Cảnh báo bệnh bại liệt lây lan từ nước thải ở Bắc và Đông London

Các cơ quan y tế đã khởi động một cuộc điều tra khẩn cấp về khả năng bùng phát bệnh bại liệt sau khi virus bệnh này được tìm thấy trong nước thải từ Bắc và Đông London.

Cơ quan An ninh Sức khỏe Anh (UKHSA) đã tìm thấy virus bại liệt trong các mẫu nước thải được thu thập từ công ty Xử lý Nước thải Beckton và kêu gọi công chúng đảm bảo tiêm đầy đủ vắc-xin bại liệt, đặc biệt là trẻ nhỏ.

Cho đến nay, vẫn chưa phát hiện ca mắc bại liệt liên quan đến khu xả thải và nguy cơ đối với cộng đồng được đánh giá là thấp.

Nhưng trong một số trường hợp hiếm, virus có thể dẫn đến tê liệt tủy sống và thân não ở những người không được tiêm chủng.

Virus đã được tìm thấy trong các mẫu nước thải thu thập từ tháng 2 đến tháng 5.

Virus bại liệt mới chỉ được phát hiện trong các mẫu nước thải và chưa phát hiện ca bệnh có liên quan, nhưng các cuộc điều tra sẽ xác định xem virus có lây lan trong cộng đồng hay không.

Trường hợp mắc bệnh bại liệt “hoang dã” (WVP) cuối cùng ở Anh được ghi nhận vào năm 1984 và Anh được tuyên bố không có bệnh bại liệt vào năm 2003.

Tiến sĩ Vanessa Saliba - Nhà tư vấn Dịch tễ học tại UKHSA, cho biết: “Virus bại liệt có nguồn gốc này là rất hiếm và nguy cơ đối với cộng đồng nói chung là cực kỳ thấp nhưng chúng có khả năng lây lan, đặc biệt là ở các cộng đồng có mức độ hấp thụ vaccine thấp. Trong một số trường hợp hiếm hoi, chúng có thể gây tê liệt ở những người không được tiêm chủng đầy đủ, vì vậy nếu bạn hoặc con chưa tiêm vaccine bại liệt đầy đủ, hãy liên hệ với bác sĩ gia đình hoặc kiểm tra hồ sơ tiêm vaccine”.

“Hầu hết dân số Anh quốc sẽ được bảo vệ nhờ đã tiêm phòng khi còn nhỏ, nhưng ở một số cộng đồng có tỷ lệ bao phủ vaccine thấp, người dân có thể vẫn gặp rủi ro. Chúng tôi đang khẩn trương điều tra để hiểu rõ hơn về mức độ lan truyền và NHS đã được yêu cầu nhanh chóng báo cáo mọi trường hợp nghi ngờ mắc bại liệt cho UKHSA”.

4polioKhu xử lý chất thải Beckon

Jane Clegg, y tá trưởng của NHS ở London cho biết thêm: “Phần lớn người dân London được bảo vệ đầy đủ chống lại bệnh bại liệt và sẽ không cần thực hiện thêm hành động phòng chống, nhưng NHS sẽ bắt đầu liên hệ với phụ huynh của trẻ em dưới 5 tuổi ở London chưa tiêm đầy đủ vaccine. Trong khi đó, phụ huynh có thể kiểm tra tình trạng tiêm chủng cho con trong sổ tiêm chủng và liên hệ với bác sĩ đa khoa để đặt lịch tiêm chủng”.

Anh quốc được Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá là không có bệnh bại liệt với nguy cơ lây truyền bệnh thấp do mức độ bao phủ vaccine trên toàn dân cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine cho trẻ em đã giảm trên toàn quốc và đặc biệt là ở các vùng của London trong vài năm qua.

Quy trình giám sát nước thải đang được đánh giá để cân nhắc mức độ lây truyền và xác định các khu vực địa phương có nguy cơ để có hành động xử lý.

Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe đã được cảnh báo để có thể nhanh chóng điều tra và báo cáo người có triệu chứng mắc bại liệt.

Nhà máy phát hiện virus hoạt động trong khu vực rộng trên khắp Bắc và Đông London với dân số gần bốn triệu người.

Thử nghiệm được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm chuyên biệt về bệnh bại liệt toàn cầu của WHO tại viện Tiêu chuẩn và Kiểm soát Sinh học Quốc gia (NIBSC), thuộc cơ quan Quản lý Thuốc và Sản phẩm Chăm sóc sức khỏe (MHRA).

Trung tâm tiến hành giám sát môi trường định kỳ đối với các loại vi rút bại liệt hoang dã và giống vắc xin theo cam kết của Vương quốc Anh đối với chương trình loại trừ bệnh bại liệt toàn cầu của WHO.

Virus có thể lây lan từ người sang người trong cộng đồng chưa được tiêm chủng do vệ sinh tay kém, nước và thực phẩm bị ô nhiễm, lây qua ho và hắt hơi.

Trong quá trình lây lan, vi rút có thể biến đổi thành chủng khác.

Bệnh bại liệt là gì?

Bại liệt là một bệnh hiếm gặp và đe dọa tính mạng do virus bại liệt gây ra.

Virus lây lan có thể do vệ sinh tay kém (người bệnh không rửa tay đúng cách sau khi đi vệ sinh và sau đó chạm vào thức ăn/nước uống của người khác) hoặc ho và hắt hơi.

Virus phát triển trong ruột và người nhiễm sẽ bài tiết một lượng lớn virus qua phân.

Khi lây nhiễm vào tủy sống, virus sẽ gây tê liệt (suy nhược các bộ phận của cơ thể).

Hầu hết người mắc bệnh bại liệt sẽ không có triệu chứng và cơ thể sẽ tự chống lại sự lây nhiễm.

Một số ít người sẽ có các triệu chứng giống như cúm từ 3 đến 21 ngày sau khi nhiễm virus.

Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Thân nhiệt cao (sốt) từ 38°C (100.4°F) trở lên
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Đau bụng
  • Đau cơ bắp
  • Cảm thấy buồn nôn

Các triệu chứng thường sẽ hết trong khoảng một tuần.

Trong một số ít trường hợp, khoảng từ 1/100 đến 1/1000 trường hợp nhiễm, virus bại liệt sẽ tấn công các dây thần kinh ở cột sống và nền não, gây tê liệt, thường là ở chân, trong nhiều giờ hoặc nhiều ngày.

Nếu cơ thở bị ảnh hưởng, tính mạng của người bệnh có thể bị đe dọa.

Các bậc cha mẹ được khuyến cáo đưa con đi khám ngay lập tức nếu trẻ có triệu chứng bất thường.

Các triệu chứng bao gồm chân của trẻ bỗng nhiên mềm và yếu.

Đôi khi các cơ của đầu và cổ sẽ bị ảnh hưởng.

Khi bị bại liệt, người bệnh có thể vận động trở lại trong vài tuần và vài tháng tới nhưng vẫn có thể gặp di chứng.

Các chuyên gia y tế cho biết cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh bại liệt là đảm bảo trẻ được tiêm chủng đầy đủ.

Chủng ngừa bại liệt được tiêm khi trẻ:

  • 8, 12 và 16 tuần tuổi, thuộc mũi 6 trong 1
  • 3 tuổi 4 tháng trong chương trình tiêm tăng cường 4 trong 1 (DTaP / IPV)
  • 14 tuổi, tiêm theo chương trình tiêm tăng cường 3 trong 1 (Td / IPV) dành cho thanh thiếu niên

Viethome (Theo My London)