Anh cấm đăng tải các review ảo để bảo vệ người tiêu dùng

Chính phủ sẽ cấm người sử dụng đưa ra các review ảo và giúp người tiêu dùng hủy các dịch vụ đăng ký không mong muốn theo gói các biện pháp chống lừa đảo trên mạng.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ bị cấm trả tiền cho người dùng viết review ảo cho sản phẩm hoặc dịch vụ, và các trang web lưu trữ review của người tiêu dùng sẽ phải thực hiện các bước cần thiết để kiểm tra độ chân thật.

Cũng sẽ có các quy định mới rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp để giúp khách hàng dễ dàng tránh được “bẫy đăng ký” - mắc kẹt và không thể hủy dịch vụ không mong muốn.

Các công ty sẽ cần nhắc nhở khách hàng khi bản dùng thử miễn phí hoặc ưu đãi giới thiệu sắp kết thúc, cảnh báo trước khi hợp đồng tự động gia hạn và phải cho phép người dùng hủy dịch vụ nhanh chóng.

Để bảo vệ người tiêu dùng, chính phủ sẽ trao cho cơ quan giám sát Cạnh tranh nhiều quyền hạn hơn để giải quyết các hành vi gian lận và kinh doanh kém - bao gồm quyền phạt các công ty.

Nếu các kế hoạch được thông qua, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường sẽ có thể trực tiếp thực thi luật bảo vệ người tiêu dùng và có quyền phạt các doanh nghiệp lên đến 10% doanh thu toàn cầu.

Trước đây, người tiêu dùng phải đem khiếu nại tới tòa án, dẫn đến quá trình giải quyết kéo dài.

27cusẢnh minh họa

Vào thời điểm nhiều người đang cắt giảm các khoản chi tiêu không cần thiết do cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, chính phủ ước tính một hộ gia đình ở Anh trung bình chi khoảng 900 bảng mỗi năm do các bài đánh giá trên mạng, và 60 bảng cho các dịch vụ không mong muốn.

Bộ trưởng Bộ tiêu dùng Paul Scully cho biết: “Khách hàng sẽ không phải ghé thăm một nhà hàng được đánh giá 5 sao để rồi nhận được món lasagne cháy hoặc đăng ký một dịch vụ không mong muốn. Người tiêu dùng xứng đáng nhận được điều tốt hơn, và phần lớn các doanh nghiệp đang làm điều đúng đắn cũng xứng đáng được bảo vệ khỏi những kẻ lừa đảo phá hoại họ”.

Chính phủ đã ghi nhận thực tế rằng các biện pháp cũng sẽ bảo vệ nhiều hơn cho những người sử dụng các dịch vụ trả trước như câu lạc bộ tiết kiệm - nơi mọi người để dành tiền cho Giáng sinh hoặc trả cho các khoản khác, trong suốt một năm.

Khi công ty kinh doanh Giáng sinh Farepak sụp đổ vào năm 2006, hơn 100,000 người không thể sử dụng số tiền họ tiết kiệm được, làm dấy lên lời kêu gọi cần có thêm sự bảo vệ cho người tiêu dùng sử dụng các chương trình này.

Số tiền người dùng gửi vào câu lạc bộ tiết kiệm không được bảo vệ bởi Chương trình Bồi thường Dịch vụ Tài chính Anh, không giống như tiền mặt được gửi vào tài khoản vãng lai và tài khoản tiết kiệm.

Chính phủ cho biết đại dịch đã thúc đẩy sự bùng nổ trong mua sắm trực tuyến, và làm nổi bật những hành vi xấu như review ảo.

Viethome (Theo Guardian)