London: Cảnh báo tình trạng tội phạm dụ dỗ trẻ em phạm pháp

Các đối tượng thường lui tới nhà riêng và trường học với ý đồ đưa những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt vào con đường phạm pháp.

Cảnh sát Metropolitan cho biết cách thức này thường được các băng đảng ở các quận sử dụng để nhắm tới những trẻ em dễ bị tổn thương nhất ở London. Bóc lột về tình dục và cực đoan hóa cũng là những vấn đề gây quan ngại.

Các đối tượng có thể rình rập quanh các góc phố và tiếp cận khi các em đang đi bộ tới trường học hoặc trên đường về nhà. Chúng dụ dỗ các em “kiếm tiền nhanh chóng”, một chuyên gia cho biết. Những em khác có thể bị dụ dỗ trong vài tháng, theo cách thức trực tiếp hoặc qua mạng.

Thanh tra thám tử Bediako Ahenkora - thuộc đơn vị tội phạm chuyên biệt của Metropolitan, đã nêu rõ vấn đề này trong cuộc phỏng vấn độc quyền với các phóng viên.

Vị thám tử dẫn đầu một trong năm đội điều tra chống tội phạm có tổ chức, chế độ nô lệ hiện đại và bóc lột trẻ em.

Ông Ahenkora nói: “Những kẻ muốn bóc lột trẻ em thường tìm kiếm trẻ dễ bị tổn thương. Có nhiều cách khác nhau để dụ dỗ các em".

"Tội phạm đang tiếp cận trẻ em trên đường phố. Chúng không chỉ tìm tới trại trẻ mồ côi và trường học mà còn rất nhiều nơi khác như taxi và cửa hàng thức ăn nhanh. Sau khi gia nhập, một số trẻ em tiếp tục chiêu mộ bạn bè cùng lứa và mở rộng mạng lưới. Mạng xã hội cũng tiềm ẩn nguy cơ”.

19londonDịch bệnh cũng khiến trẻ có nguy cơ bị tội phạm dụ dỗ hơn

Theo Hiệp hội Trẻ em, có tới 4,000 thanh thiếu niên bị tội phạm bóc lột và trẻ em - nhiều bé mới chỉ 6 tuổi, bị buộc phải vận chuyển và buôn bán chất cấm.

Ông Ahenkora - Thạc sĩ tội phạm học tại đại học Cambridge, cho biết các yếu tố kinh tế xã hội khiến người trẻ tuổi dễ bị bóc lột. Các yếu tố bao gồm sống trong trại trẻ mồ côi, không được đến trường, nghèo đói và thiếu thốn, bị cô lập xã hội, khó khăn trong hành vi, bị bắt nạt và học kém.

Ông Ahenkora nói: “Covid cũng có thể tạo thêm sự thiệt thòi cho nhiều em. Đối với một số trẻ, khoảng cách về trình độ giáo dục đã tăng lên do phong tỏa”.

"Vì vậy, chúng tôi không chỉ nhìn vào tội ác đang diễn ra mà cố gắng hiểu tất cả các yếu tố đằng sau. Một khía cạnh khác cần xem xét là London và cộng đồng của chúng ta đang thay đổi như thế nào, và chú ý đến những sự kiện có khả năng thay đổi thành phố”.

Công tác phòng chống

Metropolitan đang làm việc với các trường đại học, tổ chức từ thiện và chính quyền địa phương để hiểu thêm về vấn đề và hướng trẻ em tránh xa tội phạm.

Trong trường hợp tội phạm dụ dỗ trẻ trong một khu vực cụ thể, các dịch vụ xã hội có thể đi cùng các em đến trường trong khi cảnh sát tuần tra khu vực xung quanh.

Chủ cửa hàng ở các khu vực có nguy cơ cũng có thể được tư vấn về các dấu hiệu đáng ngờ và cách hỗ trợ trẻ em.

Ông Ahenkora nói thêm: “Chúng ta cần tuyên truyền về tình trạng bóc lột trẻ em để mọi người cảnh giác”. Giáo dục là biện pháp phòng ngừa chính với nhiều chương trình đang diễn ra trên khắp thủ đô.

Second Wave Youth Arts ở Deptford là ví dụ về chiến dịch tập trung vào giáo dục cách giữ an toàn trên mạng và chống lại hành vi dụ dỗ online.

Ngoài ra, chiến dịch Anzen ở Newham đã thành công trong việc giúp trẻ tránh bị lợi dụng, đặc biệt là công tác kết hợp với cơ quan chức năng để đánh giá rủi ro và bảo vệ trẻ em.

Ở Lambeth và Southwark - câu lạc bộ Quyền anh Dwaynamics tổ chức các sự kiện dành cho trẻ có nguy cơ gặp rủi ro, giúp các em tránh xa văn hóa băng đảng, tội phạm bằng dao và bạo lực bằng súng.

Trẻ thường khó mở lời với cảnh sát do vấn đề về lòng tin, sợ bị trả thù và tổn thương. "Đây là lý do tại sao chúng tôi phải làm việc với cộng đồng để mọi người có thể được hỗ trợ", thám tử Ahenkora nói.

Viethome (Theo Evening Standard)