Các clip quay lén lan truyền có thể thúc đẩy hành vi lạm dụng, bạo lực đối với phụ nữ ngoài đời thực, nhưng vẫn đang là 'điểm mù' trong chính sách an toàn của nền tảng mạng xã hội.
Amy Adams (23 tuổi), nhà phân tích kinh doanh kiêm người mẫu ở Manchester, Anh, đã tận hưởng tối cuối tuần vui vẻ với những người bạn. Nhưng sáng hôm sau, người quen bắt đầu gửi cho cô hai clip kỳ lạ thu hút hàng triệu lượt xem trên TikTok.
Clip ghi cảnh Adams bước vào quán bar, đi bộ trên đường phố. Hình ảnh đôi khi zoom cận vào các bộ phận trên cơ thể cô. Adams cảm thấy rùng mình khi biết rằng ai đó đã bí mật quan sát, theo dõi và quay lén cô.
Nỗi sợ hãi cùng sự kinh tởm tăng lên gấp bội khi cô lướt xuống xem những bình luận bên dưới clip. "Họ bình phẩm về ngoại hình, trang phục của tôi. Những thứ bạn mặc đáng ra không thể trở thành cái cớ để người khác có thể quay lén, lạm dụng và căm ghét bạn".
Adams chỉ là một trong rất nhiều phụ nữ bị quay lén. Một loạt video có tên "Manchester Nightlife" đã lan truyền trên TikTok hồi tháng 4 với hơn 6,8 triệu lượt thích. Một clip thu hút đến 7,8 triệu lượt xem trên TikTok, và khi được chia sẻ trên X, con số này lên đến 37,6 triệu. Những đoạn video được quay ở các thành phố lớn khác như London, Liverpool cũng có hàng triệu mắt xem.
Nhiều tài khoản đăng tải các clip này có hàng trăm nghìn follower, như "Walking in China" có 381.000 người theo dõi, "Walked Around" có 41.000 người theo dõi, "Traveller's Tour" có 125.000 người theo dõi và "Big City Night" có 10.000 người theo dõi.
Các clip quay lén phụ nữ trên đường phố Manchester vẫn phổ biến trên mạng xã hội.
Clip quay lén phụ nữ núp bóng mô tả cuộc sống về đêm
Các video đang kích động những hành vi sai trái đáng lo ngại vì ngôn từ ác ý trên mạng có khả năng chuyển thành bạo lực trong thế giới thực.
Một cuộc khảo sát với 7.500 người trưởng thành của Đại học Mở (Anh) vào năm ngoái cho thấy 15% phụ nữ đã từng bị bạo lực trực tuyến và 13% cho biết điều này đã tiến triển thành bạo lực ngoại tuyến.
Để hiểu tác động của hành vi khinh thường phụ nữ trên mạng, hãy nhìn vào trường hợp của Andrew Tate, người có quan điểm thù ghét phái nữ khiến anh ta trở nên nổi tiếng trên TikTok trước khi bị bắt. Nghiên cứu của Internet Matters cho thấy gần một phần tư (23%) nam sinh trong độ tuổi 15-16 có ấn tượng tích cực về Andrew Tate.
Một vấn đề khác của những clip này là sự đồng thuận và việc quay lén khiến phụ nữ cảm thấy không an toàn ở nơi công cộng như thế nào. Mặc dù việc ghi hình ai đó ở nơi công cộng mà không có sự đồng ý không phải là bất hợp pháp ở nhiều quốc gia, trong đó có Anh, hành vi này có thể bị coi là tội phạm nếu cấu thành hành vi quấy rối. Vào thời điểm lan truyền xu hướng "Manchester Nightlife", cảnh sát Greater Manchester (GMP) nói với BBC rằng họ đang tích cực làm việc để truy bắt những người thực hiện video.
