Mảng tối ở London

Tối nay lại có thêm người mới, một người đàn ông gần 50 tuổi. Đặt tấm bìa các tông xuống lót lưng, người đàn ông quấn chặt chiếc mền bạc màu, sờn rách, nhanh chóng vùi mình vào giấc ngủ. Con đường gần khu căn hộ ở phố Regent giờ là điểm đến của khá nhiều người vô gia cư ở London. Họ nằm đó trong số hơn 112.000 người sống trong cảnh màn trời chiếu đất ở Anh tính đến hết năm 2013. Con số này đánh dấu mức tăng 26% trong 4 năm qua.

s9

 

ảnh minh họa

Riêng tại London, số người vô gia cư tăng 75%. Theo một nghiên cứu chung của Đại học Heriot-Watt (Anh) và Đại học York (Canada), hiện cứ 10 người trưởng thành ở Anh thì có 1 người phải trải qua cảnh không nhà cửa. Bức tranh xám xịt càng trở nên u tối hơn khi biết rằng năm 1949, bốn năm sau Thế chiến II, chỉ có 6 người vô gia cư phải ngủ trên các con phố ở London. 6 người thôi nhưng đã được xem là một cú sốc dành cho đảo quốc sương mù, khiến vô gia cư trở thành mối quan tâm của toàn xã hội vào giữa những năm 1960. 

Vậy mà giờ đây, số lượng người vô gia cư đang có chiều hướng tăng mạnh ở một trong những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất châu Âu. Người dân đang đặt câu hỏi vì sao dẫn đến tình trạng này? Theo truyền thông Anh quốc, ngoài những yếu tố như kinh tế khó khăn, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, việc Chính phủ Anh cắt giảm 11,9 tỷ USD tiền trợ cấp nhà cửa, cải cách phúc lợi và thiếu trầm trọng nhà ở cho người thu nhập thấp là nguyên nhân khiến nhiều người dân Anh phải ra đường.

Số lượng người vô gia cư tăng cao khiến an ninh, xã hội ở đảo quốc sương mù gặp nhiều thách thức. 2/3 số người vô gia cư dính đến ma túy và rượu; 1/4 trong số đó nằm trong danh sách theo dõi của địa phương, mà đa phần đã từng vào tù ra khám.

Vừa rồi, dư luận Anh đã phản đối gay gắt hành động của tập đoàn bán lẻ Tesco ở London khi doanh nghiệp này cho đặt các bàn chông sắt ở gờ tường cửa sổ, bục ở cửa ra vào… tại các cửa hàng của Tesco để ngăn người vô gia cư ngủ lại. Các chông sắt chỉ được dỡ bỏ khi làn sóng bất bình với việc làm được cho là thiếu nhân văn của Tesco lan rộng.

Vụ việc của Tesco phần nào cho thấy được sự bất an của các doanh nghiệp. Nếu tình trạng về người vô gia cư không cải thiện, các doanh nghiệp có thể sẽ không còn dám đặt niềm tin vào môi trường kinh doanh ở Anh.

Trong lúc Chính phủ Anh tìm kiếm những giải pháp khắc phục vấn đề vô gia cư, nhiều tổ chức xã hội tại nước này đã có những sự hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn. Crisis là một tổ chức như vậy. Bên cạnh việc tư vấn, hỗ trợ về nhà ở, việc làm, Crisis còn tổ chức rất nhiều khóa học về tiếng Anh, công nghệ thông tin, yoga, làm vườn… tại 8 trung tâm của tổ chức này để giúp người vô gia cư có được một cái nghề trong tay. Mỗi năm, khoảng 6.000 người nhận được sự giúp đỡ của Crisis làm lại cuộc đời của mình.

Đêm về, London ngập chìm trong ánh đèn đủ sắc màu. Đứng từ xa cũng có thể thấy bánh xe đu quay London Eye rực rỡ sừng sững giữa bầu trời đêm, biểu tượng cho chốn phồn hoa đô hội. Nhưng mấy ai biết được rằng London vẫn còn đó những mảng tối khi người vô gia cư tại Anh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, lấy đầu đường, góc phố là nhà.

Theo Huy Cường - SGGP