Nghỉ học nhiều ngày vì bị ốm, học sinh Anh lo sợ bị truy tố tội trốn học

Một học sinh Anh mắc chứng đau nửa đầu mãn tính và phải nghỉ học liên tục trong nhiều ngày. Thay vì nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, phụ huynh học sinh này lại bị chính quyền địa phương ở Anh phạt vì hành vi trốn học của con mình.

truy to tron hoc
Chloe Beak cùng mẹ cô, bà Kerry Beak. Chloe bị chứng đau nửa đầu khiến cô nghỉ học nhiều ngày liên tục. Ảnh: The Guardian

Học sinh nghỉ học nhiều ngày liên tục bị nhà trường quy cho tội cố tình trốn học

Chloe Beak sống với chứng đau nửa đầu mãn tính, suy nhược khiến cô nghỉ học trong nhiều ngày liên tục. Nhưng thay vì nhận được sự hỗ trợ từ nhà trường, cha mẹ Beak lại bị chính quyền địa phương phạt vì hành vi trốn học của cô.

Hiện tại, gia đình Chloe phải cho cô nhập viện theo yêu cầu của bác sĩ để chứng minh cho nhà trường thấy việc vắng mặt của cô là do bị ốm và đã có sự xác nhận của bệnh viện. Nếu không giải quyết như vậy, nhà trường sẽ quy cho Chloe là cố tình trốn học vì họ tin rằng, cô ấy trốn học vì cảm xúc.

Gia đình Chloe đang dự đoán sẽ bị phạt thêm và lo lắng rằng họ sẽ phải đưa vấn đề này ra tòa để tránh nguy cơ bị ghi vào hồ sơ tội phạm.

Mẹ của cô, Kerry Beak, cho biết: "Tôi và chồng rất căng thẳng nên chúng tôi chỉ nghĩ rằng, việc nộp phạt sẽ dễ dàng hơn. Nhưng 120 bảng Anh là một số tiền lớn. Chúng tôi đã hợp tác với nhà trường nhưng họ thực sự không hỗ trợ nhiều. Vợ chồng tôi đã đưa ra rất nhiều bằng chứng cho thấy việc Chloe nghỉ học là một nhu cầu y tế. Chloe tươi sáng, nó không phải là học sinh trốn học, nó muốn đến trường và học tốt".

Beak đã phải từ bỏ công việc y tá nha khoa để đưa Chloe đi học khi con gái không khỏe. "Làm cha mẹ rất căng thẳng. Tôi nghĩ nhà trường cần cho phụ huynh thêm một chút cơ hội. Nhưng họ không quan tâm đến những gì một đứa trẻ đang trải qua về mặt tinh thần lẫn thể chất", Beak nói và nói thêm rằng Chloe hiện đang phải dùng thuốc điều trị tâm lý.

Nhiều phụ huynh Anh phải đấu tranh với trường học về việc nghỉ học của con

Beak là một trong nhiều phụ huynh ở Anh có con phải nghỉ học vì các vấn đề về sức khỏe tâm thần hoặc thể chất và đã đấu tranh với trường học về việc nghỉ học.

Trong một số trường hợp, các trường học nhất quyết đòi hỏi phải mất nhiều năm mới có kết quả chẩn đoán hoặc họ khẳng định rằng, việc đi học đều sẽ cải thiện sức khỏe của học sinh, mặc dù phụ huynh có cảm nhận khác.

Giống như Beak, một số phụ huynh khác ở Anh và xứ Wales đã vi phạm thủ tục pháp lý nhanh chóng được gọi là thủ tục xét xử đơn phương. Được giới thiệu vào năm 2015, thủ tục này xử lý khoảng 40.000 trường hợp mỗi tháng và truy tố một số vụ việc đối với các tội phạm ít nghiêm trọng hơn như: vi phạm tốc độ, không thanh toán phí giấy phép và các trường hợp trốn học.

Theo Wikipedia, thủ tục xét xử đơn phương (single justice procedure) được giới thiệu trong Đạo luật Tòa án và Tư pháp Hình sự năm 2015 ở Anh và xứ Wales.

Chỉ những tội phạm không thể tranh cãi và không thể bỏ tù mới được xử lý. Các thẩm phán được hỗ trợ bởi một cố vấn có trình độ pháp lý và bị cáo có thể chọn ra tòa thay thế.

