Brexit: Giáo dục đại học Anh đối diện trật tự thế giới mới

Anh rời khỏi châu Âu, quyết định đã đến như một cú sốc – ít nhất là ở Vương quốc Anh, nơi chính nhiều người chọn 'ra đi’ đã không bao giờ mong giành chiến thắng.

20160702174723 brexit

Về cơ bản đây là một cuộc bỏ phiếu phản đối nhập cư nhuốm màu chủ nghĩa dân tộc, thậm chí phân biệt chủng tộc, và chính sách khắc khổ, một phản ứng bị trì hoãn từ lâu nhưng không thể tránh khỏi đối với các tình trạng bất bình đẳng sinh ra bởi chủ nghĩa tân tự do. Cuộc trưng cầu ý dân diễn ra trong một trạng thái khó chịu như thế. Hệ quả là EU trở thành kẻ bị đổ lỗi cho những bất bình lớn hơn.

Nhưng cái chết đã được bỏ phiếu, mặc dù rất nhiều bằng chứng cho thấy phần lớn nhân viên và sinh viên các trường đại học bỏ phiếu ở lại EU. Có lẽ không có cách nào trở lại - cho Anh (England); trong khi hiện giờ Scotland muốn độc lập và ở lại EU, nếu vậy Liên hiệp Anh 300 năm tuổi sẽ bị phá vỡ (nghịch lý là Liên hiệp này đã tạo ra một ‘Great Britain’ mà dân tộc này rất tự hào). Hệ quả của sự kiện này đối với giáo dục đại học Anh sẽ rất lớn - và hầu như có hại. Một trong những mối hại lớn nhất là mô hình 'thị trường' giáo dục đại học phát triển ở Anh trong mười năm qua sẽ không bị thử thách bởi một mô hình châu Âu phổ quát hơn, nhấn mạnh ‘chiều kích xã hội '. Chính phủ các nước châu Âu khác cũng có thể bỏ lỡ đòn bẩy kích thích theo mô hình của Anh để chống lại tính trì trệ, quan liêu trong hệ thống của họ. Như vậy, cả hai bên sẽ là kẻ thua cuộc.

Tất nhiên, hệ thống giáo dục đại học Anh sẽ không trôi nổi giữa Đại Tây Dương. Oxford và Cambridge là những đại học lâu đời nhất châu Âu, và vẫn thành công nhất. Điều cần nhấn mạnh là Anh vẫn là đối tác trong Tiến trình Bologna, một hoạt động liên chính phủ tương phản với một quá trình của EU, mặc dù trong tiến trình đó các quan chức Ủy ban châu Âu vẫn chiếm ưu thế. Nước Anh sẽ vẫn là một phần của Khu vực Giáo dục Đại học châu Âu (European Higher Education Area).

Mong muốn hợp tác với các đồng nghiệp đại học châu Âu của giới nghiên cứu giáo dục đại học Anh sẽ không bị suy giảm. Từ trước đến nay Anh luôn đóng vai trò nổi bật và tích cực trong các chương trình khung cho nghiên cứu và phát triển công nghệ. Do ngân sách tài trợ các chương trình này được phân phối dựa trên trên thành tích khoa học chứ không phải thông qua hạn ngạch quốc gia nên Anh, nước có rất nhiều trường đại học đẳng cấp thế giới, đã nhận được nhiều hơn ‘cổ phần’ của mình. Nỗi lo sợ nguồn tài trợ này sẽ bị mất là một yếu tố tạo nên cuộc đồng lòng ủng hộ EU của các nhà khoa học Anh.

Thực tế, các trường đại học Anh đã không quá nhiệt tình với chương trình trao đổi sinh viên, chẳng hạn Erasmus. Các hoạt động lưu chuyển như thế thường được đánh giá là không cân bằng do lượng sinh viên các nước châu Âu đến Anh nhiều hơn so với sinh viên Anh chuyển đến các nước khác. Có thể khá ngạo mạn khi nói rằng điều này do danh tiếng học thuật cao của các trường đại học Anh cũng như sự hấp dẫn của việc học tập ở một nước nói tiếng Anh trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu mới. Người Anh cũng đổ lỗi cho sự thiếu tiện lợi của chính họ trong các ngôn ngữ khác, mặt khác vấn đề là người ta ngày càng chấp nhận tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu - mặc dù yếu tố quan trọng có lẽ là do thời gian đào tạo trình độ cử nhân ngắn hơn, chỉ 3 năm, và điều này giúp rút ngắn thời gian lưu động.

