Cảnh báo hàng trăm người nhập viện vì norovirus gây viêm dạ dày

Vào tuần trước, số người nhập viện vì norovirus đã tăng gấp 3 lần so với cùng kì năm ngoái, gây áp lực lên các bệnh viện và trung tâm y tế. 

Số người nhiễm virus dạ dày mùa đông đã tăng lên tới con số hàng trăm ca nhiễm bệnh. Số người nhập viện vì tiêu chảy và viêm dạ dày đã tăng gấp 3 so với cùng kì năm ngoái. 

Trung bình mỗi ngày có tới 351 người nhập viện so với 126 người vào cùng kì năm ngoái. Trong số đó có 13 trẻ em, so với chỉ 3 trẻ vào năm 2022. 

NHS đang đối mặt với nhiều áp lực và đã phải mở rộng thêm 1500 giường so với năm ngoái, nâng tổng số giường lên 100,701 giường. Phần lớn vẫn là giường dành cho người trưởng thành, chiếm 95.3%. 

norovirus viem da day

Tiêu chảy do Norovirus, dùng thuốc gì?

Nhiễm Norovirus có thể khiến người bệnh bị tiêu chảy. Nguy hiểm nhất là tiêu chảy nhiều và liên tục có thể dẫn đến mất nước, nguy hiểm đến tính mạng. Vậy trong trường hợp này dùng thuốc gì?

1. Nhiễm Norovirus là gì?

Norovirus là một loại virus dễ lây lan, sống trong dạ dày và ruột. Virus này lây nhiễm dễ dàng qua tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với người bị bệnh. Đặc biệt, virus lây lan nhanh chóng trong những khu vực có không gian kín như bệnh viện, trường học và các cơ sở y tế.

Hầu hết mọi người đều từng nhiễm Norovirus. Norovirus cũng có thể là một nguồn gây ngộ độc thực phẩm do ăn phải thức ăn bị nhiễm. Có nhiều chủng Norovirus khác nhau nên một người có thể bị bệnh nhiều lần.

2. Biểu hiện của nhiễm norovirus là gì?

Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi tiếp xúc virus từ 12 đến 48 giờ. Nhiễm Norovirus thường gây tiêu chảy, đau bụng. Sau khởi phát, các triệu chứng kéo dài từ 24 đến 72 giờ. Nếu những triệu chứng này tiếp tục kéo dài hoặc xuất hiện máu trong phân, người bệnh nên đi khám bác sĩ sớm.

Mức độ triệu chứng có thể từ nhẹ đến nặng, bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn.
  • Đau quặn bụng hoặc đau bụng âm ỉ.
  • Tiêu chảy.
  • Sốt nhẹ.
  • Ớn lạnh.
  • Đau đầu.
  • Đau nhức toàn thân.

3. Mối nguy khi cơ thể bị mất nước do tiêu chảy

Nguy hiểm nhất khi tiêu chảy nhiều và liên tục là có thể dẫn đến mất nước. Đây là một trường hợp cần cấp cứu. Mất nước nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Đặc biệt là ở những người bị suy giảm miễn dịch, bệnh nhân có bệnh mạn tính, người già hoặc trẻ em, người từng cấy ghép nội tạng hoặc ghép tế bào gốc.

Người bệnh mất nước thường có dấu hiệu:

  •  Cảm giác khô miệng và họng.
  • Giảm lượng nước tiểu hoặc nước tiểu sậm màu.
  • Ở trẻ sơ sinh: tã của trẻ không ướt sau 6 đến 8 tiếng.
  • Trẻ em không đi tiểu trong 12 giờ.
  • Mắt trũng sâu.
  • Buồn ngủ và mệt mỏi.
  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Nhầm lẫn hoặc thờ ơ với ngoại cảnh
  • Nhịp tim nhanh.

Ngoài ra, trẻ khóc mà không tiết nước mắt hay quấy khóc liên tục cũng là những dấu hiệu thường gặp do tình trạng mất nước nặng.

4. Các biện pháp điều trị

Không có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Điều trị chủ yếu là hỗ trợ và ngăn ngừa biến chứng có thể xảy ra. Đa phần bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài ngày. Bên cạnh đó, bệnh nhân thường được khuyên nên nghỉ ngơi và uống đủ nước vì biến chứng nguy hiểm nhất của nhiễm Norovirus là mất nước.

Một số thuốc được dùng hỗ trợ trong bệnh tiêu chảy do norovirus:

4.1. Bổ sung nước và điện giải trong điều trị tiêu chảy

Hãy uống nhiều nước: Có thể sử dụng các đồ uống giàu chất điện giải như nước dừa, sữa, nước trái cây, sinh tố… Đặc biệt việc bổ sung nước và điện giải bằng oresol rất quan trọng.

