Biến thể kháng vaccine MU đã biến mất

Biến thể Mu từng gây lo ngại vì khả năng kháng vaccine đã không còn được phát hiện ở bất cứ đâu trên thế giới trong hơn nửa tháng qua.

Trước đó, hồi tháng 9, thông tin về biến chủng COVID-19 có tên Mu, hay B.1.621, được cho là có khả năng tránh được miễn dịch, đã khiến thế giới bàng hoàng. Vào thời điểm đó, kịch bản một biến thể kháng vaccine đã gây ra làn sóng lo sợ khắp thế giới.

Nhưng hiện tại, gần một tháng sau, dữ liệu từ trang theo dõi dịch bệnh outbreak.info cho biết biến thể Mu đã không còn được phát hiện ở Mỹ, hay bất kỳ đâu trên thế giới kể từ ngày 21/9/2021.

Một xu hướng tương tự đã được chứng kiến với biến thể Alpha, hay B.1.1.7 , lần đầu được phát hiện ở Anh. Tuy nhiên, do không phải tất cả các ca nhiễm đều được lấy mẫu và xét nghiệm ADN, nên không có cách nào để biết chắc chắn tuyệt đối các biến thể có thực sự còn tồn tại hay không, đặc biệt là khi tỷ lệ ca dương tính với COVID-19 vẫn còn cao.

Theo các nhà khoa học, một lý do có thể là do sự thống trị của Delta so với các chủng khác. Dù biến thể Delta dễ lây hơn 50% so với các biến thể trước đó, biến thể Mu lại có một loạt các đột biến đáng lo ngại của riêng nó mà đáng chú ý nhất là khả năng “kháng vaccine”.

bien the mu

Biến thể Mu là gì?

Biến thể Mu là một trong những biến thể mới của virus Sars-Cov-2, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào ngày 30/8, xuất hiện lần đầu tiên tại Colombia, với tên gọi khác là B.1621. Chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, Mu đã nhanh chóng xuất hiện tại 40 quốc gia, song chỉ gây ra khoảng 0.1% số ca nhiễm trên toàn cầu.

Cơ quan Quản lý dược phẩm Châu Âu (EMA) từng bày tỏ lo ngại về biến chủng Mu. Theo thông tin từ hãng thông tấn AFP, Marco Cavaleri, người đứng đầu chiến lược vắc xin của Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (EMA) cho biết, cơ quan này chủ yếu đang tập trung vào biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng EMA lơ là việc theo dõi  các biến thể virus khác đang từng bước đe dọa cuộc sống người dân trên toàn thế giới như biến thể Lambda, biến thể Mu.

“Thậm chí, biến thể Mu còn có khả năng gây lo ngại nhiều hơn biến thể Delta vì khả năng thoát miễn dịch và lây truyền cao. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có dữ liệu cho thấy biến chủng này có thể vượt biến chủng Delta về mức độ nguy hiểm”, ông Marco Cavaleri cho biết thêm.

Theo các nhà khoa học, biến thể Mu chứa đột biến P681H, được tìm thấy lần đầu tiên trong biến thể Alpha, tăng khả năng lây truyền của virus. Tuy nhiên, các cuộc nghiên cứu về vai trò của đột biến P681H với virus hiện vẫn đang còn dang dở và chưa được giới hàn lâm bình xét chính thức, nên không thể kết luận về vai trò của P681H với Mu. Mặt khác, Mu còn mang hai đột biến là E484K và K417N, khiến mầm bệnh trốn tránh kháng thể. Hai đột biến này trước đó đã được tìm thấy trong biến thể Beta và được chứng minh khiến nhiều loại vắc xin kém hiệu quả hơn.

Theo Medical News, nhóm chuyên gia Nhật Bản đến từ Đại học Tokyo, Kyoto, Chiba và Tokai đã cảnh báo biến thể Mu có khả năng kháng vắc xin, miễn dịch tự nhiên, thậm chí cao hơn các biến chủng đáng quan ngại (VOC) hoặc đáng chú ý (VOI) khác mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã cảnh báo.

Để có được kết quả này, nhóm các nhà nghiên cứu tạo ra các dạng giả virus chứa protein đột biến của Mu hoặc những biến chủng VOI/VOC khác. Các cuộc thử nghiệm trung hòa virus cho thấy chủng Mu có khả năng chống lại kháng thể của 8 bệnh nhân đang điều trị Covid-19, cao gấp 12,4 lần so với chủng virus gốc ban đầu. Ngoài ra, Mu có khả năng kháng huyết thanh cao gấp 7,6 lần ở 10 đối tượng đã được tiêm vắc xin Pfizer. Nếu so sánh với biến thể Beta, các pseudovirus của biến thể Mu có khả năng kháng lại kháng thể tự nhiên ở những người đã khỏi Covid-19 cao hơn đáng kể.

Các chuyên gia cho biết, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do nhiều loại đột biến mà biến thể Mu có được.

Nghiên cứu được công bố trên Wiley Online Library cũng đã cho thấy vắc xin Pfizer kém hiệu quả hơn với Mu. Dù vậy, khả năng bảo vệ của vắc xin trước kháng thể vẫn rất mạnh mẽ. Đầu tháng 8, hãng thông tấn lớn nhất thế giới Reuters cũng đưa tin 7 người được tiêm phòng đầy đủ tại viện dưỡng lão ở Bỉ đã tử vong sau khi nhiễm biến thể Mu.

Các cuộc nghiên cứu về biến chủng Mu hiện vẫn còn chưa hoàn chỉnh, nhóm đối tượng nghiên cứu vẫn còn khá hạn chế nên chưa thể kết luận bất cứ điều gì về khả năng lây truyền và kháng vắc xin của Mu.

Theo VNVC