Một số trường mẫu giáo ở London sẽ có máy lọc không khí

Một nhóm trường mẫu giáo ở London sẽ được cung cấp các hệ thống lọc không khí khi mối lo ngại gia tăng về tác động của không khí độc hại ở Vương quốc Anh đối với trẻ nhỏ - đối tượng dễ bị tổn thương nhất ở thủ đô.

Ô nhiễm không khí trong trường học và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe trẻ em là mối lo ngại lớn ở London, thủ đô của Anh. Ảnh: Dominic Lipinski / PA

Có 5 trường mẫu giáo nằm trong danh sách được nhận máy lọc không khí trong đợt đầu tiên và 20 trường mẫu giáo khác được kiểm tra để đo mức độ trẻ mới biết đi tiếp xúc với các hạt phát thải từ các phương tiện có thể gây chết người.

Động thái này xuất hiện sau một báo cáo hồi đầu năm nay của thị trưởng London, Sadiq Khan. Báo cáo cho thấy ô nhiễm không khí bên trong các ngôi trường tồi tệ hơn so với ô nhiễm không khí tại các đường phố xung quanh, gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe và khả năng nhận thức của trẻ em.

Thị trưởng London, người đang triển khai các hệ thống lọc không khí và kiểm toán cho rằng không thể chấp nhận một thế hệ trẻ có sức khỏe và khả năng nhận thức bị ảnh hưởng bởi không khí nguy hiểm đến hơi thở.

“Một điều hoàn toàn không thể bỏ qua được là người trẻ nhất và dễ bị tổn thương nhất trong thành phố của chúng ta phải đối mặt với mối đe dọa hàng ngày đối với sức khỏe của họ do không khí độc hại mà họ hít phải. Mối đe dọa liên tục đối với sức khỏe cộng đồng do không khí ô nhiễm ngoài trời và trong nhà cần phải được giải quyết”, ông Khan nói với Guardian.

Ngày càng có nhiều lo ngại về ô nhiễm không khí trong và xung quanh các trường học và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe trẻ em.

Đầu năm nay, Guardian cũng đưa tin các trường tiểu học trên toàn nước Anh đang cố gắng giảm ô nhiễm, trong khi các trường khác cố gắng đóng cửa các con đường bên ngoài trường học vào đầu và cuối ngày.

Bài báo cũng thông tin ngày càng có nhiều trường học lắp đặt máy lọc không khí nhằm bảo vệ trẻ em khỏi những tác động xấu nhất của ô nhiễm không khí. Thông tin về một trường học gặp phải tình trạng ô nhiễm hạt vượt quá quy chuẩn cho phép của WHO trong mỗi lớp học, gấp hơn 2 lần so với giới hạn cũng được đề cập đến.

Các cuộc kiểm tra trường mẫu giáo mới sẽ hướng đến các nguồn gây ô nhiễm trong nhà và ngoài trời, với 5 trong số 20 trường mẫu giáo thử nghiệm các hệ thống lọc không khí mới để kiểm tra hiệu quả của chúng trong việc giảm ô nhiễm trong nhà.

Các cuộc kiểm tra sẽ tập trung vào việc giảm NO2, PM10 và PM2.5 - loại hạt nguy hiểm nhất - vì nghiên cứu cho thấy trẻ em tiếp xúc với các hạt và khí ô nhiễm nhỏ hơn này có nhiều khả năng gặp phải các vấn đề về phổi và có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn khi trưởng thành.

Vương quốc Anh có tỷ lệ người mắc bệnh hen suyễn lớn nhất châu Âu và đã có một số lượng người tử vong do bệnh này đạt mức kỷ lục hồi năm ngoái.

Ô nhiễm không khí, liên quan đến 40.000 ca tử vong sớm mỗi năm ở Anh, cũng có thể gây ra một loạt các tình trạng suy nhược suốt đời do bệnh tim, đột quỵ và mất trí nhớ, Alzheimer.

Bác sĩ Simon Lenton, đại diện của Đại học Nhi khoa và Sức khỏe Trẻ em Hoàng gia Anh cho biết những trẻ nhỏ là đối tượng có nguy cơ nhất.

“Trẻ sơ sinh và trẻ em dễ bị tổn thương hơn vì phổi và bộ não của chúng vẫn đang phát triển. Phần lớn thời gian của trẻ là ở nhà trẻ hoặc ở trường, do đó chúng ta buộc phải biết những chất gây ô nhiễm không khí mà chúng tiếp xúc và sau đó phải có hành động để giúp trẻ được chơi và học trong bầu không khí trong lành nhất” - Bác sĩ Simon Lenton nhấn mạnh.

Các cuộc kiểm tra mẫu giáo mới tuân theo các kế hoạch tương tự cho các trường tiểu học ở London vào đầu năm nay. Một số trường tiểu học đã đóng cửa các con đường, nâng cấp nồi đun, xử lý động cơ chạy không tải và khuyến khích học sinh dùng chung xe.

“Chúng tôi ghi nhận các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm tại các trường tiểu học nơi chúng tôi đã tiến hành kiểm tra. Bằng cách nhân rộng các biện pháp này đến các trường mẫu giáo, chúng ta có thể chiến thắng trong cuộc chiến chống lại không khí ô nhiễm ở London và bảo vệ hàng ngàn trẻ nhỏ” - Khan khẳng định. 

VietHome (Theo Báo Tài Nguyên và Môi Trường)