Johnson & Johnson dừng bán phấn rôm trẻ em có bột talc trên toàn cầu

Hãng Johnson & Johnson thông báo sẽ ngừng bán phấn rôm trẻ em Baby Powder sử dụng bột talc trên toàn cầu vào năm 2023 sau khi có hàng nghìn đơn kiện của người tiêu dùng vì vấn đề an toàn.

Hãng dược phẩm Johnson & Johnson vừa có thông báo vào ngày 11/8, cho biết, hãng sẽ dừng bán phấn rôm trẻ em được sản xuất từ bột talc trên toàn cầu vào năm 2023, sau khi có hàng nghìn đơn kiện của người tiêu dùng vì vấn đề an toàn.

Theo thông báo này, Johnson & Johnson quyết định chuyển sang chỉ sản xuất toàn bộ phấn rôm của trẻ em từ tinh bột ngô, sản phẩm đã được bán tại một số nước, trong quá trình đánh giá lại danh mục sản phẩm trên toàn cầu.

Hãng Johnson & Johnson thông báo sẽ ngừng bán phấn rôm trẻ em Baby Powder trên toàn cầu vào năm 2023 (Ảnh: New York Post)

Trước đó, vào năm 2020, Johnson & Johnson từng thông báo dừng bán phấn rôm được sản xuất từ bột talc tại Mỹ và Canada do nhu cầu về sản phẩm này tại Bắc Mỹ giảm mà nguyên nhân là do thói quen của người tiêu dùng thay đổi và do thông tin sai lệch về độ an toàn của sản phẩm này.

Bên cạnh đó, Johnson & Johnson cũng phải đối diện với khoảng 38.000 vụ kiện từ người tiêu dùng ở Mỹ liên quan đến cáo buộc sản phẩm phấn rôm từ bột talc của Johnson & Johnson gây ung thư do có chứa asbesto, một tác nhân gây ung thư.

Tuy nhiên, Johnson & Johnson đã bác bỏ các cáo buộc và khẳng định các thử nghiệm khoa học trong nhiều thập niên và sự phê chuẩn của các nhà chức trách cho thấy sản phẩm phấn Johnson’s Baby Powder với thành phần bột talc là an toàn và không chứa asbesto.

Năm 2018, một tòa án Mỹ đã ra phán quyết buộc Johnson & Johnson bồi thường 4,7 tỷ USD cho 22 phụ nữ vì sản phẩm của bột talc của hãng khiến họ bị ung thư buồng trứng. 

Bài liên quan: Johnson & Johnson biết phấn rôm của họ chứa chất gây ung thư từ lâu

Vào năm 2018, hãng tin Reuters đã công bố thông tin chấn động khai thác từ những tài liệu nội bộ của J&J cho thấy từ lâu hãng này đã biết trong sản phẩm phấn rôm trẻ em của họ có chứa chất amiăng (asbestos).

Hãng tin Reuters trích dẫn các tài liệu nội bộ như các bản ghi nhớ của công ty, báo cáo nội bộ và nhiều tài liệu mật khác liên quan tới vụ kiện của các nguyên đơn cáo buộc sản phẩm của J&J gây bệnh ung thư buồng trứng.

Ngoài ra hãng tin này cũng phanh phui chuyện J&J đã chi "hoa hồng", trả tiền cho các nghiên cứu được thực hiện với chuỗi sản phẩm phấn rôm trẻ em Baby Powder của họ rồi thuê người soạn lại các bài báo để đăng tải trên tạp chí nghiên cứu.

Theo đó Reuters cho biết những tài liệu đã chỉ ra các phòng thí nghiệm tư vấn cho J&J ngay từ đầu những năm 1957 và 1958 đã phát hiện chất amiăng, một chất gây ung thư, có trong bột phấn rôm trẻ em của J&J. Tuy nhiên J&J đã không công khai thông tin này.

Năm 1976, hãng J&J khẳng định với Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm (FDA) của Mỹ không có chất amiăng trong "bất cứ mẫu sản phẩm" phấn rôm trẻ em nào thuộc giai đoạn từ tháng 12-1972 đến tháng 10-1973.

Tuy nhiên đã có ít nhất 3 thí nghiệm của 3 đơn vị thực hiện khác nhau trong giai đoạn 1972-1975 tìm thấy chất amiăng trong bột phấn trẻ em của J&J.

Các thông báo của chính công ty này và các phòng thí nghiệm bên ngoài khác cũng đã cho thấy các phát hiện tương tự này trong suốt giai đoạn đầu những năm 2000.

Trước thông tin của Reuters, hãng J&J phản đối dữ dội, nói thông tin của Reuters là "một chiều, sai trái và có tính kích động". Công ty cũng khẳng định phấn rôm của họ hoàn toàn không có chất amiăng và sẽ tiếp tục bảo vệ quan điểm sản phẩm của họ an toàn.

Trong thông báo công ty phát đi ngày 14-12-2018, J&J khẳng định "hàng ngàn các cuộc kiểm tra độc lập của các cơ quan quản lý và các phòng thí nghiệm hàng đầu thế giới đã chứng minh phấn rôm trẻ em của chúng tôi chưa bao giờ chứa chất amiăng".

Theo đài Aljazeera, cho tới nay J&J đã và đang đối mặt với hàng chục ngàn vụ kiện cáo buộc sản phẩm phấn rôm trẻ em (Baby Powder) và sữa tắm (Shower to Shower) của họ gây ung thư buồng trứng.

Theo Vietnamnet