 Cách pha oresol:

-Pha oresol với lượng nước đúng theo quy định ghi trên nhãn. Có gói yêu cầu pha vào 200ml nước, có gói pha với 500ml nước và cũng có gói phải pha vào 1 lít nước. Do đó, cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi pha và không tự ý chia nhỏ thuốc thành nhiều lần pha.

- Dùng nước nguội để pha thuốc oresol, không pha với nước khoáng vì trong nước khoáng có sẵn các ion điện giải sẽ làm sai lệch tỉ lệ các chất điện giải. Ngoài ra, sau khi pha xong, không được đun sôi dung dịch.

- Khi pha oresol vào nước sẽ có được một dung dịch hơi đục. Vì vậy, cần lắc hoặc khuấy kỹ trước khi uống. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng thuốc này, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Sau khi pha xong, cần uống hết dung dịch này trong vòng 24 giờ.

Liều dùng oresol đối với người lớn: 200ml đến 400ml dung dịch sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.

Liều dùng oresol đối với trẻ em:

- Trẻ từ 1 tháng tuổi đến 1 tuổi: 1 đến 1,5 thể tích 1 lần bú bình thường.

- Trẻ từ 1 đến 12 tuổi: 200ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.

- Trẻ từ 12 đến 18 tuổi: 200ml – 400ml sau mỗi lần mất nước do nôn hoặc tiêu chảy.

4.2. Thuốc tiêu chảy

Thuốc hấp phụ và bao phủ niêm mạc ruột: Smecta là loại thuốc tiêu chảy có tác dụng bao phủ và bảo vệ niêm mạc đường tiêu hóa. Smecta được chỉ định điều trị các triệu chứng đau của bệnh thực quản – dạ dày – tá tràng và đại tràng, tình trạng tiêu chảy cấp ở trẻ em và người lớn.

Thuốc tiêu chảy loperamid: Có tác dụng làm giảm các triệu chứng của bệnh tiêu chảy như giảm nhu động ruột, kéo dài thời gian vận chuyển qua ruột, giảm tiết dịch đường tiêu hóa, tăng vận chuyển nước và chất điện giải từ lòng ruột vào máu. Loperamid được chỉ định điều trị triệu chứng tiêu chảy cấp không biến chứng, hoặc tiêu chảy mạn ở người lớn. Tuy nhiên, thuốc chống chỉ định trong trường hợp tiêu chảy cấp ở trẻ em dưới 12 tuổi.

4.3. Men vi sinh Probiotics

Probiotics là vi khuẩn có lợi cho đường ruột, giúp cân bằng hệ vi sinh bằng cách kìm hãm sự tăng sinh của các loại vi sinh vật xấu. Hiện nay trên thị trường có hai loại Probiotics được khuyến cáo sử dụng trong trường hợp bị tiêu chảy là Saccharomyces boulardii và Lactobacillus acidophilus.

Saccharomyces boulardii có tác dụng tổng hợp vitamin nhóm B, kìm khuẩn, kích thích hệ miễn dịch không đặc hiệu. Saccharomyces boulardii được chỉ định dự phòng và điều trị tiêu chảy do dùng kháng sinh, tiêu chảy cấp. Do nấm men là các tế bào sống, nên không trộn vào nước hay thức ăn nóng, lạnh hoặc có rượu. Vì vậy, không dùng Saccharomyces boulardii với các thuốc chống nấm khác.

Lactobacillus acidophilus có khả năng tổng hợp vitamin nhóm B, cân bằng vi khuẩn cộng sinh trong ruột, kích thích miễn dịch không đặc hiệu của niêm mạc ruột và diệt khuẩn. Lactobacillus acidophilus được chỉ định các trường hợp tiêu chảy do loạn khuẩn ở ruột.

4.4. Thuốc hạ sốt

Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt paracetamol để giảm các triệu chứng sốt, nhức đầu, đau cơ. Tuy nhiên, cần uống thuốc theo đúng chỉ dẫn. Lưu ý, liều dùng từ 10 – 15 mg/kg/lần ở trẻ em, cách 4 – 6 giờ/lần. Không được sử dụng liên tục quá 3 ngày để hạ sốt hoặc 5 ngày liên tục để giảm đau.

