Lỗ hổng luật pháp tại Anh quốc: 2 người đàn ông chưa thể bị trục xuất mặc dù nói dối về nguồn gốc của mình

Tại một phán quyết mới đưa ra gần đây, Tòa án tối cao Anh quốc đã bộc lộ một “lỗ hổng” nghiêm trọng trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước này. Theo đó, lỗ hổng pháp luật này có nguy cơ khiến cho chính phủ không thể trục xuất những người nói dối về quốc tịch của họ để được ở lại Anh quốc sau khi phát hiện.

Two Albanians are not deported despite lying to get citizenship

Giấy chứng nhận quyền công dân tại Anh quốc

Mới đây, trong sự vụ hai người đàn ông mang quốc tịch Albani khai gian rằng mình là người tị nạn tới từ Kosova để được ở lại Anh quốc, chính phủ Anh đã thất bại thảm hại trong nỗ lực trục xuất hai người đàn ông này do những lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống luật của mình. Cuối cùng, hai người đàn ông này không những đã chiến thắng tại tòa, không bị trục xuất mà thậm chí còn gây thâm hụt vào ngân sách quốc gia tới gần 1 triệu bảng Anh tiền thuế phí tư pháp.

Phải nói thêm rằng trước đó, vào những năm 1990, chính phủ Anh đã từng cho phép hơn 80,000 người tị nạn từ đến Kosovo chạy trốn khỏi chiến tranh ở Balkans sang trú ngụ tại nước này. Tuy nhiên, lợi dụng cuộc loạn lạc đó, rất nhiều người Albani đã khai gian rằng mình là người tị nạn đến từ Kosovo để được tới Anh sinh sống và nhập quốc tịch.

Trong số những người tị nạn giả mạo đó có đối tượng Dinjan Hysaj, 21 tuổi - một thanh niên lúc bấy giờ đã khai gian rằng mình là trẻ vị thành niên mang quốc tịch Kosovo đang chạy trốn khỏi chiến tranh tại quê nhà. Và không hề mảy may nghi ngờ, chính phủ đã ngay lập tức hỗ trợ và thậm chí còn cho anh ta nhận quốc tịch Anh. Một người tị nạn giả mạo khác bị phát hiện đó là Agron Bakijasi, một thanh niên đến từ Albania, sử dụng một cái tên giả mạo và cũng giả vờ tới từ Kosovo, nói dối về tuổi của mình để được ở lại Anh và nhận được sự hỗ trợ của chính phủ.

Vào năm 2011, khi đối tượng Dinjan Hysaj lúc đó đã 40 tuổi thì hành vi giả mạo của anh ta bị chính phủ phát giác. Theo đó, vụ gian lận động trời của anh ta bị đưa ra ánh sáng khi anh ta bị tống giam 5 năm tù do gây gổ với một người đàn ông trong một quán rượu ở Hertfordshire. Còn về phía đối tượng Agron Bakijasi, danh tính thực của anh ta bị lột trần sau khi người bạn đời của anh ta quay trở lại Kosovo và quyết định tiết lộ về sự thật đằng sau màn kịch hoàn hảo của anh ta.

Sau khi phát hiện ra hành vi gian dối của hai đối tượng trên, Bộ Nội vụ đã gửi lệnh trục xuất đến họ. Tuy nhiên, luật sư của hai người đàn ông này lại phản pháo lại rằng theo luật pháp Anh quốc, việc nói dối về quốc tịch không đủ cơ sở để hai người đàn ông này bị trục xuất.

Tại phiên tòa xét xử hai người đàn ông này mới diễn ra gần đây, thẩm phán đã đưa ra kết luận rằng những vấn đề pháp lý xung quanh các cá nhân sử dụng một danh tính không có thực để được nhận quốc tịch tại Anh là một “sự thiếu chắc chắn và rất khó để áp dụng luật pháp vào thực tế”.

Sự khó khăn trong việc đưa ra phán quyết của thẩm phán trong vụ việc lần này là khá dễ hiểu khi mà các bị cáo không hề đánh cắp danh tính của bất kỳ một cá nhân nào mà lại tạo ra một nhân vật hoàn toàn hư cấu và không có thật.

Các thẩm phán cũng cho biết sự vụ này được đưa ra xét xử trong một tình cảnh đặc biệt, khi mà bà Amber Rudd, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - người muốn trục xuất hai bị cáo này, giờ đây lại cho rằng tòa án đã chưa làm rõ xem tội trạng của hai người này có đủ nặng để bị tước quốc tịch hay không. Tuy nhiên, Bộ nội vụ cũng cho biết bây giờ họ đang theo đuổi những con đường khác nhằm trục xuất hai người đàn ông này.

Ông Andrew Bridgen, Nghị sĩ Đảng Bảo thủ, cho biết phán quyết này đã làm lộ ra một lỗ hổng lớn trong hệ thống pháp luật của Anh quốc. Ông cũng cho rằng những điều luật mới được đưa ra cần phải đảm bảo được rằng không ai có thể lạm dụng hay lợi dụng những khe hở của nó để lách luật và trục lợi được nữa.
"Chúng ta cần phải thắt chặt luật pháp để những người bịa chuyện và nói dối để có quốc tịch Anh có thể bị tước quốc tịch và bị trục xuất. Những người này không phải là những cá nhân mà chúng ta mong muốn có mặt tại đất nước này.”
"Kẽ hở pháp lý này cần được đóng lại càng sớm càng tốt...đặc biệt là khi chúng ta đang trong quá trình rời bỏ Liên minh Châu u và phải tự mình nắm quyền kiểm soát tiền bạc, luật lệ và biên giới của chúng ta ".

Một phát ngôn viên của Bộ Nội vụ khẳng định rằng sự vụ của hai bị cáo trên là một “trường hợp đặc biệt” và nói thêm rằng Bộ đang tìm ra những phương thức khác để tước quốc tịch của họ. Ông nói thêm rằng phán quyết lần này đưa ra sẽ làm rõ hơn về mặt luật pháp và sẽ "hỗ trợ" giải quyết các cáo trạng khác.


VietHome (Theo Telegraph)