Vì sao người xin tị nạn ở Anh cần thuê luật sư?

Quá trình xử lý các yêu cầu tị nạn hiện đang bị gián đoạn bởi phong tỏa vì dịch bệnh. Có thể có sự chậm trễ trong việc xử lý xác nhận quyền tị nạn và người nộp đơn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong tìm kiếm hỗ trợ.

Luật tị nạn rất phức tạp, vì vậy chúng tôi khuyên người nộp đơn nên tìm tư vấn pháp lý tốt và đại diện cho mình. Do vậy, người xin tị nạn nên tìm một luật sư càng sớm càng tốt.

9asylum

Thời hạn để cung cấp bằng chứng cần thiết nhằm hỗ trợ yêu cầu xin tị nạn rất ngắn.

Luật sư của bạn có thể trợ giúp:

  • đặt lịch hẹn để xin tị nạn
  • viết các tuyên bố chính thức cho bạn
  • đưa ra lời khuyên về mức độ thành công trong trường hợp của bạn
  • nộp đơn để xin được trả tự do nếu người xin tị nạn bị giam giữ
  • chuẩn bị hồ sơ và đại diện cho người xin tị nạn trong trường hợp muốn phản đối quyết định cuối cùng
  • đưa ra dự đoán về trường hợp của khách hàng
  • cung cấp thêm thông tin khách hàng cần để giải thích yêu cầu xin tị nạn, chẳng hạn như báo cáo y tế hoặc báo cáo từ chuyên gia về hoàn cảnh ở nước bạn

Những gì luật sư cần biết

Người xin tị nạn nên nói với luật sư của mình:

  • thời điểm rời nước sở tại và đến Vương quốc Anh
  • cách thức đến Vương quốc Anh
  • lý do rời nước sở tại
  • liệu người xin tị nạn có sợ trở về nước sở tại và lý do nếu có
  • hoàn cảnh gia đình
  • những tài liệu bạn đã cung cấp cho cơ quan Thị thực và Nhập cư Vương quốc Anh
  • khách hàng có nhận được bất kỳ tài liệu nào để điền và nộp lại hay không và nếu có, thời hạn phải nộp lại

Chi phí luật sư

Nếu người xin tị nạn có ít hoặc không có tiền, họ có thể được tư vấn pháp lý miễn phí. Đây được gọi là trợ giúp pháp lý.

Luật sư sẽ giải thích điều này và những gì họ có thể làm cho khách hàng với tư cách trợ giúp pháp lý. Nếu không có hợp đồng trợ giúp pháp lý, họ nên giới thiệu bạn đến một văn phòng luật có cung cấp tài liệu này.

Nếu không thể nhận được lời khuyên miễn phí, luật sư sẽ cho người xin tị nạn biết mức phí.

Tìm hiểu thêm về trợ giúp pháp lý

Xin tị nạn

Để được công nhận là người tị nạn, người xin tị nạn cần phải chứng tỏ mình không thể sống an toàn ở đất nước sở tại vì lo sợ bị ngược đãi.

Điều này phải là do:

  • chủng tộc
  • tôn giáo
  • quốc tịch
  • quan điểm chính trị
  • bất kỳ điều gì khiến người nộp đơn gặp rủi ro do tình hình xã hội, văn hóa, tôn giáo hoặc chính trị ở quốc gia của bạn, ví dụ: giới tính hoặc xu hướng tình dục của bạn

Người xin tị nạn cũng cần chỉ ra các nhà chức trách ở đất nước sở tại không bảo vệ được họ.

Người xin tị nạn nên bắt đầu càng sớm càng tốt, có thể là ở sân bay hoặc cảng biển lúc đến.

Nếu nộp đơn sau khi đến Vương quốc Anh, bạn phải nộp đơn cho Đơn vị tiếp nhận tị nạn (Asylum Intake Unit).

Khi nộp đơn xin tị nạn, bạn cũng sẽ được coi là đang xin phép ở lại Vương quốc Anh vì các lý do nhân quyền khác.

Nếu có thể chứng minh mình sẽ bị đối xử hoặc trừng phạt vô nhân đạo hoặc hạ nhục nếu bị trả về nước, người xin tị nạn có thể yêu cầu xin được “bảo vệ vì lý do nhân đạo”.