"Nó khiến bạn cảm thấy không an toàn. Là một phụ nữ ra ngoài đi chơi, bạn đã có đủ điều phải lo lắng và việc biết ai đó đang bí mật ghi hình để đăng lên mạng chỉ càng làm tăng thêm điều đó. Tôi biết quay phim ở nơi công cộng là hợp pháp, nhưng vấn đề là mục đích đằng sau những video này và cách phụ nữ bị miệt thị, khinh thường trong các bình luận mà không có sự đồng ý của họ", Adams cho biết.
Hayyin Fan, luật sư tại Bolt Burdon Kemp, cho biết các video được gắn mác "mô tả cuộc sống về đêm" ở một thành phố nhằm che giấu mục đích thực sự của chúng. "Hàng loạt các bình luận sai lệch dưới những video này hoàn toàn có thể làm tăng nguy cơ lạm dụng và quấy rối phụ nữ", bà nói.
"Điểm mù" của nền tảng
Xu hướng "Manchester Nightlife" chỉ là một ví dụ khác về cách đàn ông xâm phạm quyền riêng tư của phụ nữ nhằm mục đích giải trí. 10 năm trước, một nhóm Facebook lan truyền có tên "Women Who Eat on Tubes" - nơi đăng những bức ảnh chụp lén phụ nữ trên tàu điện ngầm ở London - đã gây ra phản ứng dữ dội xung quanh sự xấu hổ và coi thường tập thể.
Năm 2019, chiến dịch kéo dài một năm của Gina Martin đã dẫn đến việc chụp lén dưới váy, với ý định xem bộ phận sinh dục hoặc mông của một người, bị coi là phạm tội hình sự ở Anh.
Anthea Sully, Giám đốc điều hành của phong trào chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái White Ribbon, cho rằng khi thái độ quấy rối và coi thường phụ nữ được chấp nhận, bạo lực cũng sẽ bị bình thường hóa.
"Những thái độ này tạo ra một nền văn hóa cho phép đàn ông thực hiện hành vi bạo lực và lạm dụng phụ nữ trực tuyến lẫn ngoại tuyến. Điều này rất nguy hiểm và trở thành đổ lỗi ngược cho nạn nhân, khiến phụ nữ phải chịu trách nhiệm đối với hành vi lạm dụng nhằm vào họ", bà nói.
Trong quý đầu tiên của năm 2023, 30,6% video bị xóa khỏi TikTok trên toàn thế giới là do vấn đề an toàn cho trẻ vị thành niên và 14,7% là do ảnh khỏa thân của người lớn và hoạt động tình dục. Quay lén, nếu không thể hiện rõ ràng khỏa thân hay tình dục bằng hình ảnh, có thể vẫn là "điểm mù" trong chính sách an toàn của nền tảng.
Trong xu hướng "Manchester Nightlife", ban đầu TikTok chỉ xóa các bình luận bị báo cáo vi phạm chính sách cộng đồng. Phải mất một khoảng thời gian sau đó, TikTok và YouTube mới xóa một số video và tài khoản liên quan đến nội dung này.
Tuy nhiên, hiện tại, các clip quay lén phụ nữ trên đường phố, trong đó có cả "Manchester Nightlife", vẫn nhan nhản trên cả hai nền tảng.
Người phát ngôn của TikTok cho biết: "Việc coi thường phụ nữ bị cấm trên TikTok. Bất kỳ nội dung nào bị phát hiện vi phạm các nguyên tắc này sẽ bị xóa".
Derigan Silver, Trưởng khoa truyền thông, phim ảnh và báo chí của Đại học Denver, nói rằng ngoài pháp luật, còn có nhiều cách khác để điều chỉnh hành vi của mọi người trên mạng. "Có công nghệ, có các chuẩn mực văn hóa và có cả vấn đề về thị trường. Chúng ta có thể gây áp lực lên các nền tảng và nói: 'Hãy ngừng kiếm tiền từ những tài khoản này'. Hoặc họ có thể tạo ra công nghệ khiến việc tải lên tài liệu vi phạm quyền riêng tư trở nên khó khăn hơn. Hoặc chúng ta có thể khiến người dụng mạng xã hội cùng nói rằng: 'Tôi sẽ ngừng xem nội dung này'", ông Silver nói.
ZNews (Glamour, People Visual)