Nạn buôn người: Anh Quốc chú tâm tới vấn đề nô lệ trẻ em người Việt

29 slavery g w None MED

Đối với cam kết của David Cameron về việc giải quyết vấn nạn trẻ em bị buôn từ Việt Nam sang Anh để trở thành nô lệ cho các băng nhóm tội phạm có tổ chức, nhiều đơn vị từ thiện lên tiếng cảnh báo về sự khó khăn của việc này.

Phát biểu trước khi đến thăm Việt Nam, David Cameron bày tỏ quan ngại về thực trạng có hàng ngàn trẻ em Việt Nam hiện đang bị lợi dụng bởi các băng nhóm tội phạm Anh và về dự báo là mỗi tháng sẽ có thêm hàng chục đứa trẻ khác bị buôn tới đây.

Báo cáo năm 2015 về Nạn buôn bán người (TIP) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng xác nhận: "Mạng lưới tội phạm Việt Nam thuê và đưa công dân Việt Nam, đặc biệt là trẻ em, tới châu Âu, mà chủ yếu là tới Vương quốc Anh và Ireland, và bắt ép họ lao động trên các cánh đồng cần sa. Họ bị dụ dỗ bởi những lời hứa về một công việc béo bở và bắt buộc phải làm nô lệ để trả nợ."

Cameron hứa sẽ có quy định yêu cầu các công ty với doanh thu hơn 36 triệu bảng giải trình về biện pháp họ đã tiến hành để đảm bảo rằng chuỗi cung ứng của họ không sử dụng lao động trẻ em hay nô lệ.
Những nhà vận động chống chế độ nô lệ đánh giá cao sự quan tâm của Cameron song cũng khá nghi ngờ về tầm ảnh hưởng của các biện pháp trên đối với tình hình ở nước Anh.

Chloe Setter, Tổ chức từ thiện chống buôn bán trẻ em ECPAT, trả lời phỏng vấn của Channel 4 News: "Tôi rất hài lòng với việc Thủ tướng đang hướng sự chú ý của dư luận vào vấn đề này, nhưng chỉ chú trọng giải quyết chuỗi cung ứng sẽ chẳng thể ngăn việc trẻ em bị bán tới các nhà máy cần sa hay các salon làm móng. Mối quan tâm của chúng tôi hiện nằm ở việc chưa từng có băng nhóm buôn bán người nào ở Việt Nam bị kết tội trong khi đất nước này là một trong những nguồn cung cấp chính cho nạn buôn bán trẻ em."

Quy trình mua bán trẻ em từ Việt Nam thường diễn ra như sau: Những kẻ buôn người tiếp cận các gia đình nghèo, hứa hẹn về một công việc trong mơ. Gia đình trẻ vay mượn để đứa trẻ được vượt biên tới Anh, thường là bằng đường bộ qua Nga hoặc Cộng hòa Czech. Tới Anh rồi, thay vì những công việc chính đáng được hứa hẹn, phần lớn phải làm việc trong các trang trại cần sa trái phép hoặc bị ép bán dâm.

Số liệu mới nhất của Cơ quan Tội ác Quốc gia (National Crime Agency) cho thấy trong năm 2014 số nạn nhân tiềm năng của nạn buôn người đã tăng 34% so với năm 2013 và trong số 2.340 người trên có 216 người Việt Nam. Các tổ chức từ thiện thì tin rằng đây mới chỉ là bề nổi của tảng băng bởi rất nhiều nạn nhân không dám liên hệ với chính quyền vì sợ bị xử lý khi bị phát hiện.

Đạo luật Nô lệ Hiện đại 2015 cho phép nạn nhân dùng việc bị bán đi để biện hộ trước tòa nhưng một số nhà vận động rất lo ngại về mức độ bị tẩy não của những đứa trẻ. Việc trẻ được cứu khỏi nhà máy sản xuất cần sa trốn và trở lại với những kẻ buôn người do lo sợ trước sự đe dọa của chúng không phải là điều gì hiếm gặp. Nạn nhân cần phải có ai đó họ có thể tin tưởng để chuyện này không lặp đi lặp lại nữa. Một nghiên cứu về vấn đề này hiện đang được thực hiện và dự kiến sẽ có kết quản vào tháng Mười một năm 2015.

Trong thời gian tới, Ủy viên phụ trách về chống chế độ nô lệ đầu tiên của Anh - Kevin Hyland sẽ tới Việt Nam để tìm cách ngăn chặn nạn buôn người ở nước này. Trọng tâm chuyến thăm của Hyland là "ngăn chặn trước khi chuyện buôn người xảy ra" - tiếp cận vùng nông thôn, nơi bắt nguồn của tội ác, và nỗ lực giải quyết các băng nhóm đang hoạt động ở Anh.

(Theo Channel4)