Người xin tị nạn có thể có những lý do khác, dựa trên luật nhân quyền, và chứng minh được họ nên được phép ở lại Vương quốc Anh.

Luật sư có thể cho người xin tị nạn biết liệu yêu cầu tị nạn, bảo vệ nhân đạo hoặc lý do khác có khả năng thành công là bao nhiêu.

Sàng lọc tị nạn

Yêu cầu tị nạn có thể đăng ký bằng một trong hai cách sau:

  • gọi điện thoại cho bộ Nội vụ và lên lịch hẹn
  • trực tiếp đến văn phòng của bộ Nội vụ mà không cần hẹn trước

Nếu bị giam giữ hoặc bị bắt, người xin tị nạn có thể báo cho cảnh sát hoặc nhân viên tại một trung tâm giam giữ hoặc nhà tù rằng họ muốn xin tị nạn.

Người xin tị nạn sẽ có một cuộc phỏng vấn đầu tiên với một nhân viên nhập cư.

Đây được gọi là “sàng lọc” và người xin tị nạn sẽ nói về lịch sử cá nhân nhưng không phải toàn bộ các sự kiện đã xảy ra.

Ngoài ra, người xin tị nạn sẽ được lấy dấu vân tay và ảnh và cần xuất trình các tài liệu, bao gồm:

  • hộ chiếu và giấy tờ di chuyển
  • giấy căn cước
  • giấy tờ tùy thân, ví dụ như chứng minh nhân dân, giấy khai sinh và kết hôn hoặc học bạ
  • mọi tài liệu người xin tị nạn cho rằng sẽ có ích trong trường hợp của mình

Nếu không có giấy tờ tùy thân được chấp nhận, người nộp đơn cần liên hệ với luật sư của mình ngay lập tức.

Bảo lãnh nhập cư

Sau khi kiểm tra, người xin tị nạn thường sẽ được bảo lãnh nhập cư.

Theo luật, người nộp đơn bắt buộc phải ở tại địa chỉ đã cung cấp cho bộ Nội vụ.

Người xin tị nạn cũng có thể phải báo cáo cho bộ Nội vụ hàng tuần hoặc hàng tháng.

Điều quan trọng là bạn phải tuân thủ các hạn chế này.

Bảng câu hỏi thông tin sơ bộ / thông báo một lần

Sau khi kiểm tra, hồ sơ của người xin tị nạn sẽ được giao cho một nhân viên phụ trách.

Bạn có thể được cung cấp một tài liệu được gọi là "thông báo một lần", hoặc một biểu mẫu được gọi là "bảng câu hỏi thông tin sơ bộ".

Đây là cơ hội để cung cấp thông tin bằng văn bản về yêu cầu tị nạn.

Luật sư có trách nhiệm giúp người xin tị nạn hoàn thành biểu mẫu và nộp lại.

Phỏng vấn xin tị nạn

Sau khi kiểm tra, người xin tị nạn sẽ nhận được một thẻ đăng ký chứng minh rằng họ đã nộp đơn xin tị nạn.

Sau đó, người xin tị nạn sẽ có một cuộc phỏng vấn với nhân viên phụ trách để giải thích lý do nộp đơn.

Người xin tị nạn nên cung cấp nhiều thông tin nhất có thể về trường hợp của mình, bao gồm mọi bằng chứng cho thấy bản thân bị bức hại.

Cuộc phỏng vấn rất quan trọng, vì sở Thị thực và Di trú Vương quốc Anh sẽ sử dụng thông tin bạn cung cấp để đưa ra quyết định.

Thông tin trong phần sàng lọc có thể được so sánh với những gì bạn nói trong cuộc phỏng vấn xin tị nạn.

Bạn có thể đi cùng luật sư đến phỏng vấn, mặc dù thông thường không có trợ giúp pháp lý cho việc này.

Nếu luật sư không đi cùng bạn, hãy hỏi nhân viên phụ trách ít nhất trước một ngày để ghi lại quá trình phỏng vấn.

