Hàng Việt đang đứng trước cơ hội "vàng" để tiến bước vào thị trường Anh. Tuy nhiên, đây là khách hàng rất khó tính, tạo ra nhiều thử thách đối với doanh nghiệp xuất khẩu.
Cơ hội gần kề: Xóa bỏ 94,4% số dòng thuế ngay khi CPTPP có hiệu lực
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh (kiêm nhiệm Ailen), doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam có nhiều cơ hội tại thị trường Anh nhờ cơ sở ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trên thực tế, từ khi Hiệp định UKVFTA có hiệu lực năm 2022, quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước đã có chuyển biến tích cực, Việt Nam luôn xuất siêu vào thị trường này. Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết trong nhiều năm qua, các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu ở thị trường Anh là hàng nông nghiệp, gạo, rau củ quả, thủy sản, dệt may, da giày; trong khi đó Việt Nam chủ yếu nhập máy móc thiết bị nên không là đối thủ cạnh tranh.
Việt Nam tăng cường xúc tiến thương mại mặt hàng nông sản Việt Nam sang thị trường Anh.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, quý đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 2,07 tỷ USD, tăng 31,3% so cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 1,72 tỷ USD (tăng 40,4% so cùng kỳ 2023). Giá trị xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Anh đạt hơn 1,9 tỷ USD, tăng 35,3% so cùng kỳ năm 2023.
Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đều tăng khá, dẫn đầu là cao su +205,9%; điện dây cáp điện 103,5%; sản phẩm sắt thép +99%; máy móc thiết bị dụng cụ 96,3%, Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 92.7%; cà phê 88,4%; sản phẩm gốm sứ 59%; bánh kẹo ngũ cốc 53,4%; đồ chơi dụng cụ thể thao 45%.
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng với cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người cũng là điều kiện thuận lợi cho hàng hóa Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào thị trường này.
Khảo sát thị trường Anh cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: cao su, dây điện và dây cáp điện; điện thoại và linh kiện các loại, cà phê, bánh kẹo ngũ cốc, gốm sứ, rau quả thực phẩm, giày da, gạo… sang Anh quốc. Gần đây, Anh có xu thế tăng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng trên.
Đáng chú ý, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên mới đây đã chỉ rõ những điểm nổi bật về cam kết của Vương quốc Anh trong văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam, với những cam kết có mức ưu đãi cao hơn hẳn so với Hiệp định UKVFTA.
Trong đó, đặc biệt, Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%).
Do đó, nhiều chuyên gia khẳng định việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPPTP của Anh tại Kỳ họp thứ 7 sẽ góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trong hợp tác với Anh và hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiềm năng này. Đồng thời góp phần tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
Hàng nông sản đón cơ hội lớn nhất
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu, những mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... sẽ được hưởng nhiều lợi thế nhất từ những cam kết của Anh khi CPTPP được thông qua.
Đơn cử như mặt hàng gạo, trong khuôn khổ CPTPP, Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.
Hay mặt hàng cá ngừ cũng được Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.
Hơn thế nữa, Anh chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Điều này thuận lợi cho Việt Nam trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, nhất là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thuận lợi, hàng hóa Việt Nam cũng gặp những khó khăn tại thị trường Anh do nhiều yếu tố tác động.
Đầu tiên phải kể đến Anh là những thị trường rất khó tính và thay đổi chính sách liên tục, tạo ra thử thách đối với các doanh nghiệp cũng như mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Do đó, cơ quan quản lý tăng cường dự báo thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nguồn nhân lực để tận dụng hiệu quả những cam kết về mở cửa thị trường.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa nhằm tạo điều kiện về vốn cho doanh nghiệp tiếp tục tận dụng thời cơ, lợi thế để chuyển đổi công nghệ. Đồng thời tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.
Chính phủ làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng pháp luật, thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Chính phủ cần có gói hỗ trợ cho doanh nghiệp để thực hiện chuyển đổi xanh, thân thiện với môi trường, tăng năng lực sản xuất, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa...
Song song với đó, các địa phương, doanh nghiệp cần chủ động có chiến lược nâng cao chất lượng sản phẩm và tăng cường chuyển đổi về công nghệ nhanh để vừa đáp ứng các yêu cầu của thị trường nhập khẩu, vừa gia tăng giá trị sản phẩm.
Theo Nhịp sống Việt