Quốc đảo 50 năm vẫn được mệnh danh là thiên đường

Từ những năm 1970, du khách đến Maldives vì vẻ đẹp hoang sơ, chi phí sinh hoạt thấp, người dân hạnh phúc, không cần xin thị thực. Du lịch ở đây tiếp tục phát triển tới ngày nay.

Maldives 1
Maldives là đảo quốc ở Nam Á gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Ảnh: @chureeporn

“Một nơi lộng lẫy như thiên đường có thực sự tồn tại không?”, Dirk Brink, doanh nhân nổi tiếng và tín đồ du lịch, đặt câu hỏi trên South China Morning Post tháng 3/1976.

Ông cuối cùng đã tìm thấy quốc đảo không đánh thuế thu nhập, không có thuế thừa kế, không kiểm soát ngoại hối, không yêu cầu thị thực, không trộm cắp, không tệ nạn, không nghèo đói, không ô nhiễm nguồn nước, không ô nhiễm không khí và hầu như không có ôtô.

Đó là nơi có những người sùng đạo, hạnh phúc, hài lòng và hay cười. Bất kỳ ai cũng có thể đủ khả năng ở lại vì chi phí sinh hoạt rất thấp cùng lối sống đơn giản góp phần mang lại cuộc sống trường thọ. Ở đây, khách sạn đắt nhất tính phí 15 USD/ngày, bao gồm 3 bữa ăn.

“Đất nước này tồn tại và được gọi là Cộng hòa Maldives”, Brink nói.

Thiên đường biển đảo

Maldives hiện có thể thu hút hơn 1,5 triệu khách du lịch hàng năm. Nhưng khi Brink phát hiện quốc gia có gần 1.200 hòn đảo này, khu nghỉ dưỡng đầu tiên mới hoạt động được 3,5 năm.

Tháng 10/1972, Kurumba Village Resort được mở bởi George Corbin (người Italy) trên hòn đảo trồng dừa cũ Vihamanaafushi. 30 phòng được chia thành 3 dãy, với tường đá san hô, gỗ dừa, mái tranh và vòi hoa sen, kín lịch cho đến hết năm.

Hiện có tên Kurumba Maldives, khách sạn 180 phòng vẫn đang phát triển mạnh, chỉ cách sân bay Malé bận rộn 10 phút đi thuyền.

Bandos Island Resort mở cửa kinh doanh ngay sau Kurumba vào tháng 12/1972. Nhưng phải đến năm 1997, khi khách sạn Hilton mở chi nhánh ở Maldives, các thương hiệu quốc tế mới bắt đầu đổ xô đến quần đảo này.

Maldives 1
Một du khách đến Kurumba Village Resort ở Maldives trong những năm đầu thành lập. Ảnh: Kurumba Village Resort.

Với mô hình kinh doanh được thiết lập là hòn đảo/khu nghỉ dưỡng với những căn nhà gỗ trên mặt nước, có thể đến bằng tàu cao tốc hay thủy phi cơ, sự gia tăng vẫn tiếp tục.

Theo tạp chí Travel + Leisure, từ năm 2018 đến 2021, gần 50 khu nghỉ dưỡng mới được khai trương ở Maldives. Tốc độ tăng trưởng đó hiện được coi là khá điển hình ở Maldives. 11 khu nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt động trong năm 2016, khoảng 15 khách sạn mở trong năm 2017.

Hầu hết tính toán đưa ra số lượng đảo nghỉ dưỡng hiện tại ở Maldives là hơn 160.

Theo cách nào đó, với vị trí địa lý của quốc gia (1.192 hòn đảo san hô trải rộng trên 90.000 km2 biển), một phần của sự cô lập lộng lẫy khiến Brink mê mẩn gần nửa thế kỷ trước vẫn có thể được tìm thấy.

Điều thú vị là khi Brink đến thăm Maldives vào năm 1976, sức khỏe của du khách đến, giống như trong dịch Covid-19, là vấn đề được đặt lên hàng đầu.

“Khi hạ cánh ở sân bay trên đảo Hulhule, chỉ có một người duy nhất là nhân viên y tế quan tâm đến việc đảm bảo rằng khách du lịch khỏe mạnh. Không ai hỏi về hộ chiếu và thị thực của tôi. Khi tôi yêu cầu đóng dấu vào hộ chiếu để chứng minh rằng tôi từng đến Maldives, họ nói không có con dấu đó”, ông kể.

Dù không có nhiều sự lựa chọn, Brink kết luận rằng: “Hòn đảo khách sạn tốt nhất là Bandos, nhưng họ chủ yếu phục vụ cho những người lớn tuổi thích mọi thứ thật yên tĩnh. Khách sạn nổi tiếng hơn là Kurumba Village Hotel. Nơi này luôn kín chỗ và có tiệc khiêu vũ vào cuối tuần”.

Khi đó, chi phí một đêm ở Bandos là 15 USD/ngày, bao gồm 3 bữa ăn chính và Kurumba Village có giá 14 USD. Chi phí được tính khi 2 người ở trong một phòng và nếu muốn ở một mình, du khách sẽ phải trả gấp đôi số tiền.

“Cách kết nối duy nhất với thế giới bên ngoài là bằng đường hàng không hoặc cáp”.

Maldives 1
Những căn nhà gỗ và spa trên mặt nước tại khu nghỉ dưỡng Conrad Maldives Rangali Island, được mở ra với tên gọi Hilton Maldives, vào năm 1997. Đây khu nghỉ dưỡng quốc tế đầu tiên của đảo quốc Nam Á này. Ảnh: Conrad Maldives Rangali Island.

Khi Brink đến đây, khách du lịch phải bay đến Maldives từ Colombo (Sri Lanka). Tuy nhiên, chính quyền quy định người đến bằng chuyến bay thuê riêng phải lưu trú 7 ngày trong khách sạn ở Colombo. Họ có thể dễ dàng ra ngoài vào hôm sau, nhưng 7 ngày ở khách sạn phải được thanh toán.

Nhận xét về tương lai của ngành du lịch ở Maldives, Brink viết: “Khi bất kỳ ai muốn xây dựng một khách sạn, anh ta có thể thuê cả hòn đảo, nhưng chỉ có thể phát triển một nửa diện tích vì nửa còn lại phải được bảo tồn trong môi trường tự nhiên. Điều này khiến cho hòn đảo giữ được nét quyến rũ và lãng mạn”.

Theo Brink, người Maldives nhận thức được rằng cuối cùng việc du khách quốc tế đổ xô đến là điều không thể tránh khỏi. Ông trích lời một quản lý khách sạn mình từng gặp: “Trong trường hợp đó, chúng tôi sẽ thu dọn đồ đạc và chuyển đến một hòn đảo khác. Chúng tôi có tới 2.000 hòn đảo”.

Theo Zing