Bùng phát loại virus mới nguy hiểm không kém Ebola

Thế giới đã ghi nhận hai ca tử vong do loại một loại virus mới có tỷ lệ gây tử vong trung bình lên đến 50%.

Các nhà chức trách tại một quốc gia ở Tây Phi đã đưa ra cảnh báo khi sự xuất hiện của virus Marburg được ghi nhận ở khu vực phía nam Ghana. Hai người nhiễm virus này đã tử vong trong khi gần 100 người khác đang phải cách ly.

Triệu chứng khi nhiễm Marburg giống với Ebola. Virus sẽ tấn công người bệnh đột ngột gây ra sốt cao, đau đầu dữ dội, xuất huyết nội và xuất huyết ngoại. Hai bệnh nhân nói trên đều đã bị tiêu chảy, sốt, buồn nôn và nôn trước khi tử vong tại bệnh viện.

virus moi ebola

Mẫu máu lấy từ hai bệnh nhân ở vùng Ashanti, phía nam Ghana đã cho kết quả dương tính vào ngày 10/7. Sau đó, các mẫu xét nghiệm này được gửi đến Viện Pasteur ở Senegal để xác nhận lại kết quả chẩn đoán, Sở Y tế Ghana (GHS) cho biết. 

Hiện nay, không có vắc-xin hay phương pháp điều trị nào đối với loại virus có khả năng lây nhiễm cao và gây chết người gần như Ebola này.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ tử vong trong các ca nhiễm được ghi nhận dao động từ 24-88% trong các đợt bùng phát trước đó ở các quốc gia khác, tuỳ thuộc vào chủng vi-rút và cách điều trị.

Virus Marburg đã xuất hiện từ năm 1967, và ngoài các nước châu Phi thì cũng tìm thấy ở một số quốc gia châu Âu như Đức, Serbia rải rác theo từng năm… Trước đây, người ta gọi những trường hợp nhiễm virus Marburg là bệnh xuất huyết Marburg, vì bệnh nhân sẽ bị chảy máu đầm đìa.

Virus Marburg không lây qua không khí, khí dung hay giọt bắn như SARS-CoV-2 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp phổ biến mà chủ yếu thông qua dịch tiết cơ thể và đường máu, nếu cơ thể người tiếp xúc trực tiếp.

Người nhiễm bệnh có hậu quả rất nghiêm trọng, như sốt nặng, máu chảy ra toàn thân. Đến khoảng ngày 9-10 của bệnh thì tử vong. Tỷ lệ chết của bệnh rất cao, nằm trong khoảng 50-80% và thậm chí cao hơn. Ở những nước điều trị tốt, tỷ lệ tử vong cũng là 30%.

Có thể bùng dịch không? 

Vì phải tiếp xúc trực tiếp với người bệnh mới bị lây, đối tượng nguy cơ của bệnh này là nhân viên phòng thí nghiệm, nhân viên y tế, hay nhân viên tang lễ. Virus Marburg tồn tại trong một số loài dơi ăn quả, khỉ sống trong rừng rậm ở châu Phi nên khả năng bị nhiễm khi tiếp xúc tự nhiên chỉ diễn ra ở một số khu vực nhất định.

Ở châu Phi kiến thức về tiệt trùng, giữ vệ sinh của người dân còn hạn chế, cũng như có thói quen giữ thi thể trong nhà nên bệnh rất dễ lây lan.

Virus Marburg nguy hiểm ở chỗ, người nhiễm bệnh đã chết rồi, máu chảy ra và người sống vô tình chạm trúng máu với chỗ trầy xước trên cơ thể, hay quẹt vào mắt, niêm mạc mũi thì cũng bị lây và bệnh rất nặng. Trong khi đó, nếu bệnh nhân Covid-19 đã chết, không còn thở nữa thì nguy cơ nhiễm bệnh gần như không có.

Ngoài ra, ở nam giới sau khi nhiễm bệnh, trong tinh trùng có thể còn tồn tại virus Marburg trong khoảng 12 tháng, do đó có thể lây lan cho bạn tình nếu quan hệ tình dục không an toàn, không dùng bao cao su trong khoảng thời gian trên.

Cafef (theo MSN)