Bộ Nội vụ đặt ra khái niệm Nô Lệ Hiện Đại để khiến các shop nails chùn bước như thế nào?

Bài viết theo quan điểm cá nhân của một chủ shop sống 20 năm ở Anh.

Cộng đồng ngành nails Việt ở Anh lại một lần nữa dậy sóng vì có nhiều trường hợp chủ shop nails bị buộc tội buôn người, lạm dụng nô lệ ở Anh. Có một vài trường hợp điển hình đã bị đi tù và đăng tải rộng rãi trên báo chí ở Anh Quốc.

Ai cũng hiểu và biết sự thật đằng sau những vụ như này. Tuy nhiên, ít ai hiểu được tại sao Bộ Nội Vụ hay Cảnh Sát lại "cố tình truy tố nhầm người". Thay vào đó chúng ta lại quay ra chỉ trích lẫn nhau. Bài viết dưới đây là cái nhìn của tác giả về quá trình phát triển ngành nails của người Việt ở Anh Quốc và những nguyên nhân dẫn tới sự việc ngày hôm nay.

Bộ Nội Vụ nắm rất rõ cách hoạt động, sinh hoạt của người Việt ở Anh. Ai cũng biết chúng ta tự nguyện bỏ tiền túi sang đây để làm kinh tế (kết hôn giả, du học, nhảy xe thùng...) Tuy nhiên, đây là cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng thuê lao động không giấy tờ ở Anh.

shop nail nguoi viet

Chủ shop nails là những người "có tóc" , là những người có tiền, có shop, có gia đình để mất. Còn những nạn nhân "bị bóc lột" kia không mang lại lợi ích gì cho phía Bộ Nội Vụ nếu bị khởi tố (bắt rồi thả). Nếu anh chị chủ shop nào có ý định làm trái với pháp luật, hãy nhờ tư vấn luật sư trước để hiểu rõ hơn luật, tránh bị rơi vào tình thế đáng tiếc. Nếu có bạn nào bị bắt, hãy lưu ý không được khai lung tung, không được kí giấy tờ, cần phải có luật sư ở bên cạnh để họ tư vấn cho. Những gì bạn khai sẽ có thể chống lại bạn sau này.

10 năm trước

Người Việt đến Anh rải rác từ hơn 20 năm trước, nhưng nhiều nhất vẫn là trong khoảng 10 năm trở lại đây. Hồi đó luật ở Anh dễ dàng lắm, luật bắt người bất hợp pháp và phạt chủ còn quá hạn chế. Nếu có bị phạt thì chỉ là £5,000/người, nhưng bên thu tiền phạt của Bộ Nội Vụ không đòi được số tiền này vì còn nhiều vướng mắc về thủ tục, pháp lý.

Có lẽ chính vì điều kiện dễ dàng như vậy mà người Việt vượt biên tràn sang Anh nhiều vô kể. Hầu như shop nào cũng thuê ít nhất là 1 thợ không có giấy tờ. Bị bắt thì tìm luật sư cãi hộ qua loa là thoát tội và rồi lại tìm thợ khác. Thậm chí những người không có giấy tờ cũng đi thuê người đứng tên hộ để mình có shop tự làm chủ riêng.

Về phần những người bị bắt thì mọi người có chung một kiểu khai nhằm để xin tị nạn ở lại Anh, những lời khai như trốn nợ ở quê nhà, trẻ em dưới 18 không biết gì, bị buôn người sang đây, bị bóc lột, không có tiền chi tiêu…v..v đều đã quá quen thuộc không chỉ với Bộ Nội Vụ, mà cả những người Việt chưa từng sang Anh Quốc cũng thuộc lòng.

10 năm trở lại đây

Từ khi Đảng Bảo Thủ lên nắm quyền, vấn đề nhập cư và bảo vệ đường biên giới được thắt chặt hơn. Chính Phủ đã ban hành thêm nhiều luật để có thể phạt chủ, thu tiền phạt và thậm chí là truy tố bỏ tù những trường hợp cố tình tái phạm. Số tiền phạt tăng đều từ £5,000 đến £10,000, rồi lại tăng tiếp tới £20,000/ người lao động không có giấy tờ đi làm hợp pháp.

Những người Việt may mắn có giấy tờ đã tự ra làm chủ, mở thêm shop nên tình trạng thiếu thợ vẫn luôn xảy ra, buộc họ phải thuê những người không giấy tờ. Và mỗi lần có chiến dịch đi bắt người thì điệp khúc đưa lời khai để xin tị nạn ở lại tiếp tục diễn ra. Nếu bạn là Thủ Tướng Anh, trước vấn nạn như vậy bạn sẽ làm gì?

Vỏ quýt dày có móng tay nhọn

Giải pháp ngăn chặn người nhập cư trái phép không hiệu quả, cứ 10 chuyến vượt biên sẽ thành công ít nhất 1-2 chuyến. Số lượng người không giấy tờ và trốn đi làm ở Anh vẫn tăng cao. Phạt tiền chủ cũng không ăn thua bởi lẽ số tiền phạt £10,000-£20,000 vẫn quá ít so vơi lợi ích của việc thuê người không giấy tờ mang lại. Nhiều chủ thuê thợ không giấy tờ 5-10 năm may ra mới bị phạt 1 lần.

Giải pháp mà Chính Phủ cho thấy hiệu quả nhất vẫn là chặn nguồn "cầu" - kiểm soát chặt, phạt nặng hơn những người chủ thuê người lao động trái phép này. Và rồi họ thay đổi định nghĩa, chính phủ giới thiệu tới công chúng định nghĩa Nô Lệ Thời Hiện Đại ở Anh. Tất cả những lời khai của các cá nhân được tập hợp lại để dồn vào ngành nails, rửa xe, takeaway ..v..v

Nếu 10 năm trước đây chính phủ coi những người nhập cư trái phép là người xin tị nạn, thì giờ đây họ là những nạn nhân của Nô Lệ Thời Hiện Đại. Nếu 10 năm trước đây chủ lao động bị coi là vi phạm luật lao động và chỉ bị phạt tiền, thì giờ đây họ bị coi là tham gia băng đảng buôn người, bóc lột người khác làm Nô Lệ và bị truy tố hình sự. Chỉ cần chủ doanh nghiệp vi phạm lỗi bé nhất như trả lương ít hơn quy định cũng có thể bị buộc tội là bóc lột sức lao động người khác.

Kiến thức giám sát sự phát triển của người Việt trong 20 năm qua đã cho phép Bộ Nội Vụ nắm thóp các shop Việt này và dễ dàng sử dụng ngay chính người Việt để quay lại tố cáo người Việt. Bản thân những người không có giấy tờ sẽ làm mọi cách để được ở lại, Bộ Nội Vụ chỉ còn phải ngồi thu thập bằng chứng, theo dõi các shop nails và đến bắt chủ một cách rõ ràng. 

Bộ Nội vụ muốn không một chủ nào dám nhận thợ không giấy tờ nữa, như thế thì người Việt ở Việt Nam sẽ không dám bỏ cả tỷ bạc để sang Thiên Đường này nữa. Có thể nói, Bộ Nội Vụ đang rất thành công trong việc ngăn chặn, giảm tải lượng người nhập cư trái phép vào đây.

Viethome