Số liệu cho thấy hầu hết người phải theo visa 10 năm là người da màu.
Có 218,110 người theo lộ trình visa 10 năm. Việc thiếu thu nhập và bằng cấp chuyên môn khiến họ không thể theo đuổi các lộ trình nhập cư khác.
Lộ trình visa 10 năm đắt đỏ của chính phủ Anh bị đánh giá là phân biệt chủng tộc khi số liệu thống kê cho thấy, hầu hết những người phải theo đuổi lộ trình này đều là người da màu.
Có 218,110 người đang theo "10-year route" visa, bởi vì họ không đủ tiêu chuẩn về thu nhập và chuyên môn để theo đuổi các loại visa khác. Nhiều người trong số họ làm công việc được trả lương thấp, chẳng hạn như lao công hoặc chăm sóc sức khỏe. Những lộ trình định cư khác ở UK chỉ cần 5 năm.
Những người theo đuổi lộ trình 10 năm phải tái tục visa "leave to remain" của họ sau mỗi 30 tháng. Nghĩa là có 4 lần tái tục. Phí cho mỗi lần là £3,850. Bộ Nội Vụ có thể miễn chi phí này đối với một số ít trường hợp nhưng hầu hết là không miễn giảm.
Một báo cáo của Đơn vị hỗ trợ nhập cư Greater Manchester (GMIAU), Viện chính sách Công cộng và Quỹ từ thiện Praxis cho thấy, cách thông thường nhất để có tiền đóng phí là đi vay mượn, điều này khiến nhiều người mắc nợ và chật vật với các chi phí sống cơ bản.
Một phụ nữ Ghana 41 tuổi cho biết cô đang rất khốn khổ với lộ trình 10 năm. Cô có một đứa con quốc tịch Anh, chào đời năm 2017. Đến năm 2018, cô được cấp visa "leave to remain" để theo đuổi lộ trình 10 năm. Nhưng hồi tháng 3/2024, cô đã trễ hạn tái tục visa vài tuần, điều này biến cô trở thành người ở quá hạn visa và đang chờ phán quyết của Bộ Nội Vụ.
Vì nộp đơn xin định cư trễ, nên cô đã mất những năm tích lũy trước đó và phải bắt đầu lộ trình 10 năm từ con số 0. "Lộ trình này thật tàn nhẫn. Nó khiến tôi cảm thấy mình như một tù nhân. Tôi muốn học đại học để có bằng y tá, nhưng tôi không thể làm được điều đó cho đến khi có được tấm visa vĩnh viễn. Chính phủ nên rút ngắn lộ trình này xuống 5 năm, thay vì 10", cô nói.
Người phát ngôn của GMIAU cho biết: "Những người theo lộ trình 10 năm biết rằng đây là một chính sách phân biệt chủng tộc. Họ bị đẩy vào con đường nợ nần, bị buộc phải chọn lựa trả hàng ngàn bảng để theo đuổi tấm visa, hoặc phải duy trì tài chính để nuôi gia đình. 10 năm chờ định cư là quá dài. Lộ trình này nên bị loại bỏ. Trướt mắt nên rút ngắn xuống 5 năm".
Nick Beales thuộc Quỹ từ thiện Ramgel nói: "Chính sách 10 năm phản ánh môi trường thù địch của chính phủ. Giống như rất nhiều chính sách của Đảng Bảo Thủ trong giai đoạn này, chủ trương phân biệt chủng tộc là rất rõ ràng. Rất nhiều người gốc Phi và Nam Á phải chấp nhận hành trình gian truân này để có được tấm visa vĩnh viễn".
Người phát ngôn Bộ Nội Vụ tuyên bố: "Có những gia đình không đủ tiêu chuẩn theo lộ trình visa 5 năm, nhưng cũng không thể từ chối họ vì như vậy là vi phạm Công ước châu Âu về nhân quyền, nên Bộ Nội Vụ sẽ cho họ tham gia lộ trình visa 10 năm. Chúng tôi không phân biệt chủng tộc, dân tộc hay quốc tịch khi quyết định ai nên theo lộ trình 10 năm. Chúng tôi cũng khuyến nghị những ai đang theo đuổi lộ trình này, nên tái tục visa "leave to remain" trước khi hết hạn".
Viethome (theo Guardian)