảnh sát nhận được nhiều cuộc gọi khác nhau nói rằng đang giữ bé gái thất lạc. Tuy nhiên, tất cả chỉ là trò đùa tàn nhẫn của một số cư dân, khiến giới chức phí hoài hơn 60 giờ đồng hồ.

Vụ bắt cóc dần trở thành tâm điểm được quan tâm rộng rãi, khiến đội điều tra đã nhờ đến sự giúp sức của nhà tâm lý học Paul Britton. Theo đó, vị chuyên gia cho rằng kẻ bắt cóc bé gái là một phụ nữ gặp vấn đề tâm lý bất ổn. Cô ấy có lẽ đã sảy thai hoặc không thể có con. Theo suy đoán, mục đích Abbie bị bắt cóc là để khỏa lấp sự mất mát của hung thủ và họ sẽ không làm hại đứa trẻ.

Nhưng dù sao, từng ngày trôi qua lại càng khắc sâu hơn nỗi đau đối với vợ chồng Karen. Họ dần đánh mất hi vọng gặp lại con gái bình an. "Tôi đã nghĩ đến những kịch bản kinh khủng nhất" - Karen cho biết. "Tôi nuôi hi vọng bọn bắt cóc không làm hại Abbie, nhưng biết đâu chúng không thể kiểm soát tình hình với một đứa bé sơ sinh và sẽ vứt bỏ con tôi ở góc nào đó trên đường".

Trong lúc vợ chồng Karen suy sụp tinh thần, cảnh sát lại gõ cửa nhà Julie Kelly thêm lần nữa. Nhưng đáng tiếc, họ vẫn không thể phát hiện đây chính là thủ phạm cần tìm.

Thủ phạm "hối lỗi sâu sắc" và lời chia sẻ của đứa bé mất tích vào 16 năm sau

Cuối cùng, vào rạng sáng 16/7/1994, tức 17 ngày sau khi em bé bị bắt cóc, đội điều tra đã bao vây bên ngoài một ngôi nhà. Hàng xóm xung quanh cho biết, họ nghĩ Abbie đang có mặt trong ngôi nhà này.

Tiến vào trong, cảnh sát phát hiện có 3 người lớn và 1 đứa bé sơ sinh. Mà không phải nơi nào xa lạ, đây chính là ngôi nhà của Julie Kelley. Sau 2 lần bỏ phí cơ hội phá án, cuối cùng cảnh sát đã phát hiện chân tướng sự việc và đón bé Abbie trở về an toàn.

giao con cho ke bat coc 1
Ngôi nhà của người phụ nữ đã bắt cóc Abbie suốt 17 ngày đầu đời

Roger đang ngồi chờ trên ô tô thì nhận được điện thoại từ cảnh sát: "Chúng tôi nghĩ rằng đã tìm được con gái của vợ chồng anh".

Hai vợ chồng lập tức chạy ào đến bệnh viện, mừng rỡ nhìn thấy một bé gái đang nằm an toàn trong vòng tay của viên cảnh sát. Ngay lập tức, Karen nhận ra đó là Abbie. "Con bé đã sụt cân vì người phụ nữ kia rõ ràng không thể chăm sóc tốt cho nó. Tôi nhận ra ngay chỏm tóc vàng của con, nhưng trên tất cả, tôi biết đây là đứa trẻ mình rứt ruột đẻ ra. Có điều gì đó rất thiêng liêng giữa người mẹ với con của mình".

Kết quả xét nghiệm máu chứng minh đứa bé quả thật là Abbie Humphries - nạn nhân mất tích làm dậy sóng dư luận. Sau đó, thủ phạm Julie Kelley đã bị bắt giữ.

Trong phiên tòa xét xử mấy ngày sau, thông qua luật sư của mình, bị cáo Julie bày tỏ "sự hối tiếc sâu sắc" và nói "điều hi vọng mãnh liệt nhất là bé Abbie đã không phải chịu đựng quá sức".

giao con cho ke bat coc 1
Bị cáo Julie Kelley

Sự thật là Julie đã giả mạo toàn bộ việc mang thai để níu giữ tình cảm của bạn trai, hơn nữa còn táo tợn đánh cướp trẻ sơ sinh ở bệnh viện Queen. Bị cáo chỉ chịu án tù treo 3 năm vì mắc chứng rối loạn nhân cách. Có nguồn tin cho rằng Julie đã mang thai vào 1 năm sau vụ bắt cóc (1995).

Về phần vợ chồng Karen và Roger, họ đã chăm sóc con gái vô cùng cẩn thận trong suốt thời thơ ấu, nhưng vẫn muốn cho bé có không gian để thoải mái để phát triển lành mạnh. 10 năm sau vụ việc, gia đình nhỏ đã rời Anh Quốc đến định cư ở New Zealand, bỏ lại nỗi ám ảnh để bắt đầu cuộc sống mới.

Năm 2010, khi đã là một thiếu nữ, Abbie có dịp tái xuất trên truyền thông Anh. Cô bé cho biết: "Tôi đã lớn lên trong sự chăm sóc và yêu thương vô điều kiện. Nhưng tôi cũng chưa từng cảm thấy điều gì bất thường".

Thật may mắn là 17 ngày bị bắt cóc không để lại di chứng trong cuộc đời của Abbie. Cô cho biết bố mẹ từng nhiều lần kể cho mình nghe về vụ việc, nhưng đến lúc tận mắt đọc lại những bài báo cũ thì mới hiểu rõ tình cảnh căng thẳng đến mức nào."Dù vậy tôi không hề cảm thấy khiếp sợ hay kinh khủng. Nói thật là tôi nghĩ câu chuyện khá ngầu đấy chứ"- Abbie chia sẻ.

Trí Thức Trẻ (Theo Whimm, Independent, Daily Mail - Ảnh: PA/Getty Images)