Cựu đặc vụ hé lộ cách tình báo Israel ám sát mục tiêu

Tình báo Israel nghiên cứu kỹ mọi thông tin về người cần ám sát và thường chọn thời cơ ra tay khi mục tiêu rời khỏi nhà hay nơi làm việc.

Vụ chuyên gia hạt nhân hàng đầu Iran Mohsen Fakhrizadeh bị ám sát giữa ban ngày tại thủ đô Tehran hôm 27/11 đã khiến dư luận một lần nữa chú ý vào Mossad, cơ quan tình báo chuyên thực hiện các vụ ám sát ở nước ngoài của Israel. Giới chức Iran cũng cáo buộc Israel đã tiến hành vụ ám sát này theo yêu cầu từ phía Mỹ.

Chính quyền Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đến nay chưa thừa nhận cũng không bác bỏ cáo buộc nhắm vào mình trong vụ hạ sát Fakhrizadeh. Tuy nhiên, Kênh 12 của Israel hôm 4/12 đã tiến hành cuộc phỏng vấn với hai cựu đặc vụ Mossad và một chuyên gia hàng đầu về tình báo nước này để tìm hiểu về phương thức tiến hành các điệp vụ ám sát ở nước ngoài.

Trong cuộc phỏng vấn, tiến sĩ Ronen Bergman, nhà báo điều tra và là chuyên gia về lực lượng tình báo Mossad, cho biết khởi đầu của mọi chiến dịch ám sát đều là khâu lên kế hoạch. Đây là một quá trình rất khó khăn bởi liên quan đến bộ máy hành chính quan liêu, có thể diễn ra trong nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng.

"Trước khi lên kế hoạch, nhiệm vụ của Mossad là thu thập mọi thông tin có thể về mục tiêu để tạo cớ ám sát, như có hành vi khủng bố hoặc tham gia chế tạo vũ khí hạt nhân. Sau đó, họ cần hoàn thiện một hồ sơ khác để triển khai điệp vụ", tiến sĩ Bergman nói. "Các thông tin này gồm thói quen hàng ngày của mục tiêu là gì, người này đi cùng ai, có vệ sĩ hay không, sử dụng loại xe gì và có bọc thép hay không".

Victor Ostrovsky, cựu đặc vụ Mossad, xác nhận "ám sát là một trong những chiến dịch phức tạp nhất" mà cơ quan tình báo này thực hiện, bởi đòi hỏi bên tiến hành "kết hợp nhiều nhân tố vốn không thể liên hệ với nhau".

cuudacvu

Hiện trường vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh gần thủ đô Tehran, Iran, ngày 27/11. Ảnh: AFP.

"Sẽ có một người chỉ huy phụ trách một hoặc nhiều sát thủ. Ngoài ra còn các đặc tình chuyên thu thập thông tin, song họ không biết thông tin này được dùng để làm gì. Không ai muốn xảy ra tình huống một người sa lưới và toàn bộ đường dây sụp đổ theo hiệu ứng domino", Ostrovsky nói.

Ram Ben-Barak, cựu phó giám đốc Mossad, cho biết việc lập kế hoạch ám sát đòi hỏi "phối hợp giữa nhiều lực lượng, bộ phận hậu cần và quan trọng nhất là nguồn tin tình báo đáng tin cậy".

Theo Ben-Barak, một chiến dịch ám sát, như vụ nhắm vào chuyên gia hạt nhân Iran Fakhrizadeh, thường sẽ có vài trăm người tham gia lên kế hoạch và biết được thông tin.

Các sát thủ của Mossad thường không tìm cách dụ mục tiêu vào một địa điểm định trước, thay vào đó họ ra tay khi mục tiêu rời khỏi nhà hay văn phòng theo lịch trình hàng ngày.

