Ly kỳ vụ trộm cúp vô địch World Cup năm 1966 tại London

Dù là quê hương bóng đá, Anh chưa từng vô địch World Cup cho đến khi đăng cai giải đấu năm 1966, nhưng đó lại là khởi đầu cho một vụ trộm lịch sử.

world cup bi mat trom london 1
Cúp Jules Rimet (trái) và FIFA World Cup là hai mẫu cup trao cho đội vô địch giải bóng đá thế giới. Ảnh: FIFA.

Cúp vàng World Cup đầu tiên trên thế giới ban đầu có tên gọi là Victory (Chiến thắng), nhưng sau đó được đổi tên để tôn vinh cựu chủ tịch của FIFA Jules Rimet.

Người Anh lúc đó khát khao danh hiệu vô địch thế giới đến mức 4 tháng trước khi giải đấu khởi tranh, Công ty Stanley Gibbons đã mượn cúp vô địch Jules Rimet để trưng bày tại Hội trường Trung tâm Westminster, London, và đảm bảo có bảo vệ canh giữ nghiêm ngặt 24/7. 

Đây là chiếc cúp đầu tiên của giải bóng đá lớn nhất hành tinh, do Abel Lafleur thiết kế và được chế tác từ bạc mạ vàng, với phần đế làm từ đá malachit màu xanh lam. Cúp Jules Rimet bao gồm một chiếc cốc hình bát giác, được giữ bởi một nhân vật có cánh tượng trưng cho Nike - Nữ thần Chiến thắng của Hy Lạp, cao 35 cm và nặng 3,8 kg.

"Đó là một tác phẩm nghệ thuật và là một biểu tượng mang ý nghĩa lịch sử lớn lao", Simon Kuper, bình luận viên bóng đá của tờ FT, cho biết. Chiếc cúp được đặt theo tên của cựu chủ tịch FIFA Jules Rimet, người đã chiến thắng cuộc bỏ phiếu năm 1929 để bắt đầu tổ chức World Cup.

yeu thuong con nhieu hon 1
Cúp Jules Rimet được giới thiệu với truyền thông Anh năm 1966. Ảnh: AFP.

Giữa trưa 20/3/1966, chỉ sau một ngày được trưng bày tại London, chiếc cúp Jules Rimet biến mất trước sự ngỡ ngàng của đội ngũ bảo vệ. "Hệ thống an ninh không có vấn đề gì", một bảo vệ thuật lại khi đó. "Nó cứ thế không cánh mà bay".

Tên trộm đã lấy chiếc cúp khỏi bộ sưu tập "Sport with Stamps" tại triển lãm Stampex. Điều đáng nói là kẻ gian đã mang chiếc cúp có giá khoảng 14.000 USD đi và bỏ lại những con tem giá trị gần 400.000 USD.

Ban đầu, do muốn giữ kín thông tin, Thanh tra thám tử Bill Little làm một cuộc điều tra nội bộ, lấy lời khai của những người trong tòa nhà hoặc bất kỳ ai trông thấy dấu hiệu khả nghi. Trong khi đó, FA cố gắng giải quyết mọi khủng hoảng, rắc rối. Thư ký FA Denis Follows đã đến gặp thợ kim hoàn George Bird, yêu cầu ông làm ra một bản sao chính xác của chiếc cúp, để “chữa cháy” cho giải đấu.

Tuy nhiên không lâu sau, thông tin bị rò rỉ và trở thành đề tài bàn tán của dư luận và vô tình cản trở quá trình điều tra của cảnh sát. Tin tức lan truyền khắp thế giới, biến nước Anh thành một "trò cười". Một quan chức thể thao Brazil gọi vụ trộm này là "hành vi báng bổ sẽ không bao giờ xảy ra ở Brazil", bởi các băng đảng xã hội đen ở nước này rất tôn sùng bóng đá.

Cảnh sát thủ đô London lập tức triển khai các thám tử giỏi nhất tham gia chiến dịch tìm chiếc cúp, song manh mối duy nhất họ có là "một người đàn ông có vẻ khả nghi" rời Hội trường Trung tâm Westminster vài phút sau khi nó biến mất. Nghi phạm được mô tả là "ngoài 30 tuổi, chiều cao trung bình, môi mỏng, tóc đen bóng và có thể có sẹo trên mặt".

Song, manh mối vụ trộm chỉ dần hé mở khi Chủ tịch FA Joe Mears nhận được một gói hàng. Bên trong là nắp của chiếc cúp kèm một tờ giấy đòi tiền chuộc 19.000 USD, với chữ ký của một người đàn ông tự xưng là "Jackson".