Chính phủ Anh tuyên bố rằng, thủ tục này được thiết kế để trở thành một phương tiện dễ tiếp cận, nhanh chóng, hiệu quả và hiệu quả hơn để thực thi công lý khi giải quyết các tội phạm ít nghiêm trọng nhất.

Theo thủ tục xét xử đơn phương, tòa án sẽ viết thư cho bị cáo và cho họ 21 ngày để trả lời. Nếu bị cáo không nhận tội thì vụ án sẽ được đưa ra xét xử công khai. Tuy nhiên, theo dữ liệu của Chính phủ Anh, chỉ có khoảng 1/3 số bị cáo phản hồi. Điều này có thể là do họ đã bỏ sót lá thư, nghĩ rằng việc trả tiền phạt sẽ dễ dàng hơn hoặc có lỗi hành chính khi xử lý phản hồi.

Đối với những vụ án không được đưa ra tòa, thẩm phán thường có khoảng thời gian rất ngắn với rất ít thông tin - thường không nêu chi tiết bất kỳ tình tiết giảm nhẹ nào - để xác định kết quả.

Hiệp hội Thẩm phán, đại diện cho hơn 12.000 thẩm phán ở Anh và xứ Wales, cho biết thủ tục xét xử đơn phương cần cải cách "nếu muốn được coi là công bằng và minh bạch". Các thẩm phán cho biết có "những sai sót trong cách vận hành" và điều này có thể "gây hại cho một số người dễ bị tổn thương nhất trong xã hội".

Các giải pháp được Hiệp hội Thẩm phán ở Anh và xứ Wales đề xuất bao gồm yêu cầu các công tố viên lắng nghe mọi lời bào chữa của bị cáo trước khi vụ án được đưa ra xét xử, đồng thời loại bỏ các quyết định gây áp lực về thời gian.

Giám đốc điều hành Ellie Costello của Square Peg - tổ chức vận động cải cách Luật Trốn học và làm việc với 53.000 gia đình cảm thấy họ bị truy tố bất công, cho biết: "Chúng tôi thấy có những gia đình thậm chí không biết rằng, họ đã bị truy tố. Khi mở thư thông báo, họ được biết đã thua kiện và phải trả 900 bảng Anh chi phí cũng như tiền phạt và phải phục vụ cộng đồng".

Bà Ellie nói thêm rằng, về mặt lý thuyết, các gia đình có con cái có nhu cầu đặc biệt sẽ có thể tiếp cận sự hỗ trợ từ Hội đồng Thẩm phán để miễn cho họ khỏi Luật Trốn học, chẳng hạn như kế hoạch giáo dục, y tế và chăm sóc.

Tại Anh, cha mẹ có nhiệm vụ cung cấp cơ hội giáo dục đầy đủ cho con cái. Theo Luật Trốn học, phụ huynh có trách nhiệm đảm bảo con cái của họ (từ lớp tiền tiểu học đến 16 tuổi) được đi học toàn thời gian. Nếu con bạn không đến trường thường xuyên, các dịch vụ bảo vệ trẻ em địa phương có thể có hành động pháp lý chống lại bạn.

Ngay cả khi con bạn nghỉ học mà bạn không biết, với tư cách là phụ huynh, bạn vẫn phải chịu trách nhiệm và có thể bị coi là phạm tội. Các hiệu trưởng hiện có thể gửi các thông báo phạt lên tới 100 bảng Anh tới các phụ huynh không đảm bảo con cái mình đi học đầy đủ.

Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Anh cho biết: "Chỉ những tội phạm không thể tranh cãi và không thể bỏ tù mới được xử lý theo thủ tục xét xử đơn phương. Khi đó, các thẩm phán luôn được hỗ trợ bởi một cố vấn có trình độ pháp lý và bị cáo có thể chọn ra tòa nếu họ muốn. Các quyết định tuyên án được đưa ra bởi cơ quan tư pháp độc lập - những người xem xét tình tiết của từng vụ án bao gồm mọi tình tiết giảm nhẹ. Trong bất kỳ trường hợp nào mà bị cáo không biết về quá trình tố tụng đang diễn ra, họ có thể đưa ra tuyên bố hủy bỏ chúng và bắt đầu lại quá trình".

Congdankhuyenhoc (Nguồn: The Guardian)