Nhiều người nợ nần chồng chất vì học cao học

Nghiên cứu mới nhất cho thấy người có bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở Mỹ đang gánh chịu khoản nợ khổng lồ, thậm chí tiền nợ cao gấp đôi tiền lương.

no nan vi hoc cao 1
Sinh viên học cao học ở Mỹ đối mặt với khoản nợ khổng lồ. Ảnh: The Boston Globe

Nhiều sinh viên đăng ký vào các chương trình sau đại học có thể phải gánh khoản nợ khổng lồ so với thu nhập. Ngoài ra, hệ số nợ trên thu nhập của những sinh viên theo học tại các trường vì lợi nhuận cũng có xu hướng cao hơn sinh viên theo học tại các trường công lập, tư thục hoặc trường phi lợi nhuận.

Đây là 2 trong số những điểm chính được rút ra từ báo cáo mới Think Hard: Your Graduate School's Sector Matters của Michael Itzkowitz, người sáng lập và chủ tịch của The HEA Group.

Theo Forbes Education, báo cáo này đã phân tích 5 chương trình thạc sĩ và tiến sĩ phổ biến nhất ở Mỹ, đồng thời xem xét sự khác biệt về số tiền mà sinh viên tốt nghiệp kiếm được, cũng như số tiền nợ dựa trên loại hình trường học, chương trình cao học mà họ theo đuổi.

no nan vi hoc cao 1
Chương trình thạc sĩ tại đại học vì lợi nhuận khiến sinh viên mắc nợ nhiều hơn. Ảnh: NY Post.

Học thạc sĩ ở trường công đỡ nặng gánh hơn

Theo báo cáo này, 5 chương trình cấp bằng thạc sĩ phổ biến nhất ở Mỹ (nếu dựa trên số lượng tuyển sinh) là Quản trị kinh doanh, Quản lý giáo dục, Điều dưỡng, Công tác xã hội và Giáo dục giáo viên.

Dựa trên dữ liệu của Bộ Giáo dục Mỹ, nhóm nghiên cứu đã xem xét thu nhập của các sinh viên tốt nghiệp chương trình thạc sĩ năm 2015-2016, đồng thời nghiên cứu dữ liệu thanh toán nợ của họ trong khoảng thời gian 2018-2020.

Kết quả, 4/5 chương trình thạc sĩ do các trường đại học công lập cung cấp (Quản trị kinh doanh, Quản lý giáo dục, Điều dưỡng, Công tác xã hội), giúp sinh viên có hệ số nợ trên thu nhập thấp nhất

Ví dụ, những sinh viên có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại một trường đại học công lập có số nợ trung bình là hơn 42.000 USD, nhưng họ lại kiếm được trung bình 106.000 USD vào 4 năm sau khi tốt nghiệp. Vì vậy, hệ số nợ của họ là 39.8%.

Trong khi đó, sinh viên tốt nghiệp chương trình MBA từ các chương trình tư nhân, phi lợi nhuận có thu nhập trung bình là 104.000 USD, khoản nợ trung bình là 43.500 USD, tương đương hệ số nợ 41,8%.

Riêng đối với sinh viên tốt nghiệp từ các trường dạy MBA vì lợi nhuận, họ kiếm được trung bình 66.200 USD nhưng mắc nợ 42.000 USD. Như vậy, hệ số nợ của nhóm sinh viên này lên đến 64,1%.

Với các chương trình cấp bằng thạc sĩ khác, sinh viên tốt nghiệp từ các tổ chức giáo dục vì lợi nhuận có xu hướng mắc nhiều khoản nợ hơn, mức lương cũng thấp hơn sinh viên học trường công lập, tư thục hoặc phi lợi nhuận.

Điều này phản ánh rõ nhất ở chương trình thạc sĩ ngành Công tác xã hội. Sinh viên chương trình này nếu học ở trường vì lợi nhuận sẽ mắc khoản nợ 72.000 USD nhưng chỉ kiếm được mức lương 53.000 USD mỗi năm. Trong khi đó, sinh viên học trường công chỉ nợ khoảng 37.000 USD và kiếm được mức lương hàng năm là 56.600 USD.

no nan vi hoc cao 1
Người học thạc sĩ, tiến sĩ phải bỏ rất nhiều tiền để có được tấm bằng mơ ước. Ảnh: UChicago News.

Tiền nợ gấp đôi tiền lương

Các chương trình tiến sĩ phổ biến nhất ở Mỹ là Quản trị kinh doanh; Tâm lý học lâm sàng, Quản lý giáo dục, Điều dưỡng và các ngành nghề phục hồi chức năng, trị liệu.

Đây là những chương trình được "săn lùng" nhiều nhất nhưng một số chương trình lại ít có sẵn ở một số lĩnh vực nhất định. Ví dụ, dữ liệu về bằng tiến sĩ Quản trị kinh doanh ở đại học công lập thường sẽ không có vì các trường sẽ cấp bằng dưới dạng cụ thể như bằng tiến sĩ Kinh tế, bằng tiến sĩ Tài chính hoặc bằng tiến sĩ Tiếp thị.

Tương tự học thạc sĩ, việc học tiến sĩ ở các tổ chức giáo dục vì lợi nhuận khiến sinh viên phải gánh khoản nợ khổng lồ trong khi mức lương lại không thấm vào đâu.

Ví dụ, những người học tiến sĩ ngành Tâm lý học lâm sàng, Tâm lý học ứng dụng ở các trường vì lợi nhuận sẽ phải trả khoản nợ hơn 175.000 USD trong khi tiền lương sau 4 năm là 87.000 USD, nghĩa là tiền nợ cao gấp đôi tiền lương.

Điều này khiến các sinh viên này có hệ số nợ trên thu nhập là 201%. Trong khi đó, hệ số nợ của người lấy bằng tiến sĩ ở đại học công lập là 101,3%, người lấy bằng tiến sĩ ở đại học tư thục hoặc phi lợi nhuận là 178,8%.

Nghiên cứu này cũng nhấn mạnh một thực tế là việc các tiến sĩ kiếm được mức lương thấp hơn tiền nợ là điều rất phổ biến tại các trường vì lợi nhuận, ngoại trừ Điều dưỡng vì đây là ngành có nhu cầu cao. Theo dữ liệu thống kê, người có bằng tiến sĩ Điều dưỡng ở trường vì lợi nhuận có hệ số nợ 56,6%, thấp hơn so với sinh viên tốt nghiệp tiến sĩ trường công lập (58,7%) hoặc trường tư thục, phi lợi nhuận (67,9%).

Một số chương trình tiến sĩ khác tại các trường công lập, tư thục cũng có thể khiến sinh viên gánh khoản nợ cao hơn thu nhập trong thời gian đầu của sự nghiệp.

Ví dụ, người có bằng tiến sĩ về phục hồi chức năng và trị liệu tại một đại học công lập sẽ mắc khoản nợ trung bình 80.800 USD, còn thu nhập lại ở mức 78.700 USD. Nếu học ở các trường phi lợi nhuận, khoảng cách tiền nợ - tiền lương còn cao hơn, cụ thể tiền lương là 77.600 USD còn tiền nợ là 97.400 USD.

Trao đổi với Forbes Education, ông Michael Itzkowitz cho biết các chương trình cao học ở Mỹ thường đóng vai trò là nguồn cung tiền mặt cho các tổ chức giáo dục trên khắp nước mỹ.

Từ những số liệu nghiên cứu nêu trên, ông Itzkowitz nhấn mạnh rằng người học cần có thái độ thận trọng và cân nhắc kỹ lưỡng hơn khi theo đuổi các chương trình cao học. Sinh viên xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp hơn vì họ đã đầu tư rất nhiều để lấy được tấm bằng cao học.

Theo ZNews