Chụp lén dưới váy chính thức bị coi là hành vi phạm pháp

Hành vi chụp lén dưới váy hiện đã chính thức được coi là vi phạm pháp luật sau khi nghiên cứu cho thấy số lượng nạn nhân là người già và trẻ nhỏ đã tăng cao trong năm ngoái.

Số liệu của cảnh sát tiết lộ nạn nhân thường bị đưa vào tầm ngắm tại các cửa hàng, nơi làm việc, trên đường phố và thậm chí ở trường học, chỉ có một số ít trường hợp dẫn đến một cáo buộc hình sự.

Các số liệu - được công bố vào đúng ngày chụp lén dưới váy trở thành một tội hình sự với mức phạt tới hai năm tù - cho thấy phần lớn các vụ án liên quan đến nạn nhân nữ và thủ phạm nam, theo dữ liệu được công bố bởi lực lượng cảnh sát theo luật Tự do Thông tin.

Luật mới này có hiệu lực sau một chiến dịch nổi tiếng do nhà văn 27 tuổi Gina Martin đứng đầu, người đã dành 18 tháng chiến đấu để biến hiện tượng này thành một hành vi phạm tội cụ thể sau khi hai người đàn ông chụp ảnh lén từ dưới váy của cô tại một lễ hội năm 2017.

Các số liệu mới cho thấy hơn một nửa (25) trong số 43 lực lượng cảnh sát ở Anh và xứ Wales ghi nhận cáo buộc chụp lén dưới váy trong năm 2018, so với chỉ 15 lực lượng trong hai năm trước.

Số lượng sự cố cũng tăng vọt, từ 78 vào giữa tháng 4 năm 2015 và tháng 4 năm 2017, lên 94 cho cả năm 2018.

Con số chính xác có khả năng cao hơn nhiều vì hai lực lượng lớn nhất - Cảnh sát London và Cảnh sát West Midlands - nằm trong số những cơ sở từ chối cung cấp thông tin.

Các nhà vận động từ lâu đã tuyên bố việc thiếu quy định hành vi phạm tội cũng đã ngăn cản các nạn nhân lên tiếng, trong khi cảnh sát cũng không được hướng dẫn cách điều tra các cáo buộc này.

Cô Martin, người đã cộng tác với luật sư Ryan Whelan để vận động Chính phủ, cho biết: “Trong suốt 18 tháng thực hiện chiến dịch, tôi đã nhận được hàng trăm tin nhắn và câu chuyện từ những người bị chụp lén.

“Thực tế là số lượng trình báo gia tăng cho thấy các nạn nhân cảm thấy được trao quyền và được khuyến khích để lên tiếng về những gì đã xảy ra với họ trước chiến dịch, điều này thật tuyệt vời - điều này cũng quan trọng đối với Ryan Whelan và tôi.

“Chúng tôi hy vọng mọi người tiếp tục cảm thấy thoải mái khi trình báo tình trạng quay lén theo Đạo luật Quay lén mới.”

Các số liệu mới chỉ rõ các nạn nhân thuộc nhiều thành phần độ tuổi và địa điểm gây án cũng rất đa dạng.

Cảnh sát Essex cho hay một nghi phạm bị buộc tội có hành vi thiếu đứng đắn sau khi anh ta bị phát hiện sở hữu hình ảnh của một đứa trẻ khoảng bảy đến chín tuổi.

Nhưng một trường hợp khác ở Essex, liên quan đến hình ảnh của một phụ nữ 70 tuổi, đã đi vào ngõ cụt sau khi nạn nhân từ chối hoặc không thể xác định được kẻ phạm tội, mặc dù nghi phạm đã được cảnh sát xác định.

Cảnh sát Avon và Somerset cho biết hai bé gái 13 tuổi nằm trong số những người bị chụp lén, trong khi Cảnh sát Northumbria cho biết họ nhận được trình báo cáo về một cậu bé đặt điện thoại trên mặt đất để chụp lên một váy một cô gái - cả hai đều dưới 16 tuổi.

Cảnh sát Leicestershire cho biết có sáu sự cố quay chụp lén từ dưới váy được báo cáo vào năm 2018, trong đó có nạn nhân chỉ mới 14 tuổi. Trong trường hợp này, một số nữ sinh cho biết giáo viên của họ đã chụp lén dưới váy của họ trong lớp học.

Bộ Tư pháp cho biết luật mới được đưa ra ở Anh và xứ Wales quy định cấm hành vi đồi bại nhằm răn đe thủ phạm, bảo vệ nạn nhân tốt hơn và đưa nhiều kẻ phạm tội ra trước công lý hơn.

Trước đây, các nạn nhân đã bị buộc phải tìm truy tố kẻ tội phạm theo luật quấy rối, nhìn lén và hành vi thiếu đứng đắn, nhưng thường khó dẫn đến bản án vì các sơ hở.

Bộ trưởng Tư pháp Lucy Frazer cho biết: “Chúng tôi luôn rõ ràng - không có lời bào chữa nào cho hành vi này và những người phạm tội nhận ra uy quyền của pháp luật pháp luật. Từ hôm nay, họ sẽ thấy rõ điều đó.

“Bằng cách hành động quyết đoán và hợp tác chặt chẽ với Gina Martin và các nhà vận động khác, chúng tôi đã đảm bảo nhiều người được bảo vệ khỏi hành vi đồi bại và nhục nhã này.”

VietHome (Theo ITV)