Cuộc đời người phụ nữ xấu nhất nước Anh

Sau khi mắc chứng to đầu chi hiếm gặp, Mary Ann Bevan từ một phụ nữ bình thường trở nên xấu xí, phải kiếm sống bằng chính vẻ ngoài của mình.

Mary Ann Webster sinh ngày 20/12/1874 trong một gia đình đông con ở vùng ngoại ô phía đông thủ đô London, Anh. Thời thơ ấu, cô hoàn toàn bình thường, không khác gì các anh chị em của mình. Năm 1894, cô trở thành y tá và sau đó kết hôn với Thomas Bevan vào năm 1903.

Mary Ann Bevan 1
"Người phụ nữ xấu nhất thế giới" Mary Ann Bevan. Ảnh: Wikimedia Commons.

Gia đình Bevan có một cuộc sống hạnh phúc và đủ đầy. Họ sinh được hai con trai và hai con gái, tất cả đều khỏe mạnh. Nhưng vào năm 1914, Thomas đột ngột qua đời, để lại vợ và 4 người con đang tuổi ăn tuổi lớn với khoản thu nhập ít ỏi. Không lâu sau, cô bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của chứng to đầu chi, hội chứng rối loạn do tuyến yên sản xuất quá mức hormone tăng trưởng.

Ngày nay, bệnh to đầu chi có thể được chữa trị nếu phát hiện sớm. Nhưng ở thời của Bevan vào những năm đầu thế kỷ 20, y học còn hạn chế nên cô không có cách nào chữa khỏi hay ngăn chặn căn bệnh phát triển. Sau cùng, các đặc điểm của Bevan đã thay đổi đến mức khó nhận ra.

Do bệnh, bàn tay và bàn chân bình thường của Bevan phát triển không theo bất kỳ tỷ lệ nào, trán và hàm dưới của cô lồi ra ngoài, mũi to ra trông thấy. Vẻ ngoài thay đổi khiến cô không thể tìm được công ăn việc làm ổn định, buộc Bevan phải chạy việc vặt, chấp nhận thu nhập không ổn định để nuôi gia đình.

Căn bệnh khiến vẻ ngoài của cô bị biến dạng vĩnh viễn. Những người ác ý thậm chí còn nói rằng việc duy nhất Bevan thích hợp là "tham gia vào cuộc thi phụ nữ xấu xí".

Nhưng những lời gièm pha này lại mở ra cánh cửa cơ hội cho Bevan. Cô quyết định tham gia cuộc thi "người phụ nữ xấu xí nhất thế giới" và đánh bại 250 đối thủ để giành danh hiệu cao nhất.

Chiến thắng của Bevan khiến cô được những người tổ chức biểu diễn tại hội chợ chú ý. Bác sĩ nói với Bevan rằng tình trạng bệnh sẽ chỉ xấu đi, vì thế cô quyết định tận dụng nó vì lợi ích của các con mình. Cô bắt đầu xuất hiện nhiều hơn như một "người khác thường" tại các chương trình biểu diễn hội chợ trên khắp nước Anh.

Năm 1920, Bevan đọc được đoạn quảng cáo do gánh xiếc Barnum and Bailey đăng trên một tờ báo của London với nội dung: "Cần tìm: Người phụ nữ xấu nhất. Đảm bảo thu nhập tốt và công việc lâu dài cho ứng viên được nhận. Hãy gửi một bức ảnh mới chụp gần đây". Bevan gửi ảnh cho họ và lập tức được nhận vì cô "có gương mặt xấu xí nhưng không gây khó chịu".

Bevan được mời tham gia một buổi trình diễn tại công viên giải trí Dreamland trên Đảo Coney, New York, Mỹ, lúc bấy giờ là một trong những địa điểm lớn nhất thế giới dành cho những người biểu diễn kỳ quái.

Nơi này là đứa con tinh thần của thượng nghị sĩ William H. Reynolds và nhà quảng bá Samuel W. Gumpertz, một trong những người tổ chức chương trình quái dị nổi tiếng nhất thế giới, người sau này hợp tác với cả "vua ảo thuật" Harry Houdini.

Bevan diễu hành cùng các nghệ sĩ kỳ quái nổi tiếng khác như Lionel, người đàn ông có khuôn mặt sư tử, Zip Pinhead, người đàn ông đầu nhọn, hay Jean Carroll, người phụ nữ xăm kín thân.

Những vị khách đến thăm Dreamland thoải mái ngắm nhìn vẻ ngoài kỳ lạ của Bevan. Dù không quen, cô vẫn bình tĩnh đối mặt với những ánh nhìn tò mò, hiếu kỳ từ hàng nghìn gương mặt xa lạ.

Cô thậm chí còn bán cả những tấm bưu thiếp in chân dung của mình để kiếm tiền nuôi sống gia đình và cho con cái đi học.

Mary Ann Bevan 1
Bưu thiếp in hình Mary Ann Bevan. Ảnh: American Philosophical Society 

Nhiều năm trôi qua, Mary Ann Bevan vẫn tiếp tục được đám đông quan tâm, giúp cô kiếm đủ tiền chu cấp cho các con. Chỉ trong hai năm biểu diễn ở New York, Mỹ, cô kiếm được 20.000 bảng Anh, tương đương 1,6 triệu USD theo thời giá hiện nay.

Dù bận rộn, cô cũng có thời gian để tìm kiếm tình yêu. Khi tham gia biểu diễn tại Madison Square Garden ở New York vào năm 1929, cô hẹn hò với Andrew, một người nuôi hươu cao cổ.

Bevan từng thử đi làm đẹp tại một cửa tiệm ở New York, nơi các nhân viên làm móng, duỗi tóc và trang điểm cho cô. Tuy nhiên, một số người nhận xét một cách phũ phàng rằng "phấn son không dành cho Mary Ann". Bản thân cô khi nhìn thấy mình trong gương cũng thở dài và nói rằng: "Tôi nghĩ mình sẽ trở lại làm việc".

Bevan tiếp tục làm việc tại Đảo Coney trong những năm tiếp theo, cho đến khi trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 59 vào ngày 26/12/1933. Cô được đưa về quê hương để tổ chức lễ tang và chôn cất tại nghĩa trang Brockley and Ladywell ở phía đông nam London.

VnExpress (theo ATI)