Đại bàng khổng lồ lần đầu sải cánh ở nước Anh sau hàng thế kỷ

Những con đại bàng đuôi trắng với sải cánh dài tới 2,4 mét lần đầu tiên bay qua nước Anh kể từ năm 1780, trong bối cảnh quốc gia này trở nên yên bình do lệnh phong toả chống virus.

Theo BBC, thiết bị theo dõi được gắn vào các con đại bàng cho thấy chúng đã bay quãng đường lên tới 160 km trên bộ. Cá biệt có một con đã bay tới 427 km trên vùng biển phía nam nước Anh trước khi trở lại đất liền.

Những con đại bàng này là 4 trong số 6 cá thể được tái thả vào thiên nhiên trong chương trình bảo tồn kéo dài 5 năm của Quỹ Động vật Hoang dã Roy Dennis. Một con trong số này đã chết và có một con khác mất tích.

Một phát ngôn viên của quỹ cho biết: "Nếu bạn may mắn nhìn thấy một con đại bàng đuôi trắng trên mái nhà hoặc trong vườn của bạn thì xin vui lòng báo với chúng tôi, nhưng xin vui lòng nhớ ở trong nhà vào lúc này".

dai bang anh quoc
Đại bàng đuôi trắng có sải cánh dài tới 2,4 mét và từng thống trị bầu trời nước Anh. Ảnh: Getty.

Còn được gọi là đại bàng biển, đại bàng đuôi trắng là loài chim săn mồi lớn nhất của Vương quốc Anh, với sải cánh dài tới 2,4 mét và con mồi chủ yếu là cá và chim nước.

Dự án của Quỹ Roy Dennis sẽ đưa vào tự nhiên khoảng 6 con đại bàng mỗi năm, nhưng chúng sẽ không sinh sản cho tới khi đạt đủ tuổi để lập gia đình vào năm 2024.

Từng thống trị bầu trời nước Anh, nhưng đại bàng đuôi trắng đã bị xoá sổ vào khoảng một thế kỷ trước. Lần cuối người ta thấy một cặp đại bàng ở quốc gia này là đã từ năm 1780.

Những con vật này được biết đến là "kẻ săn mồi ngồi chờ" vì chúng thích chờ đợi và quan sát con mồi hơn là bay quãng đường dài để kiếm thức ăn, giúp chúng tiết kiệm năng lượng quý giá.

Ông Roy Dennis, người sáng lập quỹ cho biết: "Tôi đã dành phần lớn cuộc đời của mình để tái thả những con chim tuyệt vời này và vì vậy xem chúng bay trên bầu trời của đảo Wright là một khoảnh khắc vô cùng đặc biệt".

"Việc thành lập một quần thể đại bàng đuôi trắng ở miền nam nước Anh sẽ liên kết và hỗ trợ các quần thể mới của loài này ở Hà Lan, Pháp và Ireland, với mục đích khôi phục loài tới nửa phía nam của châu Âu", ông Dennis nói thêm.

Zing (theo BBC)