"Chào Joe. Tôi chắc rằng ông đang đứng ngồi không yên để đi tìm chiếc cúp World Cup. Với tôi, nó chỉ như đống vàng phế liệu. Nếu không nghe thông tin của ông, tôi nghĩ đó chỉ là cái bình thôi", lá thư nêu rõ.

Jackson đe dọa nếu ông Mears tiết lộ chuyện này với truyền thông hoặc báo cảnh sát, anh ta sẽ nấu chảy chiếc cúp. Jackson cũng đồng ý gặp gỡ Chủ tịch FA tại công viên Battersea. Nhưng vào phút chót, cựu chủ tịch FA bị đau thắt ngực và không thể rời khỏi giường. Jackson đồng ý cho một trợ lý của Mears đến điểm hẹn.

battersea
Battersea.

Để đảm bảo an toàn, thám tử Len Buggy đóng giả trợ lý của chủ tịch Mears và mang theo valy tiền mặt 19.000 USD, thực chất chỉ có khoảng 665 USD cùng một xấp giấy lộn phía dưới.

Jackson xuất hiện một mình, vẻ ngoài không giống với mô tả nghi phạm. Buggy mở vali đưa tiền cho anh ta. "Hãy tin tưởng và lên xe cùng tôi đi khoảng 10 phút để lấy chiếc cúp", Jackson nói.

Trên đường, qua gương chiếu hậu, Jackson nhận thấy một chiếc xe cũ đang bám đuôi. Nghi ngờ bị cảnh sát theo dõi, anh ta mở cửa nhảy ra khỏi xe, nhưng bị cảnh sát bắt ngay sau đó.

Tên thật của người đàn ông này là Edward Betchley, có tiền án trộm vặt, song anh ta tuyên bố mình vô tội. "Tôi không lấy cắp chiếc cúp", Betchley khai, giải thích được một người tên là Pole trả 500 USD để làm trung gian giao dịch. Cuối cùng, Edward Bletchley bị kết án 2 năm tù giam vì tội đe dọa, tống tiền.

Cảnh sát London không tìm thấy thêm manh mối nào về Pole. Trong khi đó, vì lo rằng sẽ không bao giờ tìm thấy chiếc cúp, FA đã cho chế tác một bản sao cúp Jules Rimet.

7 ngày sau vụ trộm, một người đàn ông tên David Corbett đang dắt chó đi dạo tại Norwood, South London thì chú chó Pickles phát hiện một gói hàng nằm dưới đất, bọc trong tờ báo.

mat cup
David Corbett và chú chó Pickles đã vô tình phát hiện chiếc cúp.

"Khi ấy, Quân đội cộng hòa Ailen (IRA) còn hoạt động, thoạt đầu tôi cứ nghĩ là bom. Sau đó, tôi tò mò mở ra thì vô cùng bất ngờ. Tôi vội vã về nhà thông báo với vợ rằng mình tìm thấy cúp World Cup", ông David nhớ lại.

Anh ta mang chiếc cúp tới đồn cảnh sát Gypsy Hill ở Crystal Palace. "Tôi chen vào, đặt chiếc cúp lên bàn. Song, viên cảnh sát nói trông chẳng giống chút nào", anh kể.

Lòng trung thực của David lại vô tình biến anh ta trở thành nghi phạm chính của vụ trộm trong con mắt của cảnh sát thành phố. "Tôi bị hơn 20 cảnh sát tra hỏi đến gần 3h sáng. Tôi nghĩ rằng lẽ ra mình nên mặc kệ chiếc cúp bên đường”, anh giải thích.

Cuộc điều tra cho thấy David không liên quan đến vụ án. Những bí ẩn xung quanh tung tích của bức tượng vẫn không được giải thích, song chỉ sau một đêm, David cùng chú chó Pickles bất ngờ trở thành những ngôi sao nổi tiếng và được thưởng gần 8.000 USD. Chiếc cúp được trả về cho FA và được bảo vệ cẩn mật.

Mùa hè năm đó, tuyển Anh khởi đầu giải đấu một cách tệ hại, nhưng kết thúc bằng chức vô địch World Cup đầu tiên và duy nhất cho đến nay. Sau trận chung kết, Nữ hoàng Elizabeth II đã trao chiếc cúp cho đội trưởng Bobby Moore.

yeu thuong con nhieu hon 1
Đội trưởng Bobby Moore nâng chiếc cúp Jules Rimet sau khi cùng tuyển Anh giành chức vô địch năm 1966. Ảnh: AFP.

Kẻ trộm cúp vẫn là một bí ẩn nhiều thập kỷ sau đó, cho đến khi Tom Pettifor, biên tập viên chuyên về mảng tội phạm của Mirror, tìm được manh mối năm 2017.