"Mục tiêu đi theo lộ trình, làm những việc thường làm hay mua sắm thứ gì đó", Bergman nói và nhắc lại vụ ám sát thủ lĩnh nhóm vũ trang Hồi giáo Palestine Fathi Shakaki tháng 10/1995. Shakaki bị bắn chết trước một khách sạn ở Malta sau khi đi mua quần áo.

Ben-Barak cho biết Mossad còn sử dụng mỹ nhân kế để ám sát các mục tiêu nam giới. "Anh hùng thường khó qua ải mỹ nhân. Dù người phụ nữ đang tán tỉnh mình không có mối liên hệ nào, người đàn ông không bao giờ nghĩ 'có điều gì đó không ổn'. Anh ta sẽ thấy tự hào và để mặc điều đó xảy ra và chúng ta lợi dụng điều đó khi cần", cựu phó giám đốc Mossad nói.

Tiến sĩ Bergman cho rằng trong các chiến dịch ám sát trước đây, Mossad luôn "nỗ lực hết sức để đảm bảo không xảy ra thương vong cho dân thường". Tuy nhiên, một số tổ chức nhân quyền như B’Tselem bác thông tin này, cho rằng ít nhất 153 dân thường thiệt mạng và nhiều người bị thương trong các vụ ám sát có chủ đích của Israel nhằm vào 234 tay súng Palestine.

Bergman nhận định việc ám sát một chuyên gia hạt nhân như Fakhrizadeh "khó khăn hơn nhiều" về phương diện đạo đức do "ông ta chưa sát hại ai cả". "Ngoài ra, ông ta không phải kẻ vô danh tiểu tốt mà là người đứng đầu một hệ thống", Bergman nói. "Cựu giám đốc Mossad Meir Dagan luôn nói về tầm quan trọng của các vụ ám sát và quy tắc 'cá nhân nào cũng có thể thay thế được' không phải khi nào cũng đúng".

Cựu đặc vụ Ostrovsky thì cho rằng việc ám sát người như Fakhrizadeh "không có gì sai". "Việc nói rằng bàn tay của người xây dựng quy trình chế tạo bom nguyên tử không vấy máu là hoàn toàn sai", Ostrovsky nói. "Một người như vậy có khả năng gây ra nhiều cái chết".

Ben-Barak đồng tình với quan điểm của Ostrovsky, nói rằng "những ai đang chế tạo những thứ bị cấm cần biết rằng họ có thể trở thành mục tiêu".

cuudacvu1

Ô tô của các nhà khoa học hạt nhân bị ám sát được Iran trưng bày năm 2012. Ảnh: AP.

Giới chức Israel nhiều lần tuyên bố Fakhrizadeh đứng đầu chương trình phát triển vũ khí hạt nhân tuyệt mật của Iran. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hồi năm 2018 nói cộng đồng quốc tế hãy "nhớ lấy cái tên Fakhrizadeh" trong phát biểu nhằm thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Tuy nhiên, giới chức Iran bác cáo buộc của Israel về chương trình hạt nhân, khẳng định nó chỉ phục vụ mục đích dân sự. Iran cho rằng Israel là quốc gia Trung Đông duy nhất sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ít nhất 5 chuyên gia liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran bị ám sát trong 10 năm qua, tất cả đều được cho là do đặc vụ Israel thực hiện. Các vụ ám sát thường diễn theo một phương thức chung, khi chuyên gia Iran trên đường đi làm hoặc trở về nhà.

Vụ ám sát chuyên gia Fakhrizadeh hôm 27/11 còn nhiều điểm chưa rõ ràng, khi truyền thông và giới chức Iran đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau, thậm chí cho rằng nhà khoa học này bị hạ sát bằng súng điều khiển từ xa. Israel chưa bình luận về vụ ám sát, song đại sứ Israel tại Nga Ben Zvi hôm 2/12 phàn nàn rằng nước này "luôn bị đổ lỗi mỗi khi có chuyện tồi tệ xảy ra ở Iran".

Viethome (Theo VNExpress)