London: Nhiều nơi đồng loạt biểu tình, chín người bị bắt

Hàng nghìn người biểu tình "Kill the Bill" đã đổ xuống trung tâm London và tụ tập quanh quảng trường Trafalgar và the Mall.

2london

Nhiều hoạt động biểu tình đã diễn ra tại London vào hôm qua 1/5

Đây là sự kiện mới nhất trong loạt biểu tình chống Dự luật Cảnh sát, Tuyên án Tội phạm và Tòa án. Dự luật đề xuất trao cho cảnh sát nhiều quyền hơn để ngăn chặn hành vi biểu tình quá ồn ào hoặc gây rối.

Cuối buổi chiều, những người biểu tình tiến về Bộ Nội vụ. Người tham dự đã đốt pháo sáng và đeo các tấm biểu ngữ.

Cuộc biểu tình, được dẫn đầu bởi tổ chức từ thiện chống bạo lực gia đình Sisters Uncut, cũng có nhiều biểu ngữ ủng hộ của nhóm hoạt động môi trường Nổi dậy chống Tuyệt chủng (XR) và phong trào Black Lives Matter (Người da màu đáng được sống). Dự luật mới được soạn thảo một phần để đáp lại hành động gây rối trước đó của cả hai nhóm này.

Vào hôm qua 1/4, XR đã tổ chức một số hoạt động chặn đường để phản đối Chính phủ thiếu hành động xử lý tình trạng biến đổi khí hậu.

9 người, năm nam và bốn nữ, đã bị bắt vì cản trở giao thông trên nhiều con đường khác nhau, bao gồm Cầu Westminster, Cầu Blackfriars, Cầu Tháp London và Clapham Common West Side.

Morgan Trowland, 38 tuổi, đã ngồi trên cầu Tháp Luân Đôn, khiến cảnh sát thành phố phải tạm dừng giao thông đi về hướng nam.

Anh Trowland - kỹ sư dân dụng sống tại Hackney, đông London, cho biết: “Tôi cảm thấy kinh hãi rằng hàng tỉ sinh linh sẽ chết vì khủng hoảng khí hậu, bao gồm con người và những loài khác. Tôi lo lắng rằng nhiều người đang chấp nhận điều này hoặc cảm thấy bất lực trong việc thay đổi tình hình. Tôi muốn cho người xem thấy rằng mỗi chúng ta đều có sức mạnh phi thường".

Trowland sau đó bị bắt và bị buộc tội cản trở giao thông trên đường cao tốc.

2london2

Một trong những người tiến hành chặn đường

Một người đàn ông khác chặn cầu Blackfriars và cầm một tấm biểu ngữ có đoạn: "Tôi kinh hãi khi hàng tỷ người sẽ chết đói trong lúc Chính phủ của chúng ta từ chối đối phó với khủng hoảng khí hậu".

Trước cuộc biểu tình, Chỉ huy Simon Dobinson - thuộc Cảnh sát Metropolitan, nói: “Chúng tôi đã cố gắng liên lạc với những người tổ chức các cuộc biểu tình hôm thứ Bảy. Họ có trách nhiệm tuân thủ quy định và đảm bảo việc tụ tập được an toàn”.

“Các sĩ quan sẽ có mặt để cố gắng đàm phán với người biểu tình, giải thích các hạn chế, khuyến khích tuân thủ và thực hiện áp chế nếu cần thiết".

"Bất kỳ ai có ý định thực hiện hành vi bạo lực hoặc gây rối cần hiểu rằng họ sẽ bị chúng tôi ngăn chặn. Chúng tôi sẽ không dung thứ cho việc tấn công các sĩ quan và nhân viên cảnh sát”.

Các cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức ở Sheffield, Manchester và Newcastle.

Tại Newcastle, người tham dự đã bị các sĩ quan chặn đường khi cố gắn tiến vào một sở cảnh sát.

Một nhân chứng nói với hãng thông tấn PA: “Cảnh sát đã chặn con đường và giao thông, đã có một vài vụ ẩu đả và một vài người bị giam giữ. Sau khoảng 30 phút, những người biểu tình nhận ra họ không thể làm gì và bỏ đi”.

2london1

Cảnh sát xô đẩy với một người biểu tình trên quảng trường Trafalgar

Tại Sheffield, một nhóm người đã quỳ gối và thực hiện lời chào quyền lực người da đen trong công viên gần trung tâm thành phố, trước khi diễu hành về phía Tòa thị chính.

Người biểu tình ở Manchester có mặt tại Portland ở trung tâm thành phố.

Các cuộc biểu tình bạo lực nhất diễn ra ở Bristol - nơi bức tượng của thương nhân buôn bán nô lệ Edward Colston bị phá hủy vào mùa hè năm ngoái - với 42 người bị bắt sau cuộc biểu tình hồi tháng Ba.

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ cho biết: “Quyền biểu tình là nền tảng của nền dân chủ, nhưng trong những năm gần đây, chúng ta đã thấy sự gia tăng của các chiến thuật gây rối và nguy hiểm trong hoạt động biểu tình”.

“Việc đập phá tài sản tư nhân, chặn xe cấp cứu và không cho nhà in phát báo là hoàn toàn không thể chấp nhận được.

“Chính phủ sẽ không ngồi yên khi quyền và tự do của các cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng bị chà đạp bởi một nhóm thiểu số”.

“Những biện pháp mới này sẽ không ngăn mọi người thực hiện quyền công dân của họ để bày tỏ phản đối và yêu cầu được lắng nghe, nhưng sẽ ngăn chặn sự gián đoạn ở quy mô lớn - cho phép đa số im lặng tiếp tục cuộc sống của họ”.

Viethome (Theo Evening Standard)