Kinh nghiệm để đời của du học sinh Anh

Nhớ hồi sắp qua UK, mình hồn nhiên ngây thơ lắm, cũng chẳng phải suy nghĩ gì nhiều, vé máy bay xong, nhà đã thuê xong, đồ đạc thì chuẩn bị theo hướng dẫn của trung tâm du học, nào là nồi niêu, đũa nấu, mì tôm các kiểu con đà điểu, đến giờ mình vẫn cay cái vụ chuẩn bị đồ này lắm, nhưng chắc nói chi tiết trong chủ đề khác. Đấy, người ngợm chuẩn bị vũ trang sẵn sàng đến tận răng rồi ( có ghi chú mua kem đánh răng mang đi cơ mà), mình cứ kéo vali và đi thôi. Và đến khi xuống tới sân bay, lời bài hát vang lên trong đầu mình: rồi tự dưng anh nhận ra một điều.... làm thế quái nào mà mình đến chỗ ở mới được, trong bí kíp du học được cấp không nhắc tới cái này. Đứng ở phi trường rộng lớn, khó có thể mường tượng ra được cửa ra ở đâu, hệ thống tàu điện ngầm, bus hoạt động ra sao. May hồi đấy có người ra đón chứ không lại book vé quay lại Việt Nam mất 

 Đến bây giờ chắc các trung tâm du học đã có cải tiến ( hi vọng thế) để hướng dẫn các bạn về khoản đi lại, nhưng mình vẫn muốn đề cập tới vấn đề này một chút vì nó ảnh hưởng khá lớn tới thời gian sinh hoạt ở UK, số tiền ngu của mình bỏ ra cho vụ này cũng kha khá, mong các bạn sắp sang lưu ý một chút thì sẽ tiết kiệm được thời gian tìm hiểu để làm việc khác. Mình sẽ chia vấn đề này làm hai bài, bài đầu tiên sẽ giúp các bạn hiểu được bạn cần gì trước khi bay, bài thứ hai sẽ hướng dẫn chi tiết về hệ thống đi lại ở UK ( viết cái này khá dài nên vẫn lười viết bấy lâu). Let's go.

Trước khi đi vào vấn đề chính, mình sẽ nói qua bạn cần chuẩn bị những gì cho chuyến đi dài ngày này. Có khá nhiều post trong group về chuyện bạn nên chuẩn bị hành lí thế nào nên mình cũng chỉ đề cập sơ qua. Cái này thì tuỳ sướng, thích gì thì mang nấy, đồ ăn mang nhiều thì cũng có ngày hết, mang vừa vừa thôi, những món thay thế có thể tìm ở siêu thị Vn hoặc tàu, mang vừa phải mì thôi, ứ có chất đâu, nấu đồ tươi ăn cho sướng. Về quần áo, nếu bạn có điều kiện thì mang càng ít càng tốt, qua đây mua cả đống đồ đẹp, lúc về đỡ lo về cân nặng, vứt đồ cũ đi thì cũng lãng văn phí, nếu bạn không có dự định mua sắm gì nhiều thì hãy mang 2 cái áo jacket ấm, đầu tư nhiều áo len, đồ đông xuân, đồ mùa hè thì vừa phẢi vì mùa hè bên này rất ngắn. Mang ít nhẹ người nhé, đỡ phải bê :)) Còn quà cho giáo viên á, tuỳ bạn, nó cũng không quan trọng lắm đâu, giảng đường hàng trăm sinh viên, họ chẳng thể nhớ nổi bạn hoặc chấm điểm dễ hơn cho bạn khi bạn tặng quà đâu. Cái quan trọng nhất bạn cần mang đi là tiền, có tiền là có tất, nói tới đâu mới nhớ, làm mấy chục đôi tất đông xuân đi cho ấm nhé, tất ở đây hàng rẻ tiền ko tốt bằng hàng Việt Nam đâu. Tại thời điểm viết bài thì bảng đang ở giá cao, hãy tự tính toán mình cần bao nhiêu cho 2-3 tháng đầu ở đây, đổi từng đó là đủ ( dự chi của mình là khoảng 2000), bao giờ thấp xuống thì tranh thủ gửi tiếp. Cách đây 1 năm thì bảng tầm 33-34 là rẻ có thể mua được, nhưng sang năm nay thì 34-35 là mua được rồi. Giá bảng tầm tháng 7 tới tháng 10 và 2 tháng trước tết ta khó giảm vì nhu cầu người mua bảng cao. thường thì giá bảng tháng 10-12, 3-6 sẽ ở mức chấp nhận được, nên mua thời điểm đấy để gửi sang - trích thống kê của báo con vịt. Nếu bạn ở Hà Nội thì có thể ra phố Hà Trung để chuyển tiền, đơn giản và không mất phí, lúc mình còn đi học thì hay gửi tiền ở số 67, khá yên tâm và nhanh. ( 5 giây giành cho quảng cáo, mang các bạn lượng thứ). Đối với khu vực phía nam thì mình không biết, bạn có thể hỏi các hàng vàng, bạn nào biết thì nhớ chỉ để mình bổ sung. Trước khi đi thì bạn cố gắng xin xỏ 1 vài coin 1 đồng của các sinh viên mới từ UK về, bạn sẽ cần nó để sử dụng xe đẩy hàng lí ở sân bay UK, ở các cửa hàng chuyển tiền cũng khá hiếm mấy đồng lẻ này, còn tại sân bay cũng có máy đổi tiền nhưng nó chỉ chấp nhận đồng 5£ và thường xuyên ... hết tiền, đúng là đắng .... à mà thôi.

