Từ ngày 25/7, Anh bắt đầu áp dụng quy định xác minh độ tuổi người dùng internet nhằm ngăn trẻ em tiếp cận nội dung độc hại như khiêu dâm, tự hại, rối loạn ăn uống hay thông tin bạo lực.
Chính phủ Anh cũng đang xem xét việc áp dụng giới hạn thời gian sử dụng mạng xã hội cho trẻ em, có thể ở mức 2 giờ/ngày. Các kế hoạch bảo vệ người dùng dưới 16 tuổi sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Theo quy định mới được ban hành của Đạo luật An toàn Trực tuyến 2023 và do Cơ quan Quản lý Truyền thông Anh (Ofcom) giám sát, các nền tảng và ứng dụng đăng tải nội dung có thể gây hại phải có trách nhiệm xác minh độ tuổi người dùng. Các phương thức kiểm tra bao gồm nhận diện khuôn mặt và xác thực bằng thẻ tín dụng.
Bà Melanie Dawes - Tổng giám đốc Ofcom cho biết - có khoảng 6.000 trang web nội dung nhạy cảm đã đồng ý tuân thủ quy định mới. Bên cạnh đó, các nền tảng mạng xã hội như X (trước đây là Twitter) cũng được yêu cầu có biện pháp ngăn chặn trẻ em tiếp cận nội dung khiêu dâm, thù hận hoặc bạo lực, bất chấp việc nền tảng này đang vướng tranh cãi về các quy định tương tự tại Ireland.
Bà Dawes chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện những điều mà chưa cơ quan quản lý nào từng làm. Những hệ thống này có thể hoạt động hiệu quả, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ lưỡng về điều đó.”
Theo báo cáo của Ofcom, có khoảng 500.000 trẻ em từ 8 đến 14 tuổi đã tiếp xúc với nội dung khiêu dâm trên mạng chỉ trong tháng trước.
Quy định mới được kỳ vọng sẽ thay đổi môi trường số mà trẻ em tiếp xúc hàng ngày. Bộ trưởng Công nghệ Peter Kyle cho biết trẻ em sẽ lần đầu tiên “trải nghiệm một thế giới internet khác biệt”, đồng thời khẳng định ông đặt kỳ vọng rất lớn vào các biện pháp vừa triển khai.
Trong cuộc trao đổi ở một diễn đàn dành cho phụ huynh, ông Kyle đã gửi lời xin lỗi tới những đứa trẻ trên 13 tuổi – những người không được bảo vệ đúng mức trong thời gian qua.
“Tôi xin lỗi bất kỳ đứa trẻ nào trên 13 tuổi từng phải tiếp xúc với các nội dung gây hại mà không có sự bảo vệ thích đáng" - ông nói.
Đạo luật An toàn Trực tuyến cũng quy định các công ty công nghệ có trách nhiệm pháp lý trong việc bảo vệ người dùng, đặc biệt là trẻ em. Những công ty vi phạm có thể bị phạt tới 18 triệu bảng Anh hoặc 10% doanh thu toàn cầu. Các lãnh đạo cấp cao cũng có thể đối mặt với truy cứu hình sự nếu không tuân thủ yêu cầu của Ofcom.
Bà Rani Govender - đại diện tổ chức từ thiện bảo vệ trẻ em NSPCC - khẳng định đây là “bước tiến quan trọng”, cho thấy các công ty công nghệ không thể né tránh trách nhiệm trong việc tạo ra môi trường mạng an toàn cho trẻ nhỏ.
“Trẻ em hiện nay quá dễ gặp phải nội dung nguy hiểm và độc hại trên mạng”, bà chia sẻ. Dù thừa nhận vẫn còn những kẽ hở trong quy định, bà Govender nhấn mạnh rằng “đã đến lúc cần những biện pháp mạnh mẽ hơn để chấm dứt tình trạng này”.
Theo phunuonline