"Một ngày nọ, nguồn tin quen thuộc nói với tôi rằng họ biết ai đã trộm chiếc cúp", ông nhớ lại. Nguồn tin cho biết thủ phạm tên là "Sidney Kew", đến từ khu vực Đường Walworth ở Nam London.

Pettifor bắt đầu truy tìm Kew. Ông nghiên cứu hồ sơ lưu trữ của cảnh sát từ năm 1966 và cuối cùng xác định được Sidney Kew, tên đầy đủ là Sidney Cugullere, khớp với mô tả nghi phạm rời khỏi Hội trường Trung tâm Westminster.

Cugullere lớn lên trong nghèo khổ ở London rồi trở thành kẻ trộm và "bị bỏ tù trong phần lớn cuộc đời trưởng thành của mình". Gary, cháu trai người đàn ông này, xác nhận chú mình đã đánh cắp chiếc cúp năm 1966, nhưng ông đã qua đời vài năm trước.

Theo lời kể của người thân, ngày 20/3/1966, khi buổi triển lãm tại Hội trường Trung tâm Westminster đã đóng cửa, Cugullere đã tìm được cách lẻn vào bên trong và nhận thấy không ai bảo vệ chiếc cúp. Các nhân viên bảo vệ khi đó "ngồi trong một khu nhà phụ để uống trà". Cugullere chộp lấy chiếc cúp, giấu trong áo khoác và bước ra ngoài.

Cugullere sau đó không tìm được khách hàng nào chịu mua chiếc cúp, trong khi thỏa thuận với FA kết thúc trong thảm họa và khiến người bạn Betchley của ông ta bị bắt.

Pettidor nhận định rằng Cugullere có thể đã bí mật thỏa thuận với cảnh sát để trả lại chiếc cúp dưới hình thức "một phát hiện tình cờ" của chú chó Pickles, nhưng giới chức Anh không bình luận về giả thuyết này.

Câu chuyện vẫn chưa kết thúc tại đây. Sau khi Brazil vô địch World Cup lần thứ ba năm 1970, nước này được nhận cúp Jules Rimet vĩnh viễn và trưng bày trong tủ kính chống tên lửa, tại trụ sở của Liên đoàn Bóng đá Brazil ở Rio de Janeiro.

cup duoc trung trong tu
Cúp được trưng trong tủ chống tên lửa.

Tối 19-20/12/1983, một nhóm trộm bí mật tấn công tòa nhà. Sau khi khống chế được bảo vệ, bọn chúng phá tấm cửa khung gỗ, rồi vội vã mang bức tượng quý giá đi. Nhà chức trách nhanh chóng mở cuộc điều tra, ráo riết tìm thủ phạm với nỗi lo chiếc cúp sẽ bị nung tan chảy. Ngân hàng Nhà nước Rio de Janeiro đã treo phần thưởng khổng lồ cho người mang chiếc cúp trở lại an toàn.

Sau nhiều nỗ lực của cảnh sát và nhà chức trách, tung tích chiếc cúp đến nay vẫn là điều bí ẩn. Nó được cho là đã bị nung chảy và bán dưới dạng vàng thỏi. Hoặc "rất có thể nó đang nằm trong tủ trưng bày của một nhà sưu tầm nào đó", bình luận viên bóng đá Simon Kupe nhận định.

Ủy ban bóng đá Brazil đã đề nghị tạo ra bản sao cúp khác, do Eastman Kodak chế tác từ 1,8 kg vàng. Bản sao này đã được trình lên tổng thống Brazil năm 1984. Với các cổ động viên bóng đá Brazil, chiếc cúp vẫn sống mãi trong ký ức của họ, bởi người hâm mộ nơi đây luôn xem nó là biểu tượng cho sự vĩ đại của bóng đá nước này.

Chiếc cúp hiện tại được tạo ra do ý tưởng của họa sĩ người Ý, ông Silvio Gazzaniga, sau khi tác phẩm của ông đánh bại các đối thủ đến từ 17 quốc gia. Chiếc cúp cao 36,5 cm được làm từ 5 kg vàng 18 carat (tỷ lệ 75% vàng) với đế có đường kính 13 cm gồm hai lớp đá xanh (malachit). Chiếc cúp được yêu cầu làm rỗng; do nếu làm đặc, nó sẽ nặng tới 80 kg và quá nặng để có thể giương cao chiếc cúp.

Hai nghệ nhân Bertoni và Milano là người chế tác chiếc cúp từ bản vẽ của họa sĩ người Ý Silvio Gazzaniga. Với tổng khối lượng là 6,175 kg vàng, chiếc cúp có trị giá 200.000 USD.

VnExpress (Theo Washington Post)