Quay về với chủ đề chính, làm thế nào để từ sân bay để về nhà. Chắc hẳn hiện giờ tại các trung tâm du học sẽ có hướng dẫn về tuyến đường đi cho các bạn nhưng dù sao cẩn tắc vô áy náy, chủ động vẫn hơn. Bạn nên chọn sân bay gần thành phố mình ở nhất để tiện đi lại, còn đối với những cao thủ học ở Glassgow phía bắc lại bay về London thì xin nhận một lạy của tại hạ. Phương tiện từ sân bay có rất nhiều, nếu học ở thành phố có sân bay đó và dư dả tiền nong thì bắt taxi là một lựa chọn không tồi, không lo sợ lạc, không lo kéo đồ oằn lưng. Còn về phần các bạn "con nhà nghèo" thì đọc tiếp nhé.

Đối với các bạn ở London thì quá đơn giản rồi, hãy truy cập trang webwww.tfl.gov.uk chọn mục Plan a journey, chỉ việc điền địa chỉ sân bay của bạn ( gatwick, heathrow, luton....) và post code nhà bạn, lựa chọn ngày giờ bạn muốn đi, sẽ có chỉ dẫn rất rõ ràng bạn nên bắt tàu nào, chuyển tàu/bus ở đâu. Thường cùng một địa chỉ bạn sẽ được tư vấn 3-4 tuyến đường để tới nơi gần nhà bạn nhất. Hãy ưu tiên duy chuyển bằng tàu thay vì đổi nhiều bus vì như thế bê đồ rất mệt. Khi biết được bến tàu/ trạm bus gần nhà bạn rồi, hãy dùng google map, để xác định đường đi bộ từ nơi đó đế nhà của bạn. Chụp hình nó lại và in ra. Khi tra cứu bằng tfl, bạn cũng nên tra nhiều khung giờ khác nhau để biết bao lâu có một chuyến tàu, bao lâu có một chuyến bus, đỡ hoảng loạn khi nhỡ một chuyến nào đó. In hết ra, để vào hành lí xách tay để dễ lôi ra lôi vào. Hãy hỏi nhân viên bến tàu nếu bạn không rõ lắm tàu ở platform nào, cơ hội sử dụng tiếng anh đến nhé nếu lạc đường chỉ trách mình luyện công không thành tài thôi, bạn cũng có thể hỏi người đi đường nhưng nên hỏi 2-3 đứa rồi hẵng đi, mình cũng có vài kỉ niệm đau thương về đội không biết đường mà thích chỉ bậy.

Về phần các bạn học ở thành phố không có sân bay, ví dụ như đáp xuống london mà học ở Bath chẳng hạn, các bạn nên đi tàu là tốt nhất, taxi thì chát mà coach thì không thích hợp với những bạn đã không biết đường còn mang nhiều hành lí, tàu đắt hơn coach nhưng còn hơn là đã sida còn xông pha hiến máu Bạn hãy vào trang web www.nationalrail.co.uk ( hoặc app national rail cho smart phone), chọn mục journey planner, cách tra tương tự như của TFL, nếu bạn bay về sân bay manchester thì hãy from manchester airport to thành phố của bạn, hoặc bạn ở man thì chọn điểm tới là manchester picadilly ( hoặc victoria). Đường vẽ sẵn ra rồi, in thôi, khi đến thành phố bạn cần tới thôi đừng dùng google map nữa, bắt taxi trước bến tàu về cho lành, tốn một tí nhưng đỡ mệt vì bạn vừa có 1 chuyến bay dài lại thêm vài tiếng trên tàu rồi. Không có gì đáng sợ hơn lạc đường đâu, phần tới mình sẽ khắc phục giúp bạn nhưng mới sang thì cái gì tiện thì ta làm thôi.