Tuy nhiên, dù nguyên nhân là gì, khi rời EU Anh sẽ càng dè dặt hơn với vấn đề trao đổi sinh viên châu Âu. Ngoài ra, những rào cản mới sẽ ngăn sinh viên châu Âu học tập tại Anh. Học phí sẽ tăng bởi lẽ các sinh viên này sẽ không còn được đối xử tương tự sinh viên Anh (mặc dù, thực tế học phí giáo dục đại học Anh đã rất cao, cao hơn mức trung bình thậm chí hơn học phí ở Mỹ). Họ cũng có thể phải đối mặt với các rào cản nhập cư mới, vì chính phủ Anh hậu Brexit phải đấu tranh để nhượng bộ những người bình chọn rời khỏi EU bằng cách giảm lượng người nhập cư mà báo chí luôn theo dõi. Cũng cần nhớ rằng Erasmus và các chương trình lưu chuyển khác là sự biểu hiện cụ thể nhất, khả quan nhất về một châu Âu rộng lớn hơn. Những người trẻ tuổi ở Anh có thể đã bình chọn ở lại EU nhưng lá phiếu của họ đã bị lấn át bởi cha mẹ và ông bà hẹp hòi hơn họ.

Không nên đánh giá thấp tác động của Brexit về vai trò của Anh trong giáo dục quốc tế. Là một trong những điểm đến phổ biến nhất trên thế giới dành cho sinh viên quốc tế, nước Anh đã luôn đóng vai trò dẫn đầu quốc tế hóa giáo dục đại học - vì những lý do tốt đẹp (thúc đẩy sự hiểu biết toàn cầu, tăng cường cộng đồng học giả và các nhà nghiên cứu trên toàn thế giới) và cả những lý do không thực sự tốt (hưởng thêm thu nhập được tạo ra từ nguồn học phí sinh viên quốc tế). Nhưng sẽ là ngây thơ nếu tin rằng thông điệp của Brexit sẽ không được nhắc lại nhiều lần thế giới. Nó sẽ được bàn luận ở Trung Quốc, khu vực Đông Á, Nam Á, và qua cả Đại Tây Dương. Có thể dự đoán hai kết quả. Thứ nhất, lượng sinh viên quốc tế của Anh sẽ giảm, đặc biệt là nếu các nước châu Âu khác lấp bất kỳ khoảng trống nào bằng cách cung cấp thêm nhiều chương trình đào tạo bằng tiếng Anh với mức phí thấp. Thứ hai, sự tiếp cận quốc tế hóa của nước Anh thậm chí sẽ trở nên 'thương mại' ghê gớm hơn.

Cuối cùng, tiếng Anh sẽ tiếp tục là ngôn ngữ chung của châu Âu hay không? Có lẽ là có, bởi vì ưu thế thống trị của nó xuất phát từ thực tế, nó là ngôn ngữ làm việc của thế giới - và tất nhiên là ngôn ngữ nói ở Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thời là nền văn hóa đại chúng đáng chú ý. Tuy nhiên, tư cách thành viên EU của nước Anh có thể đóng góp vào sự chấp nhận đối với châu Âu và với cả cộng đồng Pháp ngữ. Mặc dù vị thế của tiếng Anh có thể không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng giờ đây chúng ta có thể đặt ra những câu hỏi thú vị về sự đa dạng ngôn ngữ - điều này không chỉ như sự tái khẳng định đầy lo ngại về chương trình nghị sự quốc gia mà còn là một lời nhắc nhở tích cực về vai trò được thực hiện bằng việc công nhận ‘sự khác biệt’ trong quá trình xây dựng hiểu biết và đoàn kết toàn cầu.

  • Theo VietNamNet