Tại sao gà tây là món ăn không thể thiếu trong dịp lễ ở Anh?

Trước đây, ngỗng là món ăn phổ biến của người Anh trong dịp Giáng sinh. Nhưng ngỗng là loài khó nuôi, giá lại đắt đỏ nên mọi người dùng gà tây thay thế.

Trong đêm giáng sinh, gà tây được bày giữa bàn tiệc thường nặng khoảng 4,5 kg. Hương vị thơm ngon, thịt béo ngậy đậm đà, lại có màu sắc rực rỡ trên bàn tiệc nên người Anh quyết định chuyển hẳn từ ngỗng sang gà tây.

Gà tây là một trong những món ăn chính được phục vụ trong tiệc Giáng sinh do Hoàng tử xứ Wales tổ chức năm 1875. Vào đầu thế kỷ XX, gà tây đã trở thành ‘hoa hậu’ bàn tiệc và truyền thống vẫn tiếp tục cho đến ngày nay. Đầu bếp cá nhân của nữ hoàng sẽ nấu bữa tối hàng năm cho gia đình.

Cựu đầu bếp hoàng gia – Darren McGrady nói rằng các bữa ăn hàng năm cực kỳ nhàm chán. Họ không làm giăm bông hay thêm bất cứ thứ gì, chỉ là gà tây truyền thống.

Dù nổi tiếng, gà tây không phải là món phổ biến ở mọi quốc gia. Món ăn này chủ yếu được tiêu thụ trong dịp Giáng sinh ở Anh, Mỹ, Canada. Người Bồ Đào Nha thích hải sản và cá tuyết; người Đức thường ăn thịt lợn rừng; Thụy Điển có trứng cá muối, cua, cá nấu chín và cá sống, Mexico ăn món hầm birria, menudo, romeritos; Ý luôn có bánh nho khô tráng miệng panettone…

Ở Mỹ, người dân luôn chuẩn bị gà tây vào lễ Tạ ơn – Thanksgiving Day. Ngày lễ Tạ ơn là một kỳ nghỉ hàng năm ở Mỹ kể từ năm 1863 (ngày nay, đây là dịp nghỉ lễ chính thức cho tất cả người lao động theo luật định tại Mỹ và Canada). Ngày lễ Tạ ơn đầu tiên được cho là diễn ra vào năm 1623 để cảm ơn cơn mưa đã kết thúc đợt hạn hán. George Washington, vị Tổng thống đầu tiên của Mỹ đã tuyên bố ngày lễ Tạ ơn trở thành một ngày lễ chính thức của Mỹ vào năm 1789.

Cho đến bây giờ, người dân vẫn ăn mừng lễ Tạ ơn như một ngày mừng thu hoạch được mùa và tạ ơn Thiên Chúa đã cho con người cuộc sống no đủ và an lành. Ngày này còn được ví von như là ngày chết của những con gà tây. Bởi vì gà tây là thực phẩm không thể thiếu trong ngày lễ Tạ ơn. Kết thúc lễ tạ ơn, gà tây sẽ là món ăn chủ đạo trong những ngày nghỉ đông của người Mỹ.


Tổng thống Trump đọc lệnh ân xá gà tây hôm 26/11 (ảnh cắt từ Youtube)

Gà Tây trở thành món ăn nổi tiếng khi được nhà văn Anh Charles Dickens đưa vào tác phẩm kinh điển “A Christmas Carol” xuất bản năm 1843. Dickens đã viết “A Christmas Carol” trong khoảng thời gian người Anh đang khám phá và đánh giá lại các truyền thống Giáng sinh trong quá khứ, bao gồm các bài hát mừng và các phong tục mới hơn như cây Giáng sinh. Ông bị ảnh hưởng bởi những trải nghiệm của tuổi trẻ của chính mình và bởi những câu chuyện Giáng sinh của các tác giả khác.

“A Christmas Carol” được xuất bản lần đầu tiên ở London bởi Chapman & Hall và được minh họa bởi John Leech. Câu chuyện kể về Ebenezer Scrooge, một người khốn khổ lớn tuổi được hồn ma của đối tác kinh doanh cũ – Jacob Marley và linh hồn của Giáng Sinh (Hiện tại và Vị lai) đến thăm. Sau chuyến thăm của họ, Scrooge biến thành một người đàn ông tử tế, dịu dàng hơn.

Cuốn tiểu thuyết của ông sau đó nổi tiếng khắp nước Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 2009, câu chuyện đã được chuyển thể thành bộ phim hoạt hình 3D “Giáng sinh yêu thương”.


Phim hoạt hình Giáng sinh yêu thương

Người phương Tây không ăn nội tạng nên họ sẽ làm sạch bụng gà để nhồi nhân như vụn bánh mì, hành, thảo mộc, các loại hạt. Lớp bên ngoài được quét mật ong, bơ, các loại gia vị tạo hương. Gà nguyên con sẽ được nướng trong lò đến khi lớp da có màu nâu thẫm, sáng bóng. Đĩa gà tây sẽ được đặt ngay ngắn chính giữa bàn tiệc của gia đình.

Theo trithucvn