Giam giữ

Bạn có thể bị tạm giam trong mọi giai đoạn của quá trình xin tị nạn.

Sở Thị thực và Di trú của Vương quốc Anh phải cung cấp ly do giam giữ cho người xin tị nạn.

Nếu bị giam giữ, hãy liên hệ ngay với luật sư và hỏi về việc nộp đơn xin được tại ngoại.

Thay vì bị giam giữ, người xin tị nạn sẽ được yêu cầu ở tại một địa chỉ cố định và có thể:

  • được gắn thẻ (chuyển động của bạn được theo dõi từ xa)
  • phải đến trung tâm báo cáo thường xuyên

Điều quan trọng là người xin tị nạn phải thông báo cho Cơ quan Di trú và Thị thực Vương quốc Anh và luật sư về nơi họ có thể liên hệ với bạn mọi lúc.

Kết luận cuối cùng

Đơn xin tị nạn thường sẽ được quyết định trong vòng sáu tháng.

Có thể mất nhiều thời gian hơn nếu, ví dụ, các tài liệu hỗ trợ cần được xác minh hoặc người xin tị nạn cần tham dự nhiều đợt phỏng vấn hơn.

Nếu thành công, người xin tị nạn sẽ được phép ở lại Vương quốc Anh trong năm năm. Điều này được gọi là "leave to remain”.

Sau đó, người xin tị nạn có thể nộp đơn xin định cư tại Vương quốc Anh.

Nếu không đủ điều kiện cho tình trạng tị nạn, người nộp đơn có thể được phép ở lại vì lý do nhân đạo.

Sau năm năm, họ có thể nộp đơn xin định cư tại Vương quốc Anh.

Người xin tị nạn cũng có thể lưu trú vì lý do nhân quyền trong tối đa hai năm rưỡi.

Kháng nghị

Nếu đơn xin bị từ chối, người xin tị nạn nên hỏi luật sư ngay lập tức để được tư vấn về quá trình kháng nghị.

Có giới hạn rất nghiêm ngặt về thời gian kháng nghị và trong một số trường hợp, người xin tị nạn chỉ có thể kháng cáo từ bên ngoài Vương quốc Anh. Luật sư có thể chuẩn bị hồ sơ và đại diện cho khách hàng.

Ngoài ra, người xin tị nạn có thể được hưởng một hình thức trợ giúp pháp lý miễn phí khác là đại diện pháp lý có kiểm soát.

Luật sư sẽ giải thích về quy trình này, cũng như về mức phí nếu người xin tị nạn không thể được tư vấn miễn phí.

Tiền và nhà ở

Nếu không có cách nào hỗ trợ bản thân, người xin tị nạn có thể nộp đơn xin sở Thị thực và Nhập cư Vương quốc Anh cung cấp hỗ trợ tị nạn.

Người xin tị nạn có thể được cấp tiền mặt và/hoặc nhà ở tạm thời.

Người xin tị nạn có thể được đưa đến một vùng khác của đất nước để cư trú.

Luật sư của bạn sẽ giải thích thêm về vấn đề này.

Bị trục xuất

Nếu yêu cầu tị nạn cuối cùng bị từ chối (tất cả các kháng nghị đều không thành công) và người xin tị nạn không có cơ sở nào khác để có thể ở lại Vương quốc Anh, họ sẽ phải rời khỏi đất nước.

Sở Thị thực và Di trú của Vương quốc Anh có thể buộc người xin tị nạn rời đi và giam giữ họ trong quá trình đó.

Điều rất quan trọng là người nộp đơn phải liên hệ với luật sư ngay lập tức nếu đơn đăng ký bị từ chối.

Người xin tị nạn không hợp tác với chính phủ để lấy giấy thông hành trong quá trình trục xuất sẽ phạm tội hình sự.

Khuyến cáo

Mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để cung cấp thông tin chính xác, nhưng luật pháp luôn thay đổi và ảnh hưởng khác nhau đến mỗi người.

Thông tin này không thể thay thế cho lời khuyên cụ thể cho mỗi cá nhân và chúng tôi không chịu trách nhiệm pháp lý trong quá trình người đọc sử dụng bài viết.

Viethome (Theo Law Society)