'Dạy hay không dạy Shakespeare nữa' - vấn đề gây tranh cãi ở Anh

Chủ trương đổi mới chương trình giảng dạy có thể khiến những tác giả vĩ đại như William Shakespeare "biến mất" hoàn toàn khỏi các trường học ở Anh.

Vấn đề do Katharine Birbalsingh - hiệu trưởng Michaela Community School - nêu ra và lập tức gây tranh cãi ở Anh. Bà cảnh báo rằng William Shakespeare sẽ "biến mất" khỏi các giáo trình khi trường học ở Anh chịu áp lực đa dạng chương trình giảng dạy. Birbalsingh lo ngại Shakespeare sẽ bị thay thế bởi các nhà văn nữ và da màu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Guardian, Katharine Birbalsingh cho biết, từ sau phong trào Black Lives Matter chống phân biệt chủng tộc (dấy lên tại Mỹ và lan ra nhiều nước sau cái chết của George Floyd - một người da màu bị cảnh sát da trắng Mỹ ghì cổ chết hồi tháng 5/2020), các trường học ở Anh chịu rất nhiều áp lực trong việc thay đổi nội dung giảng dạy.

van hoc shakespeare
Chân dung William Shakespeare trong ảnh tư liệu.

Danh sách các tác phẩm cần đọc để thi Chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông (GCSE) và Chứng chỉ Giáo dục Phổ thông Bậc cao (A Level) môn văn học Anh và kịch gần đây được mở rộng hơn, bao gồm cả những tác giả da màu và dân tộc thiểu số. Những người vận động cho chiến dịch đa dạng hóa nội dung học đường cũng đòi hỏi lịch sử của người da màu phải được thể hiện đầy đủ trong chương trình giảng dạy.

Nhưng Birbalsingh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ lại "những tác giả da trắng quá cố".

"Tôi cho rằng các tác giả da trắng quá cố đã cống hiến rất nhiều cho chúng ta. Shakespeare ảnh hưởng tới văn học hơn 400 năm qua. Giảng dạy về Shakespeare là điều đúng đắn. Tư tưởng trong các tác phẩm của Shakespeare mang tính phổ quát toàn nhân loại", Birbalsingh nói.

Hiện tại, học sinh ở Anh vẫn được yêu cầu phải học các tác phẩm của Shakespeare. Học sinh tham dự kỳ thi GCSE môn văn học Anh vào mùa hè này sẽ phải học một trong các tác phẩm Macbeth, Romeo và Juliet, Giông tố, Người lái buôn thành Venice, Có gì đâu mà rộn và Julius Caesar.

Tuy nhiên, bà Birbalsingh lo rằng người Anh đang nối gót người Mỹ, phế bỏ cả những biểu tượng văn hóa như Shakespeare.

Lo ngại của Birbalsingh không phải không có cơ sở khi gần đây, các trường tư thục ở Vương quốc Anh bắt đầu tiến hành đa dạng hóa chương trình học, dưới sức ép của các chiến dịch chống phân biệt chủng tộc xuất phát từ phong trào Black Lives Matter.

Đầu năm nay, trường James Gillespie’s High School ở Edinburgh từng gây tranh cãi khi ngừng dạy Giết con chim nhại của Harper Lee và loại bỏ khỏi chương trình tác phẩm Của chuột và người của John Steinbeck - đều là những tiểu thuyết kinh điển.

VnExpress (theo Guardian)