4.5. Thuốc kháng sinh có tác dụng không?

Đây là bệnh do virus gây ra nên kháng sinh không có hiệu quả gì trong điều trị tiêu chảy do Norovirus. Bên cạnh đó, sử dụng kháng sinh không hợp lý làm gia tăng tỷ lệ vi khuẩn đề kháng kháng sinh và gây rối loạn tiêu hóa, làm trầm trọng thêm tình trạng tiêu chảy, gây mất nước và điện giải.

4.6. Thuốc kháng virus

Với bệnh nhân Noroviruses, việc sử dụng thuốc kháng virus không có tác dụng. Hầu hết mọi người không có bất kỳ vấn đề gì gây ra do virus. Với những người khỏe mạnh, bệnh tự hết trong vòng một vài ngày.

4.7. Thuốc chống nôn

Không sử dụng các thuốc chống nôn thường quy cho trẻ em, nếu trẻ nôn nhiều cần sự thăm khám của bác sĩ.

Lưu ý, những đồ uống dành cho việc chơi thể thao, kem hay nước canh chỉ nên dùng cho trẻ lớn hoặc người lớn. Nên tránh xa đồ uống nhiều đường vì những thức uống này có thể làm tiêu chảy trầm trọng hơn. Ngoài ra, cũng nên tránh những đồ uống chứa caffein hay cồn trong khi đang bị bệnh.

5. Chế độ ăn phù hợp khi mắc norovirus

Trẻ sơ sinh nếu bị bệnh nên tiếp tục bú mẹ hoặc sữa công thức trong khi bổ sung thêm nước.

Trẻ em và người lớn có thể lựa chọn những thức ăn sau để bổ sung nếu cảm thấy đói bụng trong thời gian bị bệnh: Súp, cơm, trứng, khoai tây, bánh mì hoặc bánh qui, trái cây tươi, sữa chua, rau nấu chín, thịt nạc như thịt gà và cá...

Ngoài ra, trong thời gian bị bệnh, bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà, tránh làm việc quá sức hay căng thẳng.

6. Khi nào cần đi viện?

Nhiễm Norovirus là một bệnh phổ biến gây ra những triệu chứng như tiêu chảy, đau bụng, sốt và đau nhức toàn thân. Thông thường, bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 3 ngày có triệu chứng. Một số người có cơ địa nhạy cảm như người già và trẻ em có thể bị mất nước và diễn tiến nặng nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, trong thời điều trị, nếu xuất hiện những bất thường cần đến bệnh viện ngay:

- Nếu có sốt.

- Nếu tiêu chảy kéo dài hơn 3 ngày.

- Có máu trong phân.

- Có tiền sử bệnh mạn tính trước đây.

- Nếu triệu chứng không giảm sau khi uống thuốc.

- Không uống được nước hoặc những chất lỏng khác.

7. Lời khuyên của bác sĩ trong phòng ngừa nhiễm Norovirus

Hiện nay, chưa có vaccine giúp ngăn ngừa bệnh này. Tuy nhiên, tuân thủ theo những biện pháp sau có thể giúp giảm nguy cơ lây bệnh xuống thấp nhất:

- Rửa tay sau khi đi vệ sinh, thay tã hoặc chăm sóc người bệnh. Khi rửa tay, tốt nhất bạn nên rửa bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.

- Khi chăm sóc người bị nhiễm, hãy đeo găng tay và sử dụng túi nilon để dọn dẹp các chất bẩn hoặc tã lót. Sau đó có thể sử dụng chất khử trùng hoặc dung dịch chứa clo để làm sạch các bề mặt nhiễm bẩn.

- Không dùng thức ăn hoặc đồ uống do người bị nhiễm virus chế biến.

- Rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn và khi ăn.

- Rửa tất cả thức ăn trước khi ăn hoặc trước khi chế biến.

- Không nên ăn hải sản sống hoặc nấu chưa chín.

- Những người có triệu chứng nên ở tại nhà. Điều này đặc biệt quan trọng nếu người bệnh làm trong ngành dịch vụ ăn uống, chăm sóc sức khoẻ hoặc giáo dục. Trẻ em bị bệnh cũng không được đến trường, nhà trẻ hoặc tham gia những hoạt động cộng đồng.

- Tạm dừng kế hoạch du lịch cho đến khi bình phục hoàn toàn.

- Không đi bơi ở những bể bơi công cộng khi bị tiêu chảy.

- Rửa tay đúng cách và thường xuyên là cách tốt nhất phòng ngừa nhiễm norovirus.

Cần lưu ý rằng, người bệnh vẫn có thể lây lan virus trong 2 tuần sau khi hết triệu chứng. Do đó trong khoảng thời gian này, người bệnh nên thực hiện những bước trên để bảo vệ những người xung quanh. 

Viethome (theo MyLondon)