Chàng trai thất học đi dép lê đến vay tiền ngân hàng, sau thành ông chủ chuỗi nhà hàng pizza

David Page, từng trong bộ dạng nhếch nhác bước tới ngân hàng để vay tiền. Rồi từng đi rửa bát thuê tại Pizza Express. Nhưng sau đó, ông đã trở thành chủ tịch của chuỗi nhà hàng này.

David Page pizza express 1
Ông Page hiện là chủ của hai chuỗi nhà hàng Franco Manca, Real Greek

David Page không phải là người mang pizza đến nước Anh. Tuy nhiên, ông có vai trò quyết định khi biến Pizza Express trở thành một trong những chuỗi nhà hàng phổ biến nhất nước Anh giai đoạn 1980-1990.

Hành trình trở thành ông chủ chuỗi nhà hàng pizza nổi tiếng và nhiều thương hiệu khác như Gourmet Burger Kitchen, Franco Manca không bằng phẳng như nhiều người khác.

David Page, hiện 65 tuổi, vào những năm 1980, ông đã đến ngân hàng và hỏi vay 2 triệu bảng Anh. Ông đi đôi dép lê và tới ngân hàng để vay tiền, một chút hoài nghi xuất hiện trên khuôn mặt ông chủ nhà băng.

“Tôi thậm chí còn chẳng đi tất. Và điều đó khiến ông chủ ngân hàng tỏ ra ngần ngại nhưng rồi ông ấy vẫn cho tôi vay”, David Page kể lại.

Nhưng ít ai ngờ đến rằng, một doanh nhân trẻ tuổi đi đôi dép lê lại có thể trở thành ông chủ của chuỗi nhà hàng nổi tiếng nhất nước Anh thời ấy.

Vào năm 1969, ông bị đuổi khỏi trường Wimbledon College ở Tây Nam London vì tội thường xuyên trốn học. Sau đó, ông xin vào làm công việc vẽ bản đồ tại trung tâm bản đồ Ordnance Survey. Tuy nhiên, ông không đồng ý với yêu cầu phải cắt tóc và đeo cà vạt nên bị đuổi việc. Tuy nhiên điều này lại giúp cuộc đời ông sang một trang mới.

Từ nhân viên rửa bát thuê thành ông chủ

Sau khi nghỉ việc tại đó, David học lại để trở thành giáo viên và kiếm sống bằng việc rửa bát thuê tại chuỗi cửa hàng Pizza Express, gần nơi mình sống tại London. Cửa hàng Pizza Express đầu tiên mở tại trung tâm tại London vào năm 1965. Đến đầu những năm 1970 đã phát triển ra nhiều chi nhánh khắp thành phố này.

David cho biết ông đã sớm nhận ra vai trò của công nghệ trong ngành kinh doanh thực phẩm. Lựa chọn ngành công nghệ nhà hàng là một điều đúng đắn. Và khi cơ hội trở thành quản lý chi nhánh của Pizza Express đến, ông nhanh chóng nghỉ dạy để nắm bắt cơ may này.

Tới năm 1981, David đã mua nhượng quyền để điều hành một cửa hàng Pizza Express tại Chiswick, phía Tây London. Để có thể đầu tư cho thương vụ này, ông đã thế chấp toàn bộ tài sản của mình.

Trong thập kỷ tiếp đó, ông nhanh chóng mở thêm nhiều cửa hàng nhượng quyền. David cho biết, Pizza Express là nhà hàng “đi tiên phong” vào những năm 1980. Nó như một “làn sóng mới” trong bối cảnh ẩm thực nước Anh khi đó. 

Vào lúc Pizza Express niêm yết trên sàn chứng khoán London năm 1993, ông đã cùng 3 cộng sự của mình mở thêm được 25 cửa hàng nhượng quyền. David trở thành CEO và sau đó là chủ tịch công ty Pizza Express.

Với sự phát triển không ngừng, chuỗi nhà hàng mở rộng hơn 300 cửa hàng trên khắp nước Anh và một số quốc gia khác như nước Mỹ.

Vào năm 2003, chuỗi cửa hàng Pizza đã được bán lại cho một quỹ đầu tư tư nhân với giá 278 triệu bảng Anh. Hiện nay, công ty này thuộc quyền sở hữu của quỹ Hony Capital (Trung Quốc) và có nhiều chi nhánh lớn nhỏ tại 11 nước trên thế giới.

Ông David Page phải từng bị đuổi học phỉa rửa bát thuê trước khi trở thành ông chủ nổi tiếng
David Page (phải) từng bị đuổi học, đi rửa bát thuê trước khi trở thành ông chủ tài năng.

Sau khi bán Pizza Express, David Page đồng sáng lập Clapham House, doanh nghiệp sở hữu chuỗi nhà hàng bao gồm Gourmet Burger Kitchen và Tootsies. Năm 2010, Clapham House được Nando's – chuỗi nhà hàng gà của Nam Phi mua lại với giá 30 triệu bảng.

Thay vì nghỉ hưu sớm, ông Page khi ấy 58 tuổi bắt đầu tìm kiếm cơ hội phát triển nhà hàng tiếp theo. Ông chú ý đến một tiệm bánh pizza thủ công nhỏ có tên “Franco Manca”, khai trương năm 2009 ở phía nam London. Khách hàng vây kín cửa hàng nhỏ để chờ mua bánh pizza nướng củi. Ông Page cho biết mình và các cộng sự đã thích mô hình này từ ngày đầu tiên.

Năm 2015, Fulham Shore – quỹ đầu tư mới của David Page mua hầu hết cổ phần của thương hiệu này với giá 27.5 triệu bảng. Franco Manca hiện có 40 cửa hàng, chủ yếu ở London. Ngoài ra, Fulham Shore cũng sở hữu chuỗi nhà hàng nổi tiếng Real Greek.

Cửa hàng Franco Manca do ông Page tự thiết kế
Cửa hàng Franco Manca do ông Page tự thiết kế

“Thành công không chỉ nhờ riêng tôi. Thay vào đó, tôi làm việc với cùng một đội ngũ suốt hai thập kỷ. Đây là một gia đình lớn hạnh phúc thật sự”, ông Page trả lời khi được hỏi về bí quyết thành công. 

Ông Page cho biết đã bỏ lỡ vô số khoản đầu tư có thể sinh lời cao như cửa hàng bánh Krispy Kreme, chuỗi cà phê Caffe Nero và doanh nghiệp vận chuyển đồ ăn Deliveroo vì nghĩ sẽ không bao giờ đổ tiền vào những mô hình trên.

Theo ông chủ này, Brexit ảnh hưởng lớn đến Franco Manca, Real Greek và tất cả các nhà hàng tại Anh. Đồng bảng yếu đi đã đẩy giá nguyên liệu tăng và ngày càng ít người châu Âu đến Anh khiến việc tuyển dụng trở nên khó khăn.

Thêm vào đó, ông Page nhận định mọi người ít ăn ngoài hơn khi nền kinh tế Anh tăng trưởng chậm. Roger Tejwani – chuyên gia phân tích lĩnh vực nhà hàng tại Finncap cho rằng môi trường kinh doanh hiện tại là “rất khó” với các doanh nghiệp như Fulham Shore. Tuy nhiên, ông tin tưởng vào triển vọng dài hạn của doanh nghiệp này, một phần vì đội ngũ quản lý Fulham Shore đã phải trải qua tình trạng tương tự một vài lần trước đây.

VietHome (Theo BBC)