Các bạn bay xuống sân bay ở london thì không dùng trực tiếp được như vậy, các bạn phải về các bến tàu lớn ở London đã rồi mới đi tiếp ra các thành phố khác. Ví dụ bạn hạ cánh ở sân bay gatwick, nơi bạn muốn tới là Tp Coventry. Vẫn dùng trang web nationalrail, bạn hãy chọn 
- From : London (all station)
- To: Coventry
Kết quả ra được là tuyến đường : London euston to coventry. Vậy là bạn đã biết được bến tàu trung gian rồi, giờ chỉ việc tra tiếp tàu từ Gatwick airport to London euston là xong. easy.

Phần tìm đường đã xong, phía dưới sẽ là một số chú ý nhỏ cho các bạn.
- Giấy tờ quan trọng và vé máy bay hãy để ở hành lí xách tay và mang theo bên người.
- Khi đi hãy chọn quần áo thật thoải mái, vì bạn sẽ phải bay một chuyến khá dài. Hồi xưa tớ được bố mẹ trang bị cho một bộ quần âu áo sơ mi mặc cho nó lịch sự, ngồi trên máy bay cảm thấy khá bức bối, tới sân bay uk thì thấy đầy người mặc mặc quần short áo cộc....Lệ rơi vì ko biết mình mặc lịch sự làm clgv.
- Trước khi hạ cánh xuống sân bay UK, bạn sẽ phải điền vào một tờ khai nho nhỏ, thế nên hãy mang bút bi theo mình nhé, chỗ nào không hiểu thì hãy hỏi tiếp viên để điền cho đúng.
- Khi xuống sân bay, sẽ có 2 cửa để làm thủ tục nhập cảnh, 1 cửa dành cho người có hộ chiếu UK và châu âu, còn 1 cửa dành cho người nước ngoài, chú ý đi đúng cửa nhé, có một bảng rất to treo trên đầu đấy. Gặp nhân viên hải quan thì đừng ngại, cứ tươi cười hello good night + giấy tờ đầy đủ thì nó cho qua nhanh thôi.
- Trong trường hợp bạn không thể tìm thấy hành lí thì chúc mừng bạn, vậy là đỡ phải bê đồ thích nhé, hãy cố gắng tìm, nếu ko thấy thì liên lạc với nhân viên sân bay, bạn sẽ phải điền tờ khai mô tẢ màu sắc hành lí của bạn, kèm địa chỉ chỗ ở và số điện thoại liên lạc, khi tìm được sau 1-2 ngày, họ sẽ cho xe chở về tận nơi cho bạn dù bạn sống ở đâu, sau đó bạn sẽ nhận được phần thưởng bao gồm 1 cái lược, bàn chải, kem đánh răng, dao cạo râu, khăn mặt ... cứ thế mà về thôi, nên để một vài bộ quần áo ngủ trong hành lí xách tay để đề phòng trường hợp này.
- Tàu ở UK có 2 mức phí chính là giờ peak và giờ off peak, đi vào giờ off peak thì giá vé sẽ rẻ hơn kha khá. Hãy tránh đi giờ peak, nằm trong khoảng 0630 - 0930 và 1530 - 1830.

- Khi ở các bên tàu hãy chú ý đồ đạc của bạn, bên này trộm cắp cũng chẳng kém Việt Nam là mấy đâu. Bọn này sợ tớ lắm vì mấy lần móc túi chả mò ra được xu nào,
mò ai không mò, lại mò đúng thằng không có tiền, cám cảnh thật....

- Khi đi thang cuốn, hãy đứng ở bên phải nhé, bên trái dành cho người thích đi nhanh. Hồi xưa mình rất lịch sự theo thói quen đứng sang trái để tránh đường, toàn bị người ta nhìn, chẳng nhẽ lại hỏi: chưa thấy ai đẹp trai bao giờ à? Sau mới biết mình nhầm

Bài viết còn nhiều thiếu sót, mong sự góp ý của các bạn để hoàn thiện hơn. many thanks.

Theo Khánh West Gate