Tâm trạng của bà mẹ Anh không dám cho con đến trường

Mỗi sáng, Ojala Agarwal đều bị đánh thức khi con trai cô hét vọng từ phòng bên cạnh: "Mẹ ơi, virus đi chưa? Hôm nay mình có đến trường không?"

Phần lớn học sinh ở Anh ngừng đến trường từ hồi tháng 3 trong nỗ lực ngăn nCoV lây lan. Tuy nhiên, các lớp học vẫn mở cửa cho hàng nghìn trẻ em dễ bị tổn thương, bao gồm những em có nhân viên xã hội giám sát hoặc thuộc chương trình bảo vệ, cùng con của người lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu.

Aarav, con trai của Agarwal, nằm trong số những trẻ em thuộc diện trên. Vài năm qua, Agarwal được các giáo viên, cũng như bạn bè của Aarav tại ngôi trường phía đông London giúp đỡ nhiều, do cậu bé 9 tuổi gặp khó khăn nghiêm trọng trong quá trình học tập, liên quan đến việc bị người cha nghiện rượu bạo hành hồi thơ ấu.    

Dù không mong gì hơn việc con trai được đi học trở lại, Agarwal tới nay vẫn phải trả lời "không" trước câu hỏi của Aarav mỗi sáng. Người phụ nữ 37 tuổi lo ngại nếu quay lại trường, Aarav có nguy cơ nhiễm nCoV và mang mầm bệnh về nhà.

o nha mua dich
Phòng nghệ thuật không bóng người tại trường học dành cho trẻ em dễ bị tổn thương ở phía đông London, Anh. Ảnh: NY Times.

"Tôi biết cách làm mẹ, nhưng không có kỹ năng dạy con học tại nhà. Aarav thuộc diện trẻ em có nhu cầu đặc biệt. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy con mình đang bỏ lỡ điều gì đó và tôi đã khiến bé thất vọng. Nhưng nếu Aarav đến trường và mắc bệnh nặng thì sao?", Agarwal cho hay.

Agarwal không phải phụ huynh duy nhất mang nỗi lo ngại này. Theo nghiên cứu được Bộ Giáo dục Anh tiến hành hồi tháng 4, chỉ khoảng 5% trẻ em được chính phủ xếp vào diện dễ bị tổn thương, cùng 2% trẻ em là con của người lao động thiết yếu, đến trường học kể từ khi Anh ban lệnh phong tỏa toàn quốc.

Theo bình luận viên Ceylan Yeginsu của NY Times, xu hướng này có khả năng đặt ra nhiều vấn đề đối với chính phủ Anh trong những tháng tới. Thủ tướng Boris Johnson hôm 10/5 cho biết các trường tiểu học có thể tái mở cửa cho hầu hết học sinh vào đầu tháng 6, nhưng chưa chắc các em sẽ quay lại trường.

Tình trạng ít trẻ em sử dụng quyền đặc cách đến trường còn làm dấy lên lo ngại với các nhân viên xã hội và giáo viên, khi họ phải vất vả liên lạc với những bé mà họ cho rằng đang đối mặt nguy hiểm. Anne Longfield, Ủy viên Hội đồng Trẻ em Anh, ước tính khoảng 2 triệu trẻ em nước này đang mắc kẹt trong môi trường gia đình ẩn chứa rủi ro cao.

"Việc chính phủ quyết định duy trì các lớp học cho hầu hết trẻ em dễ bị tổn thương rất đáng hoan nghênh, nhưng điều đáng buồn là đa số các em không đến trường. Các em có thể thiếu thực phẩm tại nhà, sống trong điều kiện tù túng, bị bỏ mặc, thậm chí gặp những khó khăn lớn hơn do bạo lực gia đình hay vấn đề sức khỏe tâm lý", bà nói.

Vào một buổi sáng gần đây, Astrid Schon, giáo viên chủ nhiệm tại một ngôi trường dành cho trẻ em dễ bị tổn thương phía đông London, đã chờ học sinh cả ngày. Cô tha thiết mong học sinh quay lại trường để có thể mang tới sự trợ giúp mà các em cần, nhưng hôm đó chỉ duy nhất một học sinh 14 tuổi xuất hiện.

"Nhiều học sinh của chúng tôi phải đối mặt với hàng loạt vấn đề. Các em nằm trong kế hoạch bảo vệ trẻ em, chịu đựng bạo lực gia đình, có những bậc phụ huynh nghiện ma túy không đoái hoài gì tới con. Tuy nhiên, phần lớn các em là thiếu niên, không tự nhận thức được sự dễ tổn thương của mình. Vì vậy, khi nghe tin tất cả trường học đóng cửa, các em chọn cách ở nhà", Schon giải thích.

Giáo viên cùng những nhân viên khác tại trường học cố gắng liên lạc với học sinh mỗi ngày qua điện thoại, nhưng thường khó lòng kiểm soát các em. Vài tuần gần đây, họ tập trung vào một số em dễ bị tổn thương nhất và cố gắng thuyết phục hai đến ba em đến trường mỗi ngày. "Hầu hết những đứa trẻ đó thức tới 3 giờ sáng chơi điện tử rồi trưa mới dậy", Schon cho hay.  

Ngay cả những học sinh tiếp tục đến trường giữa lệnh phong tỏa cũng phải vật lộn giữ tập trung và thích nghi với môi trường mới. Cressida Long, hộ lý 55 tuổi làm mẹ đơn thân, cho biết bà không còn lựa chọn nào khác ngoài đưa hai con gái đến trường để có thể tiếp tục công việc.

"Các con tôi chỉ ngồi trong thư viện cả ngày với hai hoặc ba đứa trẻ khác, thường nhìn vô định vào không gian, cảm giác như bị giam. Chúng ghen tỵ với những người bạn được ở nhà, ngồi trong phòng ngủ và trò chuyện qua video mà không bị giám sát", Long nói.

Do không trực tiếp gặp những đứa trẻ thuộc diện cần bảo vệ, nhiệm vụ với các nhân viên xã hội trở nên khó khăn hơn. "Rất nhiều điều bạn không thể đánh giá qua video, như mùi cần sa. Việc xử lý tình huống cũng rất khó khi không gặp được chúng", Eve Joy Wilson, một nhân viên xã hội ở London, cho hay.

Năm ngoái, khi Agarwal bị viêm thận và không thể tham gia các buổi chăm sóc xã hội tại trường của Aarav, nhân viên xã hội chịu trách nhiệm giám sát Aarav phát hiện cậu bé trở nên cởi mở hơn về những vấn đề gây phiền muộn.

"Trường học là nơi duy nhất Aarav cảm thấy hoàn toàn yên tâm và hạnh phúc", Agarwal cho biết, nói thêm rằng có những ngày con trai cô nhớ lớp đến mức mặc đồng phục của trường trong nhà.

"Lúc nào thằng bé cũng muốn đến trường, nhưng tôi có thể làm gì đây? Nếu con tôi ốm hay gặp bất cứ chuyện gì, tôi sẽ không thể sống nổi", cô nói.

VnExpress